(QNO) - Ngày 1.9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức khai trương hệ thống cảnh báo sớm đại dịch toàn cầu tại thủ đô Berlin, Đức.
Tham dự lễ khai trương, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, trung tâm dữ liệu này sử dụng trí tuệ nhân tạo để thu thập thông tin liên quan đến y tế từ khắp nơi trên thế giới, phân tích, phát hiện và cảnh báo sớm các bệnh có nguy cơ trở thành đại dịch.
Trung tâm sẽ giúp thế giới chuẩn bị tốt hơn, như ứng phó nhanh chóng và hiệu quả trước đại dịch có thể xảy ra trong tương lai. Đồng thời hệ thống sẽ lấp đầy những lỗ hổng hay điểm yếu trong hệ thống phòng thủ y tế thế giới, như đã xảy ra đối với đại dịch Covid-19.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng xác định thời đại chúng ta, để lại cho thế giới nhiều bài học đau đớn. Một trong những điều rõ ràng nhất là cần có các hệ thống và công cụ mạnh mẽ mới để giám sát toàn cầu nhằm thu thập, phân tích và phổ biến dữ liệu về các đợt bùng phát”.
Cũng theo nhà lãnh đạo WHO, vi rút di chuyển nhanh nhưng dữ liệu còn có thể di chuyển nhanh hơn. Với thông tin phù hợp, các quốc gia và cộng đồng có thể đón đầu những rủi ro mới xuất hiện và cứu sống được nhiều người.
Trung tâm sẽ là chìa khóa cho nỗ lực đó, tận dụng những đổi mới trong công nghệ, khoa học dữ liệu để giám sát và đáp ứng sức khỏe cộng đồng, đồng thời tạo ra các hệ thống để có thể chia sẻ thông tin và mở rộng chuyên môn trong lĩnh vực y tế toàn cầu. Do đó các quốc gia trên thế giới cần dữ liệu, đoàn kết, hợp tác nhằm chống lại mối đe dọa sức khỏe, hệ thống y tế.
Trung tâm tập hợp các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau trên khắp thế giới với khoản đầu tư ban đầu trị giá 100 triệu USD từ Chính phủ Đức. Người đứng đầu trung tâm là ông Chikwe Ihekweazu - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Nigeria. Ông Chikwe Ihekweazu nhấn mạnh rằng, những phát hiện của trung tâm sẽ được chia sẻ với các nước khác để ứng phó đại dịch.
Theo trang mạng worldometer.info, tính đến sáng 3.9, thế giới ghi nhận khoảng 220 triệu ca Covid-19, trong đó 4,55 triệu ca tử vong. Khoảng 40,1% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19. Khoảng 5,41 tỷ liều đã được sử dụng trên toàn cầu và 38,92 triệu liều hiện được sử dụng mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ có 1,8% người dân ở các nước thu nhập thấp nhận được ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19.