(QNO) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố kế hoạch sửa đổi chiến lược chống đại dịch Covid-19, trong đó nêu lên 3 kịch bản Covid-19 trong năm 2022.
Kịch bản thứ nhất, theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, dựa trên những gì chúng ta biết hiện tại, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là vi rút gây ra Covid-19 tiếp tục phát triển. Nhưng mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ giảm theo thời gian khi khả năng miễn dịch cộng đồng tăng lên, bao gồm nhờ tiêm chủng.
Trong tình huống này, có thể cần tiêm các mũi vắc xin Covid-19 tăng cường cho những người có nguy cơ cao nhất. Vi rút cũng có thể rơi vào mô hình theo mùa, với đỉnh điểm vào những tháng lạnh hơn, tương tự như bệnh cúm.
Thứ hai - kịch bản tốt nhất, các biến thể mới của Covid-19 sẽ là biến thể rất nhẹ, do đó không cần cải tiến vắc xin hiện có và cũng không cần tiêm nhắc lại cho người dân. Do đó, trong cuộc họp báo ngày 30.3 mới đây, nhà lãnh đạo WHO hy vọng kế hoạch sửa đổi về chiến lược chống đại dịch Covid-19 lần này là kế hoạch cuối cùng.
Thứ ba - trường hợp xấu nhất, vi rút gây bệnh sẽ biến đổi thành một mối đe dọa mới, có khả năng lây truyền và gây tử vong cao.
Trong trường hợp này, vắc xin sẽ kém hiệu quả hơn và khả năng miễn dịch khỏi bệnh nặng và tử vong sẽ suy yếu nhanh chóng, đòi hỏi những thay đổi đáng kể đối với vắc xin hiện tại và một chiến dịch tiêm nhắc lại rộng rãi cho các nhóm dễ bị tổn thương.
Ngoài ra, để giúp chấm dứt tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19, WHO kêu gọi các quốc gia tiếp tục hoặc tăng cường khả năng giám sát vi rút để sớm phát hiện dấu hiệu thay đổi đáng kể. Bên cạnh đó là cải thiện việc phát hiện Covid-19 để theo dõi và giảm thiểu tình trạng bệnh tật lâu dài sau khi đại dịch kết thúc.
Các quốc gia phải tiếp tục thực hiện xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2, tiến hành tiêm chủng và thực hiện các biện pháp phòng dịch cấp độ xã hội, ứng phó lịnh hoạt và xử lý Covid-19 phù hợp, tạo điều kiện cho người dân tiệm cận công bằng vắc xin và chăm sóc điều trị...
WHO cho biết tổ chức này tiếp tục thúc đẩy mục tiêu tiêm chủng cho 70% thế giới nhằm chống lại Covid-19, tập trung vào những người dễ bị tổn thương nhất, có nguy cơ bệnh nặng.
Tính đến cuối tháng 3.2022, 64,4% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19. Có 11,26 tỷ liều đã được sử dụng trên toàn cầu và 17,98 triệu liều hiện được sử dụng mỗi ngày. Nhưng chỉ 14,5% người dân ở các nước thu nhập thấp nhận được ít nhất một liều thuốc.
Tính đến sáng 1.4, theo trang thống kê toàn cầu Worldometers, dịch Covid-19 đang hoành hành ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 488 triệu người và cướp đi mạng sống của hơn 6,1 triệu bệnh nhân.