Chủ trương xã hội hóa (XHH) trong hoạt động văn học, nghệ thuật được đặt ra từ khá lâu, nhiều lần được đưa ra bàn thảo trên các diễn đàn. Tuy nhiên, thực hiện XHH như thế nào, hiệu quả đến đâu dường như vẫn chưa được xác lập cụ thể.
Lễ ra mắt, phát hành tập sách “Chu Cẩm Phong - nhà văn anh hùng”. Đây là một tập sách thuộc đề tài chiến tranh cách mạng nhưng được xuất bản hoàn toàn bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Ảnh: B.A |
Những “ví dụ” xã hội hóa
Hồi giữa cuối tháng 10 vừa rồi, nhóm biên soạn tập sách “Chu Cẩm Phong - nhà văn anh hùng” và Hội VHNT tỉnh đã tổ chức ra mắt, phát hành tập sách này tại Đà Nẵng và Tam Kỳ. Ngoài “biệt lệ” trong cách thức phát hành và sự đặc biệt của nội dung (là một tập hợp đầy đủ nhất từ trước đến nay về cuộc đời và tác phẩm của nhà văn - liệt sĩ - Anh hùng LLVTND Chu Cẩm Phong thông qua các hồi ký, hồi ức, tiểu luận của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà báo, đồng đội, đồng nghiệp, người thân của ông), sự ra đời của tập sách này cũng hết sức đặc biệt ở chỗ, tuy là sách về đề tài chiến tranh cách mạng - đề tài ưu tiên, thuộc diện được ngân sách cấp kinh phí thực hiện, nhưng nó lại được xuất bản hoàn toàn bằng kinh phí vận động XHH.
Ngoài trường hợp đặc biệt, “chưa có tiền lệ” như vừa kể, trước đây, ở Quảng Nam cũng có một số tập sách được ra đời bằng nguồn kinh phí XHH. Khoảng 10 năm trước, ít nhất có 3 người in sách bằng tiền tài trợ của một mạnh thường quân, đó là các tác giả Trương Vũ Thiên An, Nguyễn Tấn Ái và Nguyễn Mậu Hùng Kiệt. Cách đây ba năm, một tác giả trẻ khác của Quảng Nam là Đỗ Tấn Đạt cũng nhận được tài trợ xuất bản từ quỹ Du Tu Le Foundation.
Không chỉ ở lĩnh vực văn học, một số chuyên ngành nghệ thuật khác ở Quảng Nam thỉnh thoảng cũng tìm được sự trợ lực ngoài ngân sách. Ví như năm 2014, một chương trình nghệ thuật hoành tráng đánh dấu chặng đường văn học, nghệ thuật Quảng Nam kể từ ngày tái lập tỉnh đã được thực hiện bằng nguồn tài trợ từ một doanh nghiệp ô tô. Hay như ở các chi hội Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, trong vòng 3 năm trở lại đây đã có 5 cuộc triển lãm nhóm, triển lãm chuyên đề được thực hiện với một phần kinh phí đáng kể từ nguồn XHH. Một trường hợp đáng kể khác là nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tấn Vịnh, vào năm 2007 đã nhận được một suất “đầu tư” khá lớn của Hội đồng vùng Nord-Pas de Calais để xuất bản công trình sách ảnh đồ sộ “Hương sắc bản làng”.
Vẫn là bài toán khó
Theo nhà văn Nguyễn Bá Thâm - thành viên biên soạn tập sách “Chu Cẩm Phong - nhà văn anh hùng”, việc in sách thuộc đề tài chiến tranh cách mạng bằng nguồn kinh phí XHH như trường hợp tập sách này là “chưa có tiền lệ” và “đáng ngạc nhiên” khi mà tỷ lệ XHH lên đến 100%. Từ sự việc này, ông đưa ra nhận xét: “Rất khó để đòi hỏi XHH trong hoạt động văn học, nghệ thuật một cách triệt để, toàn diện, nhưng từ trường hợp này, có thể nghĩ đến XHH sâu rộng hơn. Vấn đề là chúng ta làm ra được sản phẩm như thế nào và khả năng tìm kiếm, thuyết phục mạnh thường quân đến đâu”.
Từ câu chuyện của nhà văn Nguyễn Bá Thâm, nhiều văn nghệ sĩ Quảng Nam đã bày tỏ sự chia sẻ và cho rằng, XHH hoạt động văn học, nghệ thuật là một xu thế nên tiếp cận và thực hiện. Bởi lẽ, nếu chỉ trông chờ hoàn toàn vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thì nghệ sĩ và cả tác phẩm của họ khó có cơ hội và động lực để “vượt lên chính mình”. Tuy nhiên, theo nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Văn học Quảng Nam, việc này cần phải có lộ trình, có cách làm phù hợp với tình hình thực tế, nếu không cũng sẽ ê chề và “chán” không kém khi rơi vào tình trạng “chuyển từ sự trông chờ, phụ thuộc này (ngân sách) sang sự trông chờ, phụ thuộc khác (nguồn tài trợ của mạnh thường quân)”... Tương tự, không dưới một lần, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Kế Đông - Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh, đã bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương XHH. Tuy nhiên, anh cho rằng mặc dù anh em văn nghệ sĩ không thiếu sự sẵn sàng nhưng việc hiện thực hóa chủ trương XHH hoạt động văn học, nghệ thuật vẫn rất khó khi mà quan hệ xã hội, khả năng tiếp cận các nguồn lực XHH của văn nghệ sĩ hiện còn rất hạn chế. Do vậy, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Kế Đông đề nghị, để chủ trương XHH hoạt động văn học, nghệ thuật được thực hiện tốt hơn, đúng thực chất hơn, cần phải có cơ chế, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng đối với văn nghệ sĩ, cả trong tổ chức sự kiện, cấp kinh phí “đối ứng” đến việc tiếp cận nguồn lực của các nhà tài trợ, các mạnh thường quân...
Ngoài những vấn đề nêu trên, một nhà văn (xin giấu tên) tỏ ra băn khoăn khi cho rằng, việc tìm kiếm, sử dụng các nguồn lực ngoài ngân sách liệu có làm cho văn nghệ sĩ bị phụ thuộc và “bị điều khiển” theo mong muốn của nhà tài trợ hay không? Mỗi văn nghệ sĩ đều phải biết tự xác lập, giữ gìn tư cách sáng tạo của mình. Tuy nhiên, trong văn học nghệ thuật luôn có những “ranh giới” rất mong manh, và nếu điều ấy xảy ra, ai sẽ “phán xử” và “phán xử” theo chuẩn mực nào?...
BẢO ANH