(QNO) - Hôm qua 6.10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức phê duyệt vắc xin phòng bệnh sốt rét đầu tiên - “vũ khí” mới chống lại một trong những căn bệnh truyền nhiễm khiến gần 500.000 người tử vong mỗi năm, nhiều nhất là trẻ em dưới 5 tuổi.
Tổng Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu, việc phát triển thành công vắc xin phòng bệnh sốt rét là một đột phá khoa học, góp phần bảo vệ sức khỏe của trẻ em và kiểm soát bệnh sốt rét.
Theo thống kê của WHO, khoảng một nửa trong tổng số trường hợp tử vong do sốt rét trên toàn cầu là trẻ em ở châu Phi.
Vắc xin phòng sốt rét đầu tiên trên thế giới được WHO bật đèn xanh có tên là Mosquirix, do Công ty Dược phẩm GlaxoSmithKline có trụ sở tại Brentford, London (Anh) phát triển.
Vắc xin sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của trẻ để ngăn chặn Plasmodium falciparum - tác nhân gây bệnh sốt rét nguy hiểm nhất trong số 5 tác nhân gây bệnh sốt rét và phổ biến nhất ở châu Phi.
Ngay cả khi căn bệnh này không gây tử vong, sự tấn công của ký sinh trùng sốt rét (do muỗi đốt) lặp đi lặp lại trên cơ thể chúng có thể làm thay đổi vĩnh viễn hệ thống miễn dịch, khiến chúng trở nên yếu ớt và dễ bị tác động bởi các mầm bệnh khác.
Tiến sĩ Pedro Alonso - Giám đốc Chương trình sốt rét toàn cầu của WHO nói, mặc dù vắc xin Mosquirix có hiệu quả chống lại bệnh sốt rét ác tính khoảng 50% trong năm đầu tiên, rồi giảm xuống gần bằng 0 vào năm thứ tư, nhưng vắc xin thế hệ đầu tiên chống lại ký sinh trùng ở người vẫn có tác động lớn.
Hơn nữa, một thử nghiệm gần đây việc kết hợp vắc xin với thuốc phòng ngừa bệnh sốt rét cho trẻ em cho thấy phương pháp này hiệu quả hơn nhiều trong việc ngăn ngừa bệnh nặng, nhập viện và tử vong so với việc sử dụng riêng một trong 2 phương pháp.
WHO khuyến cáo, vắc xin Mosquirix được tiêm 3 liều trong độ tuổi từ 5 - 17 tháng, liều thứ tư vào khoảng 18 tháng sau đó. Trẻ em ở châu Phi cận Sahara và các khu vực khác có mức độ lây truyền bệnh sốt rét mức độ vừa đến cao nên tiêm 4 liều cho trẻ đến 2 tuổi.
Quyết định phê duyệt vắc xin Mosquirix được WHO được đưa ra dựa trên kết quả từ nghiên cứu đang diễn ra ở Ghana, Kenya và Malawi đối với hơn 800.000 trẻ em được triển khai từ năm 2019. Hơn 2,3 triệu liều đã được sử dụng đến nay, nâng tỷ lệ trẻ em được bảo vệ khỏi bệnh sốt rét lên hơn 90%, từ dưới 70%.
Ngoài ra, một nghiên cứu mô hình năm ngoái ước tính nếu vắc xin được triển khai tới các quốc gia có tỷ lệ mắc sốt rét cao, vắc xin có thể giúp ngăn ngừa 5,4 triệu ca bệnh và 23.000 ca tử vong mỗi năm ở trẻ dưới 5 tuổi.
Cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét được thúc đẩy vào tháng 4 vừa qua khi các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford (Anh) thông báo rằng ứng cử viên vắc xin Matrix-M của họ vượt qua ngưỡng hiệu quả 75% của WHO.
BioNTech của Đức - công ty phát triển vắc xin phòng Covid-19 cũng cho biết họ sẽ bắt đầu thử nghiệm vắc xin sốt rét vào năm tới bằng cách sử dụng công nghệ mRNA đột phá tương tự...
Kết hợp với màn ngủ, phun thuốc diệt muỗi và các loại thuốc mới, vắc xin có thể có tác động lớn ở những nơi mà bệnh sốt rét vẫn là một vấn đề mãn tính.