(QNO) - Nhiều quốc gia châu Âu gồm Bỉ, Hà Lan, Anh, Đức và Italia vừa ghi nhận những trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 do siêu biến thể Omicron gây ra. Tại Đông Nam Á, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia trong khu vực “không được chủ quan”.
Đẩy mạnh biện pháp phòng ngừa
Ngay sau khi biến thể Omicron nhiều đột biến của vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi gây lo ngại toàn cầu, WHO cử một đoàn chuyên gia đến phối hợp với các nhà khoa học để nhanh chóng thực hiện các hành động cần thiết hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Trong tuyên bố ngày 27.11, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO - bà Poonam Khetrapal Singh kêu gọi các quốc gia khu vực cần mở rộng quy mô giám sát, tiếp tục các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng toàn diện và phù hợp; tăng cường tỷ lệ bao phủ vắc xin ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
Người dân khu vực cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản như đeo khẩu trang đúng cách, tránh những nơi kém thông gió hoặc đông đúc, thường xuyên vệ sinh tay, che miệng mũi khi ho và hắt hơi để loại bỏ vi rút có khả năng lây nhiễm cao.
Bà Poonam Khetrapal Singh nói: “Dù các trường hợp Covid-19 giảm ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, sự gia tăng các trường hợp ở những nơi khác trên thế giới và ghi nhận về một biến thể mới đáng lo ngại là lời nhắc nhở về nguy cơ vẫn tồn tại và sự cần thiết tiếp tục thực hiện tốt nhất để ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Chúng ta không nên để mất cảnh giác”.
Bên cạnh theo dõi chặt chẽ các chuyến đi lại quốc tế, đặc biệt là những người đến từ các vùng bị nhiễm Omicron, các quốc gia khu vực cần tăng cường cơ sở hạ tầng để đối phó với mọi tình huống không mong muốn có thể xảy ra trong thời gian tới.
Các biện pháo bảo vệ được thực hiện càng sớm càng tốt bởi vi rút SARS-CoV-2 càng hoành hành thì chúng càng có nhiều cơ hội đột biến. Đại dịch vì thế sẽ còn kéo dài. Đến nay, 31% dân số của khu vực được tiêm chủng đầy đủ liều, 21% được tiêm chủng một phần trong khi gần 48% chưa được tiêm dù chỉ một liều vắc xin Covid-19.
Siết chặt đi lại với châu Phi
Ngày 28.11, Indonesia áp dụng lệnh cấm nhập cảnh hành khách từ các vùng dịch châu Phi bao gồm Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Lesotho, Mozambique, Eswatini hoặc Nigeria.
Tuy nhiên, đại biểu tham dự các cuộc họp của các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) do Indonesia chủ trì sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm trên.
Từ ngày 27.11, Singapore hạn chế nhập cảnh cũng như không cho phép quá cảnh đối với những hành khách có lịch sử đi lại từ 7 quốc gia châu Phi bao gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe.
Tuy nhiên, công dân và thường trú nhân Singapore trở về từ nhóm các nước có nguy cơ cao trên được phép nhập cảnh nhưng phải cách ly 10 ngày ở cơ sở do chính phủ chỉ định.
Từ ngày 1.12 tới, Thái Lan sẽ đóng cửa biên giới với các hành khách đến từ 8 quốc gia thuộc miền Nam châu Phi (tương tự liệt kê của Indonesia) vì liên quan đến biến thể Omicron.
Tương tự Philippines, Malaysia cấm nhập cảnh công dân nước ngoài có lịch sử đi lại đến 7 quốc gia miền nam châu Phi trong 14 ngày qua.
Tuy nhiên, công dân Malaysia và những người có visa dài hạn sẽ được phép quay trở lại và nhập cảnh nhưng phải trải qua 14 ngày cách ly bắt buộc dù đã tiêm chủng đầy đủ...