Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước trình tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, có một con số khiến nhiều người giật mình: 63.279 lao động vượt quy định. Đây là số công chức, viên chức, hợp đồng lao động thực tế có mặt trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định tại các bộ, ngành, địa phương. Với số lượng này thì tổng quỹ lương bố trí do vượt chỉ tiêu được giao làm tăng chi ngân sách tới 859 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, việc thực hiện triển khai công tác tinh giản biên chế còn chậm, năm 2016 chỉ có 9/47 địa phương thực hiện tinh giản biên chế. Quảng Nam là một trong 9 địa phương có thực hiện tinh giản. Tuy nhiên, cũng như 8 địa phương còn lại, vẫn chưa đảm bảo mức tinh giản tối thiểu 10% theo quy định của trung ương.
Quảng Nam đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình số 15-Ctr/TU ngày 27.2.1018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 25.10.2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó hoàn thiện đề án tinh giản biên chế của sở ngành địa phương, xác định giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước từng năm, đảm bảo đến hết năm 2020 giảm tối thiểu 10% so với năm 2015; đến năm 2025 giảm 10% so với năm 2021. Thực hiện đúng kế hoạch này, Quảng Nam sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng chi ngân sách.
Tuy nhiên, nhìn con số 63.279 ấy và so với nỗ lực của từng địa phương đến bao giờ cái gánh chi ngân sách bớt oằn nặng trên vai người dân cả nước?
Còn khá nhiều vấn đề ngoài quy định, vượt quy định, sai quy định được Kiểm toán Nhà nước nêu ra. Như chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, chi không đúng nguồn, mua sắm vượt nhu cầu gây lãng phí ngân sách trên cả nước. Ông Nguyễn Văn Quyền, đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ phát biểu tại thảo luận tổ hôm 22.5 (được VTV dẫn lời) cho rằng “cứ hễ kiểm toán là đương nhiên có sai”. Điều đó cũng thể hiện qua con số 39/47 địa phương kiểm tra quyết toán một số khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức.
Quảng Nam cũng có một số sai phạm được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra như bố trí xe ô tô, mô tô không đúng đối tượng; mua mới xe ô tô khi chưa có ý kiến của Bộ Tài chính; kinh phí cải cách tiền lương chuyển sang chi đầu tư lũy kế đến hết năm 2016 chưa hợp lý; phân bổ phụ cấp hàng tháng và hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện đối với cán bộ không chuyên trách ở xã vượt so với quy định trung ương từ 2012-2016; doanh nghiệp lỗ, hoàn thuế quá thời hạn 5 năm để thanh tra, kiểm tra...
Làm sao để “hễ kiểm toán là đương nhiên phát hiện sai” không còn là tâm lý chung đối với cơ quan quản lý nhà nước? Làm sao để vụ việc “vượt quy định” hạn chế thấp nhất trong các báo cáo hằng năm của Kiểm toán Nhà nước? Nâng chất lượng cán bộ trong quá trình thực thi công vụ, bắt đầu bằng cách tinh gọn ngay con số 63.279 có lẽ là một cách!
C.B.L