Mặc dù khuyết tật, nhưng nghị lực của anh Nguyễn Chí Linh, 34 tuổi, ở thôn Đông Thạnh Tây, xã Tam Hòa (huyện Núi Thành) rất đáng trân trọng, là tấm gương của nhiều thanh niên ở nơi này.
Anh Linh làm xe chở gạch theo đơn đặt hàng của hàng xóm. Ảnh: XUÂN KHÁNH |
Anh Linh là con trai thứ 3 trong một gia đình có 3 người con, và cũng lành lặn từ lúc sinh ra. Đến năm 1 tuổi, cơn sốt bại liệt ập đến khiến đôi chân đang khỏe mạnh của anh dần teo tóp, khả năng vận động yếu hẳn và rất khó khăn. Sau những lần lê đôi chân trên cát, không may bị nhiễm trùng và phải cưa cả 2 chân. “Hồi đó ba má, rồi anh chị em, cả bạn bè nữa, họ thương mình lắm, lúc nào cũng bên cạnh động viên, bảo mình phải cố gắng sống tốt. Tiếc là nhà nghèo quá, nên mình phải nghỉ học khi vừa hết lớp 1”- anh Linh nhớ lại.
Năm 15 tuổi, anh Linh ra Tam Kỳ học nghề sửa xe đạp, sau 6 tháng, anh về quê mở tiệm sửa xe. Nhưng do không có vốn, không trang bị được đồ nghề cần thiết nên sau một thời gian “cầm cự”, anh bỏ nghề. Lang bạt ra Đà Nẵng bán vé số, được 3 năm, anh trở về quê lần nữa với nghề sửa xe đạp. Lần này tình hình cũng không mấy khả quan. Đang lúc loay hoay tìm hướng đi mới thì xã có chương trình kết hợp với Trung tâm Hỗ trợ người khuyết tật tỉnh hỗ trợ học nghề ở Tam Kỳ. Anh chọn nghề may, được miễn học phí và ăn uống, chỗ ở. Sáu tháng sau, khi hoàn thành khóa học, anh lần nữa ra Đà Nẵng tìm chốn mưu sinh. Làm nghề may ở Đà Nẵng được 2 năm, trong một lần đi giao lưu văn nghệ giữa các đoàn khuyết tật tại miền tây, trong lúc đoàn “quá cảnh” tại Sài Gòn, anh gặp được cô gái mà nay là vợ anh.
“Vợ mình khi ấy cũng là thợ may, tuy không tật nguyền như mình nhưng cô ấy sức khỏe quá yếu nên cũng tự ti với người đời. Khi gặp nhau, 2 đứa tâm sự, rồi hiểu nhau và nên duyên từ đó. Trước khi cưới cô ấy, mình nghĩ nhiều về tương lai, phải tìm cách nuôi sống 2 vợ chồng, rồi con cái nữa. Sau đám cưới, 2 đứa lấy tiền mừng cưới làm vốn, sắm đồ nghề và quay trở lại với nghề sửa xe đạp. Không ngờ cái nghề mình bỏ năm lần bảy lượt lại là chỗ mình bấu víu để nuôi cả gia đình” - anh Linh kể. Hiện tại vợ chồng anh Linh có 2 đứa con trai, đứa lớn 3 tuổi và đứa nhỏ 9 tháng tuổi. Anh cười bảo “phải dừng lại ở 2 con để nuôi và dạy cho tốt”, vợ anh sau 2 lần sinh đẻ giờ rất yếu, chỉ chăm con và lo được cơm nước, nên thành ra việc kiếm tiền nuôi cả nhà đều trông chờ ở anh.
Nếu chỉ sửa xe đạp, rất khó đảm bảo cuộc sống gia đình, nên sau nhiều lần mày mò, anh làm môtơ cho máy tuốt lúa công suất nhỏ; độ, chế những loại xe nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp trong xã. Mới đây, anh còn mua nhông bán lại để kiếm ít lời… Nhờ cần mẫn và tay nghề chắc nên lượng khách đến tiệm anh tương đối ổn định. Hôm tôi gặp anh ở tiệm, ngoài chục chiếc xe đạp đang chờ sửa, còn có mấy cái máy tuốt lúa đang đợi anh gắn môtơ. Trong khi đó, anh đang làm chiếc xe… chở gạch theo đơn đặt hàng của hàng xóm. “Mình phải cố gắng thôi, giờ đâu chỉ sống cho mình, phải có trách nhiệm chăm sóc vợ, nuôi nấng con cái chớ. Khổ, nhưng nghề nuôi được cả nhà, mong sao đừng ai ốm đau lặt vặt là được, nếu không sẽ chật vật lắm” - anh Linh tâm sự.
Ông Bùi Tấn Luyến, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tam Hòa, cho biết anh Linh là một trong những thanh niên tiêu biểu ở địa phương. “Tuy khuyết tật nhưng Linh rất có nghị lực, là tấm gương của nhiều thanh niên trong xã. Đó chính là lý do vì sao mà tháng 6.2012, chúng tôi đã quyên góp giúp Linh xây dựng nhà cửa” - ông Luyến cho hay.
XUÂN KHÁNH