Là địa bàn trọng điểm nghề cá của huyện Thăng Bình, xã Bình Minh đang áp dụng đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển nghề khai thác hải sản.
Xã Bình Minh hiện có 119 tàu thuyền, tổng công suất 54.800CV, trong đó có 97 phương tiện có công suất từ 90CV trở lên. Đội tàu tham gia đánh bắt hải sản xa bờ của xã là 55 chiếc. Tổng sản lượng hải sản ngư dân sản xuất được từ đầu năm đến nay gần 300 tấn, giá trị ước đạt hơn 11,65 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay thời tiết không được thuận lợi nhưng ngư dân vẫn cần cù bám biển. Các ngư dân cho biết, giá hải sản ổn định, thu nhập của ngư dân sau mỗi chuyến biển khá cao.
“Nghề lưới chụp đang ăn nên làm ra. Chuyến biển chừng 10 ngày với 10 bạn biển, chúng tôi thu được hàng chục tấn mực. Chủ tàu thu được gần 100 triệu đồng/chuyến biển, mỗi bạn biển được chia hơn 10 triệu đồng/chuyến biển sau khi trừ chi phí” - ngư dân Trần Công Hùng (thôn Tân An, xã Bình Minh) - chủ tàu cá QNa-94779 có công suất 750CV nói.
Ông Phan Phước Đồng - Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, để nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản, địa phương khuyến khích ngư dân sản xuất trên biển theo các mô hình tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản. Các tổ, đội này liên kết chặt chẽ với đội tàu cá hậu cần nghề cá nhằm tăng thời gian bám biển, giảm chi phí các chuyến biển.
Theo đó, tàu hậu cần thu mua hải sản ngư dân đánh bắt được, trở về bờ bán hải sản rồi thu mua nhiên liệu, nhu yếu phẩm ở bờ đem ra biển bán lại cho ngư dân phục vụ sản xuất. Qua tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản, ngư dân còn phát huy vai trò hỗ trợ nhau khi gặp sự cố trên biển, cứu hộ cứu nạn, lai dắt tàu cá gặp nạn về bờ, hạn chế thiệt hại về người và phương tiện.
“Để chuyên nghiệp hóa nghề cá, chúng tôi tuyên truyền ngư dân đầu tư, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để ngành chức năng quản lý tốt nghề cá. Khi sản xuất, ngư dân cần tuân thủ các quy định của pháp luật để sản xuất tốt, góp phần cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản bị Ủy ban châu Âu phạt từ năm 2017” - ông Phan Phước Đồng nói.
Theo UBND xã Bình Minh, để nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu đội tàu và cơ cấu nghề khai thác hải sản theo hướng tăng năng lực tàu cá khai thác hải sản xa bờ với các nghề sản xuất khá trong thời gian qua như lưới vây, nghề câu, nghề lưới chụp...
“Chúng tôi kiến nghị các ngành chức năng của huyện, tỉnh huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cảng cá Tân An - trung tâm hậu cần nghề cá của xã, qua đó giúp ngư dân sản xuất thuận tiện hơn, bán hải sản tốt hơn. Chúng tôi cũng kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nâng cấp, phát triển các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm hải sản sau chế biến để tăng giá trị kinh tế thu được” - ông Phan Phước Đồng cho biết.