(QNO) - Vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp là vắc xin Comirnaty COVID-19 mRNA sản xuất chung bởi hãng Pfizer/BioNTech.
Ngày 1.1.2021, mở màn cho một năm mới với nhiều kỳ vọng sẽ đẩy lùi được đại dịch COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo trên Twitter: "Vắc xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) đã trở thành vắc xin đầu tiên nhận được sự phê duyệt để sử dụng khẩn cấp kể từ lúc dịch bùng phát".
Theo Hãng tin AFP, việc WHO đưa vắc xin Comirnaty COVID-19 mRNA vào sử dụng khẩn cấp sẽ mở đường cho các quốc gia trên khắp thế giới nhanh chóng đồng ý nhập khẩu và phân phối vắc xin này.
Anh đã tổ chức tiêm chủng vắc xin được phát triển chung bởi hãng Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) ngày 8.12.2020. Sau đó Mỹ, Canada và nhiều nước châu Âu nối gót. Mỹ còn phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin thứ hai của hãng Moderna.
"Động thái của WHO là một bước rất tích cực hướng đến đảm bảo toàn cầu được tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19" - bà Mariangela Simao, một quan chức WHO phụ trách mảng tiếp cận thuốc men và các sản phẩm y tế, đánh giá.
Tuy nhiên, bà Mariangela Simao cũng muốn nhấn mạnh "cần có một nỗ lực toàn cầu lớn hơn để có đủ nguồn cung vắc xin nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhóm người ưu tiên khắp mọi nơi".
WHO cho biết việc đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp mở đường để các nước tán thành nhập khẩu và phân phối vắc xin. Động thái này cũng cho phép Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) - vốn giữ vai trò hậu cần quan trọng trong việc phân phối vắc xin ngừa COVID-19 - và tổ chức y tế phụ trách khu vực châu Mỹ PAHO sản xuất vắc xin cho các nước nào cần.
WHO đã triệu tập các chuyên gia của họ và khắp thế giới để xem xét lại dữ liệu về "sự an toàn, hiệu quả và chất lượng" của vắc xin hãng Pfizer/BioNTech, đánh giá các lợi ích và rủi ro.
"Hoạt động đánh giá cho thấy vắc xin này đáp ứng các tiêu chuẩn phải có về sự an toàn và hiệu quả được đặt ra bởi WHO. Đồng thời những lợi ích của việc sử dụng vắc xin này để giải quyết đại dịch COVID-19 bù lại được các rủi ro tiềm ẩn"