Ấm tình ngày hội đại đoàn kết

VINH ANH 14/11/2022 08:04

Từ đồng bằng cho đến miền núi cao, những ngày này, không khí của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hiện hữu, sôi nổi ở khắp các thôn xóm, bản làng…

Ngày hội đoàn kết ở thôn Công Dồn, xã Zuôih (Nam Giang) rộn ràng với những bài hát, điệu múa truyền thống lôi cuốn người xem. Ảnh: VINH ẢNH
Ngày hội đoàn kết ở thôn Công Dồn, xã Zuôih (Nam Giang) rộn ràng với những bài hát, điệu múa truyền thống lôi cuốn người xem. Ảnh: VINH ANH

Đoàn kết ở Công Dồn

Khu dân cư thôn Công Dồn (xã Zuôih, Nam Giang) nằm gọn giữa thung lũng được bao quanh bởi những ngọn núi cao, xanh ngát. Bao đời nay, truyền thống đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau luôn được người dân làng Công Dồn giữ gìn và phát huy. Già làng Bhling Hạnh - Nghệ nhân ưu tú kể, truyền thống đoàn kết Công Dồn có từ bao đời và càng được phát huy kể từ khi có Đảng, Bác Hồ.

“Trong làm ăn kinh tế đến săn bắt hái lượm, người làng Công Dồn luôn giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau. Người có to chia to, có nhỏ chia nhỏ; người no cơm chia cơm, người no đồ ăn chia đồ ăn, nhất là với những người ốm đau, nghèo khó… Truyền thống đó được mang theo từ bao đời nay” - già làng Bhling Hạnh nói.

Đến với Công Dồn vào ngày hội đại đoàn kết, chúng tôi cảm nhận rõ hơn truyền thống quý báu ấy của đồng bào Cơ Tu nơi đây. Từ sáng sớm, người dân ở 6 tổ đoàn kết có mặt đông đủ ở khu sinh hoạt văn hóa - thể thao của thôn để dự lễ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà hộ nghèo, gia đình chính sách thôn Công Dồn tại ngày hội đại đoàn kết. Ảnh: VINH ANH
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà hộ nghèo, gia đình chính sách thôn Công Dồn tại ngày hội đại đoàn kết. Ảnh: VINH ANH

Năm nay, người dân càng phấn khởi hơn khi ngày hội của làng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường và đoàn công tác của tỉnh, huyện Nam Giang đến dự.

Tại ngày hội, mở đầu phần lễ, đại biểu lãnh đạo và người dân được “thiết đãi” món ăn tinh thần hết sức độc đáo là những màn trình diễn cồng chiêng và các điệu múa tân tung da dá mà người dân thôn Công Dồn luôn duy trì và bảo tồn.

Trưởng thôn Bhling Quế cho biết, công tác chuẩn bị đã diễn ra từ nhiều ngày trước. Thôn tổ chức họp, phân công nhiệm vụ cho từng người; đồng thời vận động người dân vệ sinh môi trường sạch sẽ, cùng góp sức, góp của để tổ chức ngày hội.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường tặng quà khu dân cư thôn Công Dồn. Ảnh: VINH ANH
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường tặng quà khu dân cư thôn Công Dồn. Ảnh: VINH ANH

“Cứ đến dịp này, các gia đình đều có ý thức đóng góp cho Bữa cơm đại đoàn kết. Như năm nay, mỗi hộ tự tay làm 2 ống cơm lam mang đến ngày hội, mỗi đảng viên đóng góp một món Zơ rá (món ăn truyền thống của người Cơ Tu - PV) được nấu sẵn trong ống tre lồ ô. Mỗi người một tay mà ngày hội trở nên gắn kết hơn” - Trưởng thôn Bhling Quế nói.

Thôn Công Dồn có dân số đông nhất xã Zuôih với 143 hộ, 560 nhân khẩu, trong đó có đến 99% là người đồng bào Cơ Tu. Từ năm 2003, khi được tỉnh công nhận là thôn văn hóa, trong 19 năm liền, thôn Công Dồn vẫn giữ vững danh hiệu thôn văn hóa, nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo vẫn được lưu giữ.

Đến nay, tất cả trẻ em của thôn đúng độ tuổi đều được đến trường; thôn không có nạn tảo hôn cận huyết thống, tình làng nghĩa xóm được khơi dậy. Năm 2022, có 134 hộ được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa (đạt 93,7%), có 2 tộc họ được công nhận Tộc họ văn hóa (tộc họ PơLoong và Bling)…

Điểm sáng Phú Nam

Với truyền thống sẵn có, thôn Phú Nam (xã Tam Xuân 2, Núi Thành) luôn là khu dân cư điển hình về công tác tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ công tác trang trí, văn nghệ đến khâu chuẩn bị báo cáo và các bước tổ chức lễ, thôn Phú Nam khiến mọi người cảm nhận được ý nghĩa của ngày hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trao biểu trưng hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ bà Trần Thị Cẩm ở thôn Phú Nam. Ảnh: VINH ANH
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trao biểu trưng hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ bà Trần Thị Cẩm ở thôn Phú Nam. Ảnh: VINH ANH

Đây còn là dịp để người dân gặp gỡ, chia sẻ về những thành quả thôn đạt được. Đồng thời nhắc nhớ mỗi người có ý thức chia sẻ, giúp đỡ những hộ khó khăn, tri ân các gia đình chính sách trong cộng đồng…

Phát biểu trước đại diện hơn 400 hộ gia đình của thôn, ông Phạm Thanh Liêm, hộ gia đình văn hóa thôn Phú Nam, chia sẻ: “Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có tốt thì xã hội mới tốt.

Với nhận thức đó, từ khi sống và sinh hoạt tại địa phương, gia đình tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm tham gia các phong trào của thôn; luôn giữ mối quan hệ tốt đẹp, hòa thuận và giúp đỡ lẫn nhau trong xóm giềng”.

“Tất cả khó khăn rồi sẽ qua đi khi chúng ta có tình yêu thương, giúp đỡ nhau với lòng nhân ái. Bởi vì cuộc sống luôn đặt ra khó khăn, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả cùng điểm chung là tình yêu thương đùm bọc, đặc biệt là những lúc khó khăn hoạn nạn. Đó là điều vô cùng quý giá cần được phát huy” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhắn nhủ với người dân thôn Phú Nam.

Ông Phạm Tý - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Phú Nam cho biết, Phú Nam nằm phía bắc xã Tam Xuân 2, tổng diện tích tự nhiên gần 190ha, có 407 hộ với 1.520 nhân khẩu, 95% hộ dân làm nông nghiệp.

Nhiều năm qua, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở thôn tiếp tục được phát huy, giữ vững. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” được triển khai ở khu dân cư đạt nhiều kết quả nổi bật.

Hiện nay, người dân toàn thôn có nhà ở kiên cố, không còn nhà tạm bợ; thu nhập bình quân đầu người đạt 49 triệu đồng/năm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,8%; có 40% số hộ dùng nước sạch do nhà máy nước Tam Kỳ cung cấp...

Điểm sáng ở Phú Nam là sự chung tay của cộng đồng trong việc duy trì và phát huy phong trào văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao. Ít có khu dân cư nào có được cơ vật chất và phong trào thể thao phát triển như Phú Nam.

Thôn đã xây dựng được 2 sân bóng chuyền đủ chuẩn, nâng cấp sân bóng đá mini có hệ thống lưới chắn, điện chiếu sáng, các dụng cụ thể thao ngoài trời và 1 bàn bóng bàn.

Tổng diện tích khu thiết chế văn hóa 2 cơ sở của thôn Phú Nam hơn 1.500m2, riêng khu thể thao 1.000m2, đảm bảo cho sinh hoạt hội họp, vui chơi giải trí cho người lớn và trẻ em.

Cùng với đó là tinh thần sẻ chia, giúp đỡ nhau trong cộng đồng được phát huy. Người dân tích cực đóng góp Quỹ vì người nghèo, Quỹ khuyến học mỗi năm hàng chục triệu đồng.

Đại diện các tổ đoàn kết ở thôn Phú Nam (xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành) ký kết thực hiện thi đua năm 2023. Ảnh: VINH ANH
Đại diện các tổ đoàn kết ở thôn Phú Nam (xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành) ký kết thực hiện thi đua năm 2023. Ảnh: VINH ANH

Trong năm 2022, thôn có 384 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (chiếm 94,3%), trong đó 293 hộ đạt gia đình văn hóa 3 năm liền. Đến nay, thôn còn 6 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo nhưng không nằm trong diện giảm nghèo bền vững.

Ngoài những kết quả đạt được, ở ngày hội đại đoàn kết, người dân Phú Nam còn được nghe vào thảo luận về 11 nhiệm vụ đề ra nhằm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong năm 2023.

Những nhiệm vụ đề ra đều nhận được sự nhất trí, ủng hộ của người dân nơi đây. Trong đó có việc vận động nhân dân hiến đất, cây cối để nâng cấp 2 tuyến giao thông nông thôn trong năm 2023.

Về dự ngày hội kết đoàn tại thôn Phú Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh vui mừng với những kết quả mà thôn đạt được, đặc biệt ấn tượng với công tác tổ chức ngày hội và các phong trào thi đua ở Phú Nam.

Trong niềm vui đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã nhắc lại lời dạy của Bác Hồ: “Đoàn kết - đoàn kết - đại đoàn kết, thành công - thành công - đại thành công... Trong bầu trời này không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới này không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân”.

Qua đó mong toàn thể nhân dân thôn Phú Nam tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương và thành tựu đã đạt được để chung sức, đồng lòng, giúp đỡ lẫn nhau trong xây dựng cuộc sống mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ấm tình ngày hội đại đoàn kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO