(QNO) - Khi ngang qua một con phố trên đường đi công tác, tôi vô tình nhìn thấy hàng xà cừ cao lớn, cành lá mướt xanh đang đung đưa trong ánh nắng vàng nhẹ ngày giữa thu. Trong phút chốc, những kỷ niệm ngọt ngào thời học sinh bất giác chợt theo tán xà cừ ùa về, chênh chao…
Ngày đầu tiên bước chân vào trường, tôi bị choáng ngợp bởi sự cao lớn, sừng sững của hàng xà cừ trước sân. Hàng cây trên 30 năm dưới con mắt của nữ sinh tuổi vừa chớm trăng tròn càng trở nên to lớn lạ kỳ. Trong khoảnh khắc ấy, tôi không biết rằng những tán xà cừ ấy không những theo tôi suốt 3 năm cuối cấp mà còn trở thành nơi nuôi giữ ký ức về những tháng ngày tươi đẹp đó trong suốt những hành trình sau này.
Xà cừ đón những cơn gió tinh nghịch lùa vào tán lá tạo nên những bài ca xào xạc. Cây nhoài mình vào lan can tan tầng hai ve vuốt tà áo ai trắng ngần, "đồng lõa" với cô nàng thơ thẩn chuyên giành ngồi bàn sát cửa sổ để nhìn lá bay, nghe gió reo.
Nắng sớm rọi qua tán xà cừ, chảy qua từng kẻ lá, lá không giữ nổi nắng, nắng tràn xuống hiên lớp tạo nên những vệt sáng nhiều hình thù, rạng ngời, tinh khôi.
Cây im lìm, ngủ gật trong nắng trưa nhưng cũng không quên tạo những bóng tròn cho tụi học trò chơi đá cầu trước khi vào giờ học chiều.
Nhớ những cơn mưa trắng xóa trên hàng xà cừ. Nơi hành lang lớp giờ tan trường, lũ học trò vừa thích thú ngắm mưa, vừa co ro trong cái lạnh chiều muộn, có anh chàng rụt rè định đưa áo mưa cho cô bạn bàn trên hay quên nhưng cuối cùng lại lén cất lại vào cặp, cùng cô bạn chờ mưa tạnh. Lặng im… Xà cừ nhìn thấy, cũng lặng im trong mưa, thấu hiểu.
Một ngày, đứa học trò vô tình nhìn thấy những nụ hoa bé xíu, vàng vàng lấp ló trong tán lá xà cừ. Ngạc nhiên lắm, ô, thì ra xà cừ cũng có hoa. Thì ra rất nhiều học trò đã từng đi qua những mùa hoa xà cừ đầy dửng dưng, vô tình. Nhưng có hề gì, cây vẫn bao dung đứng đó trong sân trường qua bao trận mưa nắng, bão dông.
Có đợt, sau một trận bão lớn, một cây xà cừ trong sân bị bật gốc. Cô giáo dạy hóa buồn ngẩn ngơ. Đây là cây mà cô cùng những đồng nghiệp trồng lưu niệm ngày cô mới về trường, cũng là những ngày đầu trường thành lập. Cây ngã, cô tiếc nuối như tiếc chính đoạn đời thanh xuân của cô đã đi qua.
Năm cuối cấp, những suy nghĩ, lo toan hằn rõ lên những khuôn mặt có phần hốc hác vì thường xuyên thức khuya. Trong căn phòng đầu hồi của lớp chuyên, không khí học tập có phần hối hả, căng thẳng để chuẩn bị cho những mùa thi. Có lần thầy dạy toán vui tính cầm thước bảng đến lùa đám học trò “cứng đầu” ra ngoài giờ giải lao. “Đứng lên đi, giải lao đi, ra sân chơi hoặc ra nhìn màu xanh xà cừ cho bớt căng thẳng, rồi vào học tiếp”. Có đứa nghe lời đứng lên đi. Có đứa vẫn bị những phương trình tích phân níu lại. Ngày đó không biết rằng những lo toan ấy chợt hóa nhẹ hều so với những bộn bề sau này…
Những năm tháng ấy, chúng tôi dần lớn lên, cây cũng lặng lẽ cao thêm, cành vươn dài hơn, lại ngát xanh sau mấy mùa trút lá.
Ngày chia tay, xà cừ vẫn ở đó, nhìn những luyến lưu, hụt hẫng, nghe bài ca day dứt của anh chàng gửi người thầm thương nhưng người ta không hiểu hoặc vờ như không hiểu. Xà cừ thấy đám học trò nghẹn ngào hẹn nhau ngày gặp lại sau năm năm, mười năm. Trong số những đứa học trò đó, mấy ai còn quay trở lại. Biết vậy, nhưng sao gió trên tán xà cừ vẫn xôn xao.
Mấy chục năm qua đã có bao cuộc đổi dời, những lớp học trò đến và đi, những thầy cô người còn, người đã đi xa. Cây ở đó, lặng yên chứng kiến tất cả, thu nhặt, ôm trọn những buồn vui, đắng đót, những sôi nổi, êm đềm để hòa quyện vào từng dòng nhựa ấm nuôi dưỡng cho tán lá ngát xanh, bao dung vỗ về, thủy chung chờ đợi…
Và chúng tôi, đám học trò ngày ấy, trong những lần khắc khoải, nhớ quay quắt thời đi học, tán xà cừ vẫn lấp ló ẩn hiện đâu đó trong những thước phim kỷ niệm, ngát xanh…