Trên đất Đại Lộc, nhiều nông dân vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng từ tay trắng, trở thành điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Nông dân Nguyễn Thanh Vững (thôn Phú Phong, xã Đại Tân) là một tấm gương vượt khó, nỗ lực vươn lên làm giàu với mô hình nuôi bò.
Nhận thấy đất Đại Tân rộng lớn, địa hình cao ráo phù hợp với chăn nuôi, ông Vững bàn bạc với người thân xây chuồng trại kiên cố, thả nuôi 10 con bò mẹ, 5 bò con. Nhờ đảm bảo các điều kiện, quy trình chăn nuôi, lựa chọn con giống tốt, đàn bò phát triển tốt.
Năm 2022, sau khi trừ các khoản chi phí, con giống, nhân công, ông Vững đã thu về trên 100 triệu đồng từ bán bò thịt. Không chỉ vượt khó, sản xuất giỏi, ông Vững cũng là tấm đi đầu trong phong trào của tổ chức hội, đoàn thể.
Ông Trương Hữu Mai - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đại Lộc cho biết, giai đoạn 2017 - 2022, phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được triển khai sâu rộng từ huyện tới cơ sở. 5 năm qua, có 14.680 lượt hộ nông dân đăng ký tham gia phong trào. Toàn huyện đã thành lập được 40 trang trại, gia trại trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp; 9 hợp tác xã, 52 tổ hợp tác.
Có hơn 20 năm gắn bó với nghề đá mỹ nghệ, anh Trương Anh Thịnh (thôn Xuân Tây, xã Đại Tân) tìm cách níu giữ nghề truyền thống trước sự mai một của làng nghề. Anh nỗ lực vay vốn, đứng ra thành lập Tổ điêu khắc đá mỹ nghệ.
Anh Thịnh đầu tư xây dựng nhà xưởng kiên cố với diện tích hơn 1.500m2 cùng các loại máy móc trị giá hàng tỷ đồng... Nhờ có tay nghề tốt và đầu tư bài bản, cơ sở đá mỹ nghệ của anh Thịnh hoạt động ổn định, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.
Anh Thịnh chia sẻ: “Tôi sẽ cố gắng để giữ nghề cha ông, cập nhật kiến thức, đưa máy móc công nghệ vào sản xuất để tạo ra sản phẩm đẹp, chinh phục khách hàng”.
Cơ sở đá mỹ nghệ của anh Thịnh được nhiều khách hàng trong và ngoài địa phương đến đặt hàng với đa dạng sản phẩm, từ chậu cảnh, bàn, ghế, sập... đến các sản phẩm đá đặt tại các công trình lớn như đình, chùa, tượng đài...
Hay như anh Võ Xuân Quâng (trú thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong) cùng gia đình khởi nghiệp thành công với sản phẩm đũa gỗ. Anh lập gia đình và mở cơ sở sản xuất đũa gỗ chỉ với số vốn ban đầu là 21 triệu đồng cùng với một ít vốn vay mượn từ gia đình, bạn bè.
Anh Quâng đầu tư mua một số máy móc thông thường để hỗ trợ sản xuất đũa gỗ bình dân. Năm 2020, anh bắt đầu tìm hiểu chuyên sâu, làm ra sản phẩm sạch và cải tiến đa dạng mẫu mã, kiểu dáng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Anh mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc và thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, mày mò và chế tạo thành công các máy: rọc đũa, chuốt đũa, se đũa và trộn đũa, phục vụ hoạt động sản xuất đũa gỗ tại xưởng.
Anh Quâng đứng ra thành lập HTX sản xuất và thương mại đũa gỗ mỹ nghệ Nam Dương năm 2020. Thương hiệu đũa gỗ Nam Dương được người tiêu dùng tin tưởng, tiêu thụ rộng rãi trên cả nước, giúp cơ sở anh có thu nhập hơn trăm triệu đồng/năm.