(QNO) - Hôm qua 7/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo quyết định triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về sự gia tăng đột biến số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ lây lan từ Congo.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, trước tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ lây lan ra bên ngoài Congo và khả năng lây lan ra quốc tế trong và ngoài châu Phi, WHO quyết định triệu tập cuộc họp khẩn cấp và đang cân nhắc thành lập một ủy ban chuyên gia để đưa ra đánh giá về khả năng tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ.
Congo phát hiện gần 27 nghìn ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, bao gồm khoảng 1.100 ca tử vong, trong đó có nhiều trẻ em trong đợt bùng phát mới nhất kể từ năm ngoái đến nay. Riêng từ đầu năm đến nay, Congo ghi nhận 14 nghìn ca nhiễm, trong đó hơn 500 ca tử vong.
Triệu chứng điển hình về bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu giật, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, tăng bạch huyết.
Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi thông tin, năm nay bệnh đậu mùa khỉ đã ghi nhận tại 10 quốc gia trong khu vực với số ca lây nhiễm tăng 160% và số ca tử vong tăng 19%, gồm nhiều quốc gia chưa từng báo cáo có mắc bệnh này trước đây.
Đáng chú ý, bệnh đậu mùa khỉ đặc biệt phổ biến ở người trẻ tuổi như chiếm 70% số ca nhiễm bệnh và 85% số ca tử vong tại Congo.
Tháng 7/2022, WHO tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu sau khi bệnh lây lan sang hơn 70 quốc gia. Đến tháng 5/2022, WHO dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên. Nhưng cũng giống như COVID-19, WHO khuyến cáo các quốc gia cần cảnh giác với bệnh đậu mùa khỉ bởi căn bệnh này sẽ không biến mất.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh đậu mùa khỉ có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Hiện nay chưa có phương pháp điều trị bệnh đậu mùa khỉ đặc hiệu cụ thể.
Ông Ghebreyesus nói, bệnh đậu mùa khỉ có thể ngăn chặn được bằng các biện pháp y tế công cộng tăng cường gồm giám sát, sự tham gia của cộng đồng, điều trị và triển khai vắc xin có mục tiêu cho người có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Tuy nhiên, hiện các nước nghèo lại khó tiếp cận với nguồn vắc xin bệnh đậu mùa khỉ.
Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm, lần đầu tiên được xác định ở người vào năm 1970 tại Congo. Bệnh sau đó xuất hiện trong nhiều năm ở một số quốc gia Tây và Trung Phi khi vi rút gây bệnh lây truyền từ động vật bị nhiễm bệnh sang người.
Việt Nam phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ vào tháng 10/2022. Đến đầu năm nay, Bộ Y tế ghi nhận hơn 68 ca đậu mùa khỉ, bao gồm 6 trường hợp tử vong, phần lớn bệnh nhân tiền sử nhiễm HIV.