Vượt lên số phận

QUỐC TUẤN 08/06/2017 08:28

Dù bị khuyết tật nặng đôi bàn tay nhưng với nghị lực mạnh mẽ của mình, chị Lê Thị Liêng (quê xã Bình Chánh, Thăng Bình) đã tìm được cho mình một công việc ổn định để tự nuôi sống bản thân, giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh.

Sinh ra với đôi bàn tay bị khuyết tật bẩm sinh, chị Liêng (SN 1985) từ nhỏ đã chịu thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa khi rất chật vật trong các sinh hoạt đời thường và bị chậm một năm học. Dù vậy, chị Liêng vẫn chăm chỉ học tập và hoàn thành đầy đủ chương trình học phổ thông. Năm 2004, sau khi học hết lớp 12 do sức khỏe rất yếu nên chị Liêng ở nhà phụ giúp gia đình, đồng thời vẫn không ngừng ôn luyện kiến thức để hy vọng tiếp tục con đường học tập. Đến năm 2007, mong ước của chị Liêng trở thành hiện thực khi thi đậu ngành nông lâm ở Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam. Sau khi ra trường, dù đã “gõ cửa” nhiều chỗ nhưng chị Liêng vẫn không thể tìm được một công việc để mưu sinh bởi nơi nào cũng ái ngại với đôi bàn tay bị khuyết tật của chị sẽ khó lòng hoàn thành công việc.

Chị Liêng đang hướng dẫn cho một đồng hương cũng bị khuyết tật nặng học may tại cửa hàng. Ảnh: Q.T
Chị Liêng đang hướng dẫn cho một đồng hương cũng bị khuyết tật nặng học may tại cửa hàng. Ảnh: Q.T

Suốt gần 3 năm sau đó, chị Liêng trở về sống với gia đình ở xã Bình Chánh với nỗi buồn nặng trĩu vì chưa thể đỡ đần cho ba mẹ. Đầu năm 2012, chị được Hội Chữ thập đỏ huyện Thăng Bình giới thiệu vào học nghề tại Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện TP.Đà Nẵng. Sau khi được giảng viên của trung tâm giới thiệu một lượt về các nghề có thể học, chị Liêng quyết định chọn nghề may cùng với 18 học viên khác. Do bị khuyết tật đôi tay từ nhỏ nên chị Liêng cũng như các học viên khác nhiều tuần liền trầy trật với chiếc máy khâu. Cô Lê Thị Tuyết - giảng viên môn may của Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện TP.Đà Nẵng cho biết: “Liêng học ở đây 2 năm, dù bị khuyết tật khá nặng nhưng em đã sử dụng thành thạo các thao tác may cơ bản các loại quần, áo. Với kết quả đó, em xin ra nghề và được trung tâm kết nối giới thiệu việc làm”.

Được giới thiệu vào làm việc tại một công ty sản xuất quần áo trên đường Núi Thành, TP.Đà Nẵng nhưng mọi việc chưa phải đã suôn sẻ ngay. Trong suốt 3 tháng học việc đầu tiên, do đặc thù may các loại quần áo tắm cần sự tỉ mẩn, chị Liêng chỉ là phụ may và cũng có lúc bị lỗi sản phẩm rồi dần dần mới được giao may chính. Chị Liêng chia sẻ: “Trước đây cũng có một vài học viên cùng khóa làm với tôi tại đây nhưng sau đó đã nghỉ dần do không đáp ứng được yêu cầu công việc”. Hiện tại, tại cửa hàng chị Liêng đang phụ trách có em Giáp Thị Thu Phượng (quê xã Quế Châu, Quế Sơn) đang học việc phụ may và được chị tận tình giúp đỡ để nâng cao tay nghề. Phượng cũng bị khuyết tật khá nặng và học việc tương đối chậm dù đã làm ở đây gần 2 năm. Nhờ sự cần cù, thật thà của mình, chị Liêng dần được chủ công ty tin tưởng và giao toàn bộ việc quản lý hàng hóa nhập xuất. Nhờ vậy, ngoài việc được bao nơi ăn ở, mỗi tháng chị Liêng được trả lương gần 3 triệu đồng và thưởng thêm tùy vào doanh số sản phẩm. “Tôi rất vui và biết ơn những người đã tạo điều kiện để mình được học nghề, giúp có công việc ổn định như bây giờ. Nhờ thế, cuộc sống của tôi đã đỡ vất vả hơn rất nhiều, thỉnh thoảng còn phụ cấp thêm cho ba mẹ ở quê” - chị Liêng bộc bạch.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vượt lên số phận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO