Vượt qua sóng cả

LÊ VĂN CHƯƠNG 17/11/2016 08:37

“Đồng đội tới đâu rồi”, “Đồng đội ơi, có gì chưa, anh em khỏe không”… là những câu thường trực qua Icom của những ngư dân trên vùng biển Hoàng Sa, cùng nhau vượt qua sóng cả để có một chuyến biển an toàn, hiệu quả.

1. Sáng 28.10, tại vùng biển phía đông quần đảo Hoàng Sa, các ngư dân trên tàu cá QNa 91327 TS kéo xong phiên lưới đánh từ lúc 3 giờ sáng. Gần đó, đoàn tàu của ngư dân cửa biển Kỳ Hà cũng đang kết thúc phiên lưới đêm. Cách đó vài ngày, các ngư dân liên tục nhận được thông tin từ Đài duyên hải miền Trung dự báo, 2 ngày nữa vùng biển Hoàng Sa sẽ có gió đông bắc mạnh cấp 7, sau tăng lên cấp 8 và có thể mạnh lên. Từ thời điểm báo gió, các tàu tăng cường liên lạc với nhau và chuyển dịch tọa độ, co cụm lại dần. Trong Icom, các ngư dân liên tục gọi nhau “đồng đội ơi, có gì chưa, anh em khỏe không”. Vì mỗi khi biển sắp nổi gió, cá thường nổi lên mặt biển đi thành từng đàn lớn. Nếu tàu nhỏ yếu sẽ chạy ngay vào bờ nên mất cơ hội. Còn tàu lớn thì trụ lại đến sát gió, đánh phiên lưới quyết định để kiếm chục tấn cá mới chạy vào bờ. Từ buồng lái tàu vỏ thép, thuyền trưởng Nguyễn Văn Tiến điện đàm cho các tàu cá để “thăm dò” ý định. Vì ra khơi cách đất liền hàng trăm hải lý các ngư dân phải cùng đi, cùng đánh, cùng về. Sự đơn độc trên biển cả là điều nguy hiểm. Qua Icom, các ngư dân ở cửa biển Kỳ Hà cho biết đang ở cùng tọa độ và sẽ ở lại thêm một ngày nữa để đánh cá.

Tàu cá QNa 91027 TS thả thúng bơi sang tàu vỏ thép để được chia sẻ dầu ăn. Ảnh: L.V.C
Tàu cá QNa 91027 TS thả thúng bơi sang tàu vỏ thép để được chia sẻ dầu ăn. Ảnh: L.V.C

Cuộc hội ý kết thúc khá nhanh. Qua câu chuyện cho thấy, tàu vỏ thép đã được đoàn tàu vỏ gỗ chọn làm trung tâm, là điểm tựa ở nơi xa khơi. Trong những cuộc hội ý đó, tàu cá của ông Nguyễn Sinh ở xã Tam Hải bị trục trặc máy phải quay vào bờ sớm và sử dụng máy điện để thay máy chính. Tàu di chuyển với tốc độ rất chậm. Chủ tàu đã điện đàm cho tàu vỏ thép và nhắn chừng, “anh em đồng đội mình giữ liên lạc”. Hai tàu giao kèo, nếu 2 ngày nữa mới vô thì nhớ theo tọa độ đã thống nhất, nếu cần thì lai dắt để cập bờ trước gió.

2.  Tàu cá QNa 91327 TS mở biển vào sáng 20.10, trên tàu có 15 ngư dân, làm nghề lưới vây. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tiến cho biết, tàu đóng bằng nguồn tín dụng theo Nghị định 67 với giá thành 14,5 tỷ đồng và đi phiên biển đầu tiên. Ra khơi đánh cá được một ngày, thuyền trưởng Tiến lên Icom điện đàm cho các tàu để tìm mượn bộ sạc bình ác quy. Lúc 10 giờ trưa ngày 24.10, tàu cá QNa 90857 TS của ngư dân Đỗ Thanh Tuấn là người địa phương đã chạy đến giao lưu và cho tàu mượn bộ sạc. Dù 2 tàu mới ra khơi được vài ngày, nhưng anh em ngư dân gặp nhau trên biển thường hỏi như khi đi xa gặp người thân: “Được bao nhiêu tấn. Đồng đội ra sao rồi”.

Chiều tối 29.10, bầu trời xuất hiện mây, gió bắt đầu thổi mạnh. Những cột sóng cao 3 mét cứ lừng lững nâng con tàu lên cao rồi lại hạ xuống. Tàu vỏ thép nặng trên 150 tấn nên đè sóng. Còn các tàu gỗ gần đó, trọng lượng nhẹ nên chao đảo liên tục. Các ngư dân liên hệ với nhau để thống nhất gắng trụ đến tối 30.10 hoặc quay vào bờ. Trời trở gió nên tàu cá của ngư dân càng co cụm lại gần hơn để tìm cách đoàn kết để hỗ trợ nhau. Tàu cá QNg 91035 TS của ngư dân Nguyễn Văn Bé đang bật đèn và thả trôi cách đó chỉ 200 mét. Mãi đến 20 giờ, gió thổi càng mạnh, sóng biển đổ cuồn cuộn. Các ngư dân lên sóng điện đàm hội ý và quyết định về đất liền.

Cả đoàn tàu cùng quay vào bờ và đi thành 3 tốp. Hành trình giữa dông bão Hoàng Sa, các ngư dân liên tục giữ liên lạc. Trong đêm tối, dù không thấy nhau, nhưng trên Icom luôn vang lên tiếng hỏi thăm “đồng đội tới đâu rồi”. Cả đoàn tàu luôn sát cánh, đoàn kết trên sóng điện đàm, vượt sóng gió Hoàng Sa để trở về đất liền.

LÊ VĂN CHƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vượt qua sóng cả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO