Nhờ đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huyện Điện Bàn là một trong những địa phương làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, nhất là tạo ra môi trường phát triển toàn diện cho trẻ em bất hạnh.
Hiệu quả từ xã hội hóa
Điện Bàn hiện có 44.961 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 1.843 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những năm qua, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã đạt được hiệu quả khá tích cực. Theo thống kê năm 2013, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chăm sóc đạt 95,6%. Bảy nội dung về bảo vệ trẻ em là không có trẻ bị xâm hại tình dục; không có trẻ bị buôn bán, bắt cóc; không có trẻ nghiện ma túy; không có trẻ em nhiễm HIV; không có trẻ bị ngược đãi, không có trẻ làm việc xa gia đình và không có trẻ em lang thang cơ nhỡ đã được hoàn thành. Bà Phạm Thị Nhi - cán bộ chăm sóc trẻ em huyện Điện Bàn cho biết, để công tác xã hội hóa được nâng cao, địa phương tập trung tạo môi trường tốt nhất để thu hút cộng đồng cùng hành động vì trẻ em. Trong năm 2013, huyện đã thành lập ban bảo vệ trẻ em, thí điểm mô hình bảo vệ trẻ em tại 3 xã Điện Thọ, Điện Phước và Điện An. Phối hợp với ban ngành đoàn thể đảm bảo quyền lợi và chất lượng trẻ em, tổ chức những lớp truyền thông tư vấn về việc chăm sóc trẻ em ở các xã. Đều đặn 2 năm tổ chức diễn đàn trẻ em thu hút hàng trăm trẻ em ở các trường và cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật tham gia, lắng nghe ý kiến, tâm tư của trẻ nhằm hướng trẻ đến sự hỗ trợ thiết thực nhất.
Huyện Điện Bàn luôn phát huy tiếng nói của trẻ em trong các diễn đàn. |
Để đảm bảo cho trẻ em phát triển, hiện nay Điện Bàn đã cấp phép và thường xuyên quản lý 152 cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn huyện, tổ chức nhiều cuộc vận động như “Vòng tay bạn bè”, “Giúp bạn tới trường cùng hướng tới tương lai”; “thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam”… Vận động nhiều nguồn kinh phí từ cộng đồng mở tủ sách thư viện và mua sắm trang thiết bị dạy học. Mỗi năm nhiều tổ chức, đơn vị thường xuyên thăm hỏi, tặng quà cho các em. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014 địa phương đã hỗ trợ chi phí điều trị cho 23 trẻ phẫu thuật tim bẩm sinh và trị bệnh nan y với số tiền 56 triệu đồng, cùng với các đơn vị, tổ chức, cá nhân tặng 4 nghìn suất quà trị giá trên 500 triệu đồng. Cấp 376 suất học bổng với tổng giá trị 750 triệu đồng và nhận đỡ đầu 19 trẻ… Ngoài ra, Điện Bàn còn xây dựng 4 bể bơi cộng đồng cho học sinh và kết hợp luyện tập phòng chống đuối nước cho trẻ em.
Tập trung thu hút nguồn lực
Từ năm 2007 đến nay, Điện Bàn thu hút gần 20 tổ chức phi chính phủ, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư nguồn vốn hàng chục tỷ đồng để phục vụ công tác trẻ em trên địa bàn. Bà Trần Thị Trị - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết, năm 2013, nguồn vốn từ tổ chức quốc tế hỗ trợ cho công tác chăm sóc trẻ em hơn 5,5 tỷ đồng. Tiêu biểu như tổ chức Kianh Foundation đầu tư tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật huyện Điện Bàn từ năm 2012 đến nay với tổng nguồn vốn hơn 9 tỷ đồng, làng SOS Đà Nẵng hỗ trợ tài chính tại cộng đồng là 1.6 tỷ đồng. The Nam Hai (Điện Dương) đầu tư cho giáo dục gần 2 tỷ đồng phục vụ trang thiết bị dạy học, trao học bổng và hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em mẫu giáo, và rất nhiều nhà hảo tâm đến từ các nơi đóng góp. “Để thu hút được nguồn vốn, huyện Điện Bàn thường xuyên triển khai các đề án, khảo sát, đánh giá diện trẻ em cần hỗ trợ. Đồng thời xây dựng các phương án đảm bảo sự hỗ trợ của tổ chức nhân đạo được phục vụ trực tiếp cho lợi ích trẻ em” - bà Trị nói.
Bên cạnh thu hút sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, chính quyền địa phương còn tăng kinh phí từ 150 triệu đồng lên 250 triệu đồng năm 2014 để thực hiện công tác chăm sóc trẻ em và chú trọng thu hút nguồn lực ở cơ sở. Hai mươi xã, thị trấn đều bố trí cán bộ và đội ngũ cộng tác viên làm công tác trẻ em, 19/20 xã, thị trấn vận động quỹ bảo vệ trẻ em, phát động nhiều hoạt động ý nghĩa. Chị Trần Thị Minh Nguyệt - cán bộ chuyên trách gia đình và trẻ em xã Điện Ngọc cho biết, xã có hơn 4 nghìn hộ dân thì đã có trên 3,5 nghìn hộ tham gia đóng góp quỹ bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Hiện, có 26 cộng tác viên đảm nhận công tác trẻ em. Kết hợp với các tổ chức, mặt trận đoàn thể thường xuyên tổ chức sinh hoạt vì trẻ em tại 15 điểm/14 thôn. “Bằng cách tuyên truyền, kết hợp với tổ chức các đợt văn nghệ, đi đến từng hộ dân vận động nên nguồn quỹ để hỗ trợ trẻ em tăng nhanh. Lợi thế là Điện Ngọc có nhiều doanh nghiệp chúng tôi tích cực kêu gọi sự đóng góp nên chất lượng trẻ em ngày càng được nâng cao” - chị Nguyệt chia sẻ.
Nhằm thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc trẻ em, Điện Bàn đang xây dựng đề án huy động nguồn lực trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng. Mục tiêu là sẽ có 500 trẻ được nhận đỡ đầu thường xuyên, trong đó có 100 em được cấp học bổng từ các phòng ban trên địa bàn huyện và các tổ chức, cá nhân đóng góp.
THỤC ANH – DUY THÁI