Vượt qua số phận

DIỄM LỆ - THÙY NHUNG 18/04/2013 09:00

Điểm chung dễ nhận thấy ở họ là nụ cười thường trực, như cách  tự tạo niềm lạc quan để họ vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống…

Thăm hỏi, trò chuyện cùng nhau trong ngày gặp mặt. Ảnh: DIỄM LỆ
Thăm hỏi, trò chuyện cùng nhau trong ngày gặp mặt. Ảnh: DIỄM LỆ

Sẻ chia

Mỗi năm một lần, những người khuyết tật (NKT) tiêu biểu toàn tỉnh mới có dịp hội ngộ trong cuộc gặp mặt chứa chan nỗi niềm. Sáng sớm, những chiếc xe lăn, xe lắc lần lượt đưa những NKT trong toàn tỉnh đến với buổi gặp mặt NKT tiêu biểu. Tám mươi người có mặt trong buổi gặp mặt hôm ấy là 80 câu chuyện của những con người kém may mắn, nỗ lực hòa nhập vào cuộc sống bằng tất cả nghị lực. Ở họ có một điểm chung là trên môi luôn rạng rỡ nụ cười, kèm theo những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm mừng rỡ sau thời gian dài không có cơ hội gặp nhau. Họ nói với nhau về những khó khăn trong cuộc sống không phải để bi quan, mà là tìm một con đường vượt qua.

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng hậu quả mà nó để lại vẫn còn hiện hữu. Trong đó, di chứng của chất độc da cam khiến toàn tỉnh có hơn 40 nghìn NKT. Cuộc sống của họ đối diện với vô vàn khó khăn, nhất là trong việc học chữ, học nghề và cơ hội tìm kiếm việc làm. Hơn 30% NKT không biết chữ, hơn 50% NKT mới học xong tiểu học, điều này tạo nên rào cản trong hòa nhập với cộng đồng, gây khó khăn trong việc học nghề và tìm việc. Thế nhưng bằng nỗ lực bản thân cũng như sự trợ giúp của xã hội, nhiều tấm gương NKT để lại ấn tượng sâu sắc trong quá trình khẳng định bản thân.

Có thể nói, Hội NKT tỉnh ra đời vào năm 2012 đã trở thành chỗ dựa được NKT tin tưởng. Hội không chỉ hỗ trợ về mặt tinh thần mà còn tích cực vận động các nguồn tài trợ, giúp đỡ NKT có điều kiện học nghề, tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Ông Hứa Quốc Dũng, Chủ tịch Hội NKT tỉnh, cho biết: “Hội NKT mới ra đời nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc trợ giúp cho hội viên. NKT đã được trợ cấp xã hội theo Nghị định 67. Sự giúp đỡ ban đầu của hội vẫn còn hạn chế do thiếu kinh phí. Vì vậy, bản thân mỗi NKT tự vươn lên nhờ sự trợ giúp của gia đình, xã hội là chính”.

Vươn lên

Chị Nguyễn Thị Phương (xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn) hiện là chủ một tiệm may ở xã Điện Hồng. Chị Phương tâm sự: “Trong cuộc sống ai cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng khó khăn ấy lại tăng lên gấp bội đối với những NKT như tôi. Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi học nghề may nhưng phải cố gắng để kiếm công việc ổn định nuôi sống bản thân. Bởi tôi chỉ bị liệt đôi chân, chứ đôi tay vẫn còn may vá được”. Năm chị Phương 1 tuổi, sau một trận đau thập tử nhất sinh, chị đã bị liệt chân trái, chân phải rất yếu. Từ đó, đôi nạng trở thành người bạn thân thiết với chị. Dù học chữ gặp nhiều khó khăn, nhưng chị vẫn cố gắng đến trường để không bị mù chữ. Năm 15 tuổi, chị Phương thuyết phục gia đình cho đi học nghề may vì thấy phù hợp với sức khỏe bản thân. Hết học nghề, chị về quê mở tiệm với một cái máy may bàn đạp. Khách hàng biết, tìm đến may đồ ở chị ngày càng đông vì cảm thông và chia sẻ phần nào khó khăn với người con gái đầy nghị lực. Dần dà, chị đã đổi được cái máy may bằng điện để cái chân được nghỉ ngơi, sắm thêm các loại máy khác phục vụ cho việc may thêu nên công việc trở nên nhẹ nhàng hơn. Giờ đây tiệm may của chị Phương đã ổn định, mang về nguồn thu nhập bình quân hằng tháng 3 - 4 triệu đồng, giúp chị có thể lo được cuộc sống cho mẹ già và một người con nhỏ.

Ở thôn Mỹ Sơn (xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành), ai cũng biết đến người thương binh tên Nguyễn Ngọc Bình. Ông Bình trở về sau chiến tranh với tỷ lệ thương tật 81%. Được một người con gái cùng làng thương, ông Bình trở thành một người chồng, người cha mà trong lòng không khỏi lo lắng cho tương lai của gia đình. Năm 1991, ông Bình mạnh dạn vay mượn của bà con hàng xóm 6 triệu đồng để mua 1ha đất nuôi tôm. Vợ chồng ông hì hục làm suốt ngày, ngăn ao nuôi tôm, cá. Sau 4 năm miệt mài, ông trả hết tiền mượn lập nghiệp, còn dư dả nuôi con ăn học. Mắt ông Bình sáng ngời khi kể về gia đình: “Niềm an ủi lớn nhất của tôi là hai đứa con đều chăm ngoan học giỏi, đứa lớn học cao đẳng xong đã có việc làm, đứa nhỏ đang học đại học năm thứ ba”. Khuyết tật nhưng không khuyết lòng, 10 năm liền ông Bình làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Mỹ Sơn, vận động quỹ hội trên 10 triệu đồng để giúp đỡ các hội viên khó khăn. Gần đây, ông còn tham gia làm tổ trưởng tổ đoàn kết, Chi hội trưởng Hội khuyến học, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam của xã Tam Anh Nam.

DIỄM LỆ - THÙY NHUNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vượt qua số phận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO