“Vượt cạn”

CHÂU NỮ 23/09/2013 08:50

Ngày nay, khi y học đã tiến bộ rất nhiều, nhưng khoảnh khắc “vượt cạn” vẫn là nguy hiểm, khó nhọc nhất trong chặng đường làm mẹ.

Ngoại trừ những trường hợp tai biến, không khoa nào bác sĩ gặp nhiều niềm vui như bác sĩ sản khoa. Có những ca trực sản “nhớ đời” mà các y, bác sĩ nói đùa là trực... sảng. Tỷ như phiên trực hôm mùng 4 Tết Quý Tỵ 2013 của thạc sĩ-bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh - Phó Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Một sản phụ người dân tộc Co, được Bệnh viện Phước Sơn chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam với chẩn đoán: thai 8 tháng, mẹ bị bỏng xăng 30%. Bác sĩ Trinh được Khoa Hồi sức mời hội chẩn, khám lâm sàng tim thai tốt, tiên lượng có thể sinh non và vẫn có thể đỡ đẻ ngay tại phòng hồi sức. Gần 10 giờ sau, bác sĩ nhận được thông tin từ phòng hồi sức là sản phụ sắp đẻ. Vội vã mang bộ đỡ đẻ đến phòng hồi sức, bác sĩ Trinh đã thấy đầu thai nhi nhô ra ngoài. Ngay sau đó, bé gái nặng 2,4kg oe oe chào đời. Sau sinh sức khỏe sản phụ và bé ổn định. Bác sĩ vui mừng thở phào nhẹ nhõm.

“Vượt cạn” suôn sẻ luôn là niềm vui của sản phụ và cán bộ y tế. Ảnh: C.NỮ
“Vượt cạn” suôn sẻ luôn là niềm vui của sản phụ và cán bộ y tế. Ảnh: C.NỮ

Tuy nhiên, không phải ca sinh nào cũng may mắn, suôn sẻ như vậy. Nhiều trường hợp bác sĩ không thể đem lại niềm vui cho gia đình sản phụ dù ê kíp trực đã cố gắng hết sức. Như trường hợp một sản phụ sinh lần 2, sổ vai khó khăn, dây rốn quấn cổ 2 vòng chặt. Ê kíp trực cố gắng kéo em bé nhưng bị ngạt, phải bóp bóng 10 phút, da bé mới hồng hào nhưng vẫn khóc không tốt. Bác sĩ đành lòng giải thích người nhà chuyển bệnh viện nhi theo dõi. Lúc ấy, bác sĩ xem lại biểu đồ tim thai - cơn go (CTG) thấy đầu dò không ghi lại cơn go và tim thai. “Giá như phiên trực quan tâm đến CTG, đo lại và quyết định, đôi khi sẽ không chờ lâu để cho đầu xuống mà lại kẹt vai. Vậy là thêm một lần hối hận...” - bác sĩ Kiều Trinh chia sẻ.

Khoa phụ sản được xem là khoa vui nhất bệnh viện, bởi ở đây vẫn có sự đau đớn nhưng không phải đau đớn vì bệnh tật, mà là đau đớn trong niềm vui, niềm hạnh phúc khi chờ đợi những sinh linh mới chào đời. Trong khoảnh khắc này, người chồng chỉ có thể động viên về tinh thần. Trạng thái căng thẳng, lo âu cũng xảy ra ngay cả với những người sinh con thứ 2 trở đi. Những tiếng rên la, khóc lóc và cả chửi bới... vốn là chuyện thường ngày ở phòng chờ sinh. Có lần ở Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc, trong cơn đau, chị N.T.T. (Đại Hòa, Đại Lộc) đã cào tay chồng đến rướm máu. Nhìn con gái đau đớn, mẹ chị T. bèn bảo chồng chị chạy quanh bệnh viện 5 vòng để rút ngắn thời gian chuyển dạ của vợ. Mặc dù thấy quá vô lý nhưng người chồng vẫn phải nghe lời mẹ vợ, vì theo anh, “cứ xem đó như một liệu pháp tinh thần”. Dù có người thân chia sẻ và cán bộ y tế giúp đỡ, cộng với sự tiến bộ của y học, nhưng trong quá trình “vượt cạn”, sản phụ vẫn phải tự thân vượt qua giai đoạn khó khăn. Vì vậy, sản phụ cần chuẩn bị đầy đủ cả về sức khỏe, tinh thần lẫn vật chất để “chuyến đi biển một mình” được suôn sẻ, “mẹ tròn con vuông”.

 CHÂU NỮ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Vượt cạn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO