Âm ỉ nạn tảo hôn ở Phước Sơn

TẤN SỸ 08/04/2022 06:46

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn là thực trạng nhức nhối ở huyện Phước Sơn. Có những em đang trong lứa tuổi học trò, phút chốc trở thành các ông bố, bà mẹ trẻ khiến cuộc sống nghèo khó cứ đeo bám.

Hồ Thị T. mới 16 tuổi đã bỏ học lấy chồng, cuộc sống rất khó khăn. Ảnh: TẤN SỸ
Hồ Thị T. mới 16 tuổi đã bỏ học lấy chồng, cuộc sống rất khó khăn. Ảnh: TẤN SỸ

Sinh năm 2004, năm nay vừa tròn 18 tuổi, song Hồ Thị T. (ở Tổ dân phố số 1, thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn) lấy chồng sinh con cách đây đã 3 năm. Khi đang học lớp 10 trường huyện, thông qua mạng xã hội facebook, T. quen chồng ở dưới xuôi, thế là bỏ học và cưới nhau theo phong tục đồng bào Bh’nong.

Có chồng khi còn tuổi ăn tuổi học, mọi công việc trông con, chăm lo gia đình đều do mẹ của T. lo liệu. Không nghề nghiệp ổn định, không biết cách làm vợ, làm mẹ, giờ đây cô bé T. mới bắt đầu hối hận với việc lấy chồng sớm.

“Chồng đi làm ăn xa, lâu lâu gửi tiền về mua sữa cho con, em thì ai thuê chi làm nấy, khai thác keo, chặt củi, ngày mô đi làm thì có tiền mua gạo, không đi thì nhịn. Mỗi lần thấy bạn cùng tuổi mặc áo dài đi học, em xấu hổ và buồn lắm...”.

Nỗi lòng của cô bé T. không phải là câu chuyện cá biệt ở thị trấn Khâm Đức. Tại Tổ dân phố số 4, cô bé Hồ Thị Th. cũng lấy chồng, sinh con từ năm 16 tuổi. Cha mất sớm, từ ngày có con, chồng Th. bỏ về làng cũ sinh sống, để lại hai mẹ con bám víu vào bà ngoại.

Mẹ của Th. là bà Hồ Thị Ph. cũng còn rất trẻ, mới sinh năm 1988. Mẹ tảo hôn, con cũng lấy chồng chưa đủ tuổi, cuộc sống nghèo khó đeo bám hai mẹ con người phụ nữ Bh’nong này.

Bà Ph. cho biết: “Năm mình 12 tuổi thì đã bị “bắt” về làm vợ của họ, cuộc sống khó khăn lắm. Mình có nói với con Th. đừng có lấy chồng sớm như mẹ mà khổ, nhưng nó không nghe, đi chơi với bạn bè rồi có bầu, đẻ con chứ cũng không có cưới hỏi chi. Chồng nó chừ cũng bỏ đi rồi, giờ hai mẹ con sống nhờ sự hỗ trợ của bà con trong làng thôi, chứ cũng không biết làm chi ra tiền” - bà Ph. nói.

Cuộc sống rất khó khăn. Ảnh: TẤN SỸ
Cuộc sống rất khó khăn. Ảnh: TẤN SỸ

Trong số 160 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại thị trấn Khâm Đức, có đến hơn 90 hộ nghèo. Tổ dân phố số 4 (thị trấn Khâm Đức) được xem là nơi nghèo khó nhất ở trung tâm huyện lỵ Phước Sơn. Cái nghèo chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn gia tăng.

Ông Lại Công Hoan - Tổ trưởng Tổ dân phố số 4 cho biết: “Khu vực này 100% là đồng bào Bh’nong, cuộc sống rất khó khăn. Cha mẹ đi làm nương rẫy kiếm cái ăn, rồi lại lao vào rượu chè, không quản lý con cái. Các cháu lại tò mò truy cập vào các trang mạng xã hội, học đòi thói hư tật xấu, bỏ học giữa chừng, nên cứ 15, 16 tuổi là có vợ, có chồng.

Chúng tôi cũng thường xuyên đến tuyên truyền, vận động, nhưng không mang lại hiệu quả, năm nào cũng có từ 5 - 6 trường hợp tảo hôn, có năm cá biệt lên đến 9 trường hợp lấy vợ, lấy chồng sớm”.

Bà Hồ Thị Hồng Hảo - Trưởng phòng Dân tộc huyện Phước Sơn cho biết, tính đến cuối năm 2021, toàn huyện Phước Sơn có 40 trường hợp tảo hôn, nhiều nhất là xã Phước Thành với 10 đối tượng và thị trấn Khâm Đức là 8. Số lượng tảo hôn tuy có giảm so với cuối năm 2020 là 3 trường hợp, song không đáng kể và không bền vững.

“Như câu chuyện ngay thị trấn Khâm Đức, thì tình trạng tảo hôn vẫn âm ỉ và liên tục xảy ra. Đã đến lúc không chỉ tuyên truyền vận động, mà cần có những chế tài xử phạt thích đáng, thậm chí xử phạt hình sự những trường hợp tảo hôn để răn đe, giáo dục.

Kèm theo đó là áp dụng các luật tục nghiêm khắc của đồng bào Bh’nong hơn đối với những trường hợp lấy vợ lấy chồng sớm. Có như thế mới mong đẩy lùi một hủ tục ra khỏi cộng đồng làng” - bà Hảo nói.

Tảo hôn không chỉ đẩy nhiều cô gái, chàng trai Bh’nong mới tuổi mười lăm, mười sáu ở huyện Phước Sơn vào cuộc sống đói nghèo, thất học, bệnh tật, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ra khỏi những bản làng vùng cao vẫn là cuộc chiến vô cùng cam go tại huyện miền núi Phước Sơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Âm ỉ nạn tảo hôn ở Phước Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO