An cư cho người dân vùng cao

VIỆT NGUYỄN 29/11/2021 07:34

Ông Vũ Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết Bộ NN&PTNT đã phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án ở huyện Nam Trà My gồm khu tái định cư Nước Tai (thôn 1, xã Trà Vân) và xây kè bảo vệ khu tái định cư Bằng La (xã Trà Leng) khi đi thực tế vào cuối tuần qua.

Ngành chức năng khảo sát địa điểm xây dựng khu tái định cư Nước Tai, xã Trà Vân. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngành chức năng khảo sát địa điểm xây dựng kè cho khu tái định cư Bằng La. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Khẩn cấp sắp xếp dân cư

Nước Tai là một trong những địa bàn bị thiệt hại nặng nề bởi các đợt mưa bão năm 2020 khi nhiều người dân, nhà cửa bị hư hại do sạt lở đất. Khu vực này cách trung tâm hành chính huyện Nam Trà My 13km về hướng đông nam, có địa hình đồi núi với cấu trúc phức tạp, chủ yếu là núi cao, độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh bởi nhiều sông, suối nên nguy cơ sạt lở núi cao.

Nước Tai hiện có 94 hộ với 399 khẩu cần di dời để đảm bảo an toàn. Vị trí xây dựng khu tái định cư Nước Tai cách nơi ở cũ 0,5km với quy mô quỹ đất 3ha.

Một khu tái định cư khác cần được đầu tư từ nguồn vốn của trung ương là khu tái định cư thôn H’juh (xã Ch’ơm, Tây Giang). Sau thiên tai năm 2020, trên địa bàn thôn H’juh xuất hiện nhiều điểm sạt lở, vết nứt nguy hiểm. Hiện tại còn 98 hộ với 435 khẩu tại thôn H’juh cần phải di dời khẩn cấp. Quảng Nam đề xuất Bộ NN&PTNT đầu tư khu tái định cư thôn H’juh cách nơi ở cũ 3km, quỹ đất 7ha, gần đường giao thông, gần khu sản xuất của nhân dân, phù hợp với quy hoạch chung của huyện Tây Giang.

Ông Hồ Văn Cả (một người dân đang sinh sống ở Nước Tai) cho biết, ở đây xa xôi, cách trở với bên ngoài, đi lại, mua sắm, khám bệnh, cho con đi học đều quá khó khăn.

“Bố trí, sắp xếp lại chỗ ở sẽ giúp chúng tôi an cư khi có được đường, điện, y tế, trường học, khu sinh hoạt văn hóa, nhất là sinh kế thuận tiện hơn” - ông Cả nói.

Khu tái định Bằng La hiện có 39 căn nhà đã được bố trí cho người dân nóc Ông Đề và làng Tăk Pát - nơi xảy ra thảm họa sạt lở núi, lũ quét khiến hàng chục ngôi nhà bị cuốn trôi, nhiều người chết, mất tích...

Khu tái định cư bằng phẳng, đã được Nhà nước đầu tư hạ tầng hoàn thiện, tuy vậy hiểm họa tiềm ẩn khi khu vực sông bao quanh bị sạt lở lâu nay.

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, khu tái định cư Bằng La cần được xây kè khẩn cấp để bảo vệ an toàn cho người dân.

“Qua nhiều tai biến, người dân Trà Leng chỉ mong cuộc sống ổn định, lâu dài. Dự án được triển khai sẽ giúp địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội” - ông Mẫn nói.

Tại các huyện miền núi, dân cư phân bố theo bản, nóc, không gian sinh hoạt không đảm bảo, điều kiện để đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất thấp. Do địa hình miền núi rất phức tạp, các khu dân cư ở chân núi, lưng chừng núi tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Các khu dân cư ở khu vực trũng thấp thì có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét tàn phá.

Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, qua kiểm tra, đánh giá 9 huyện miền núi, còn khoảng 7.821 hộ cần thực hiện sắp xếp, bố trí chỗ ở ổn định để tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện sinh kế, qua đó giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh. 

Giải quyết khó khăn

Ông Trần Văn Mẫn cho biết, đến cuối năm 2020, đã có 1.991 hộ dân được sắp xếp, di dời chỗ ở (vượt 33,62% chỉ tiêu tỉnh giao). Tuy vậy, sắp xếp dân cư trên địa bàn huyện còn đối diện nhiều khó khăn.

Điều kiện địa hình miền núi không có diện tích mặt bằng rộng, khó chọn vị trí đất phù hợp để tái định cư. Khó khăn hơn là vật liệu làm nhà. Trước đây nhà làm bằng gỗ tạp, khi tháo dỡ, di dời bị hỏng nhiều, trong khi đó Nhà nước đóng cửa rừng, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên khó có vật liệu thay thế.

Ông Mẫn đề xuất, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua vật liệu làm nhà cho người dân với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà. UBND tỉnh điều chỉnh tăng chỉ tiêu và bố trí vốn hỗ trợ sắp xếp dân cư trên địa bàn huyện Nam Trà My giai đoạn 2021 - 2025 với 2.986 hộ.

“Mong UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân ở các khu tái định cư. Hiện nay, nhiều khu tái định cư chưa có điện nên đề xuất UBND tỉnh kiến nghị với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện dự án cấp điện huyện Nam Trà My giai đoạn II và chỉ đạo Sở Công Thương sớm triển khai dự án cấp điện ở Nam Trà My” - ông Mẫn nói.

Ông Trương Xuân Tý cho rằng, quan điểm của tỉnh trong bố trí khu tái định cư, sắp xếp lại dân cư khu vực miền núi là phải đảm bảo tính ổn định, bền vững, đủ diện tích để xây dựng nhà, các công trình hạ tầng công cộng, gần vị trí nơi ở cũ...

Bởi vậy, dự án cần triển khai đồng bộ các khâu làm đường vào khu tái định cư; đầu tư hệ thống thoát nước; xây dựng hệ thống điện sinh hoạt, hệ thống nước sinh hoạt; xây dựng đường vào khu sản xuất, công trình thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao, trường mẫu giáo, trường tiểu học.

“Bộ NN&PTNT quyết định chủ trương đầu tư dự án, giao địa phương là cơ quan quản lý thực hiện đầu tư từ bước lập dự án đến bước quyết toán vốn đầu tư. Sở NN&PTNT báo cáo đề xuất UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT làm chủ đầu tư” - ông Tý nói.

Ông Vũ Xuân Thành cho rằng, khi Bộ NN&PTNT đã có quyết định chủ trương đầu tư 2 dự án, Quảng Nam cần khẩn trương triển khai các bước nhằm sắp xếp dân cư hợp lý, đảm bảo an cư cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
An cư cho người dân vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO