(QNO) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tháng 7 vừa qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cập nhật về chiến lược tiêm phòng vắc xin, trong đó tăng cường mũi tiêm nhắc lại.
WHO cho biết, đợt triển khai tiêm chủng Covid-19 toàn cầu là chiến dịch tiêm phòng vắc xin lớn nhất và nhanh nhất trong lịch sử nhưng nhiều người trong số người có nguy cơ cao nhất vẫn chưa được bảo vệ.
Theo thống kê của WHO, chỉ 28% người lớn tuổi và 37% nhân viên y tế ở các quốc gia có thu nhập thấp được tiêm vắc xin liều cơ bản nhưng hầu hết chưa được tiêm liều nhắc lại.
Hai mươi bảy trong số các quốc gia thành viên của WHO vẫn chưa bắt đầu chương trình liều tăng cường hoặc bổ sung, 11 trong số đó là các quốc gia có thu nhập thấp.
Trong lộ trình đạt được mục tiêu bao phủ 70% vắc xin phòng Covid-19 của WHO, nhân viên y tế, người trên 60 tuổi và các nhóm có nguy cơ, dễ bị tổn thương khác phải được ưu tiên tiêm phòng.
Do đó, chiến lược mới của WHO là nâng cao mục tiêu tiêm chủng cho 100% nhân viên y tế và 100% dân số có nguy cơ cao nhất bằng cả liều chính và liều nhắc lại nhằm giảm số ca tử vong, giúp xã hội cởi mở hơn cũng như đảm bảo các nền kinh tế hoạt động bất chấp sự lây nhiễm Covid-19 tiếp tục.
WHO thừa nhận, vắc xin cứu sống nhiều người. Như trong năm đầu tiên triển khai, vắc xin Covid-19 cứu sống gần 20 triệu người. Nhưng về cơ bản, vắc xin chưa làm giảm đáng kể sự lây lan của Covid-19 như trước sự xuất hiện của biến thể mới Omicron trong thời gian qua.
Do đó, thế giới cần phải đổi mới để phát triển các loại vắc xin mới làm giảm đáng kể sự lây truyền, dễ sử dụng hơn như dạng xịt mũi, bảo vệ rộng rãi và lâu dài hơn. Vắc xin có chất lượng được cung cấp đến tất cả quốc gia trên thế giới.
WHO cho biết, ngay cả khi đạt được tỷ lệ bao phủ tiêm chủng 70%, nếu số lượng đáng kể nhân viên y tế, người lớn tuổi và các nhóm nguy cơ khác vẫn chưa được tiêm chủng thì các ca tử vong sẽ tiếp tục, hệ thống y tế sẽ vẫn chịu áp lực và sự phục hồi toàn cầu sẽ gặp rủi ro.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO khẳng định: "Tiêm phòng cho tất cả người có nguy cơ cao nhất là cách tốt nhất để cứu sống, bảo vệ hệ thống y tế, giữ cho xã hội và nền kinh tế cởi mở".
Theo dữ liệu do hãng tin Bloomberg thu thập, hơn một năm kể từ khi chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử diễn ra, đến nay hơn 12,4 tỷ liều vắc xin Covid-19 được tiêm cho người dân ở 184 quốc gia. Tỷ lệ mới nhất là khoảng 8,6 triệu liều được tiêm trong một ngày. Tiêm chủng nhắc lại làm tăng hiệu quả bảo vệ của vắc xin đối với Covid-19.