(QNO) - Hỗ trợ trẻ có kỹ năng xử lý đuối nước, biết bơi là nhu cầu của nhiều bậc phụ huynh. Ở TP.Đà Nẵng, mô hình xã hội hóa các bể bơi đã góp phần cải thiện đáng kể trong việc dạy trẻ biết bơi và đang được nhân rộng.
Ở các lớp học bơi quy mô nhỏ bằng bể bơi thông minh đều có rất nhiều trẻ em hào hứng tham gia. Ảnh: HẰNG SA |
Chị Nguyễn Thị Hàn Ni (kiệt 438 đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu) cho con học bơi tại khách sạn Sông Hàn, nói: “Lúc đầu khi có ý định cho con học bơi, ba của bé sợ cháu còn bé mà lớp thì đông không đảm bảo độ an toàn, nhưng thực tế thì thầy chỉ kèm có 2-4 cháu cộng thêm phụ huynh luôn theo sát nên tôi nghĩ là không vấn đề gì. Phải tạo cơ hội để con nhanh có kỹ năng xử lý đuối nước, một trong những kỹ năng rất quan trọng của cuộc sống”. Đó là với những phụ huynh cẩn trọng và kỹ tính hơn, tìm đến các hồ bơi có huấn luyện viên bơi phụ trách học viên theo kiểu 1 kèm 3-4 cháu để con được đảm bảo độ an toàn.
Ở lớp học bơi Nhân Thương (đường Tô Hiệu, phường Hòa Mỹ, quận Liên Chiểu) mùa hè này hoạt động gần như hết công suất cả sáng và chiều các ngày trong tuần. Ở khóa cơ bản hay nâng cao đều có thầy và trò vùng vẫy trong dòng nước mát lạnh. Ông Nguyễn Tú (phụ huynh, đường Hoàng Thị Loan, phường Hòa Mỹ) cho biết: “Ở Đà Nẵng có rất nhiều cơ sở dạy học bơi nhưng tôi cho hai đứa con học ở đây mùa hè này là mùa thứ hai. Vì đơn giản gần nhà. Ba mẹ bận thì nhờ người đưa rước giúp cũng được, miễn sao con tranh thủ mùa hè để học và biết bơi”.
Hơn 7.000 trẻ em Việt Nam chết đuối mỗi năm Theo thông tin của Bộ LĐ-TB&XH, mỗi năm trên toàn thế giới có 900.000 ca trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích, tương đương với gần 2.500 trẻ em tử vong mỗi ngày, mỗi giờ có hơn 100 trẻ em tử vong. So với các nước phát triển, tỷ lệ chết đuối ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần. Hơn 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm sông, hồ và tắm biển. Hơn nữa, tỷ lệ tai nạn chết đuối ở trẻ em Việt Nam rất cao, chiếm 22,6% (trong đó trẻ dưới 15 tuổi là 70%), chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông là 26,7%. Còn theo kết quả điều tra của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng hơn 7.000 trẻ em bị chết đuối, nhất là vào mỗi dịp hè. |
Ở hồ bơi Nhân Thương, bà chủ hồ bơi đã mời các huấn luyện viên là sinh viên môn bơi lội khóa cuối của Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng về tham gia huấn luyện nên dù là bể bơi di động, mô hình nhỏ nhưng điều đó vẫn không giảm đi sức hút, xóa tan tâm lý lo ngại của phụ huynh khi cho con học bơi. “Cơ sở có hai hồ bơi để phù hợp với độ tuổi, lớp bơi nâng cao hay cơ bản. Các bé 4 - 5 tuổi cũng được đưa đến học. Chi phí cho mỗi khóa học bơi cũng tương đối vừa phải so với thu nhập của người dân nên rất nhiều người đưa con đến tham gia các khóa học bơi” - bà Nguyễn Thị Hường (chủ hồ bơi Nhân Thương) cho biết.
Rõ ràng, chi phí xây dựng các bể bơi cố định rất lớn, diện tích chung phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nên việc ra đời các mô hình bể bơi di động với nhiều tiện ích đã đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của cả người cung cấp hồ bơi lẫn các em nhỏ, phụ huynh. Và Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong việc xã hội hóa hình thức này. Khá nhiều trường tiểu học trên TP.Đà Nẵng mùa hè nào cũng tổ chức các lớp học bơi bằng bể bơi di động ngay tại trường để khuyến khích học sinh tăng cường khả năng biết bơi, xử lý đuối nước. Bởi trong năm học không có thời gian và không gian để hỗ trợ học sinh tham gia.
Cũng giống như các cơ sở dạy bơi khác, các lớp học bơi ở các trường tiểu học cũng sử dụng bể bơi thông minh nên khá an toàn và đúng tiêu chuẩn dành riêng cho trẻ em. Anh Nguyễn Xuân Trung - giáo viên dạy bơi tại các trường tiểu học Núi Thành, Lý Công Uẩn, Võ Thị Sáu… chia sẻ: “Các lớp học bơi ở trường học thường vắng người, các em không phải chen chúc hay bơi chung với người lớn nên độ vệ sinh cũng được nâng cao hơn. Vì chịu trách nhiệm với cả nhà trường nên độ an toàn luôn được chúng tôi đề cao hết mức có thể. Phụ huynh nhờ thế cũng có phần yên tâm hơn”.
Được biết, mô hình bể bơi di động này thường dễ lắp đặt, dễ di chuyển, không cầu kỳ diện tích và đặc biệt là an toàn. Nếu như kinh phí bỏ ra để xây bể bơi cố định tầm trên dưới 1 tỷ đồng thì chi phí xây dựng bể bơi di động chỉ bằng 1/6. Chính điều này đã khuyến khích xã hội hóa xây dựng bể bơi di động, góp phần cải thiện tình trạng thiếu kỹ năng xử lý đuối nước đang phổ biến trong trẻ em ở nhiều địa phương trong cả nước hiện nay.
HẰNG SA