Bình Minh lưu giữ các giá trị truyền thống

NGUYỄN QUANG 31/03/2023 08:52

Xã Bình Minh (Thăng Bình) luôn chú trọng bảo lưu nghề chế biến nước mắm và trao truyền, tiếp nối nghệ thuật hát múa bả trạo.

Một buổi biểu diễn của Câu lạc bộ hát múa bả trạo Bình Minh. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Một buổi biểu diễn của Câu lạc bộ hát múa bả trạo Bình Minh. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Gìn giữ “nước mắm tháng Ba”

Đến xã biển Bình Minh hỏi nghề chế biến nước mắm, người dân từ già đến trẻ đều nói nước mắm tháng Ba thơm ngon hảo hạng. Bà Nguyễn Thị Rạng năm nay đã hơn 80 tuổi, theo nghề chế biến nước mắm từ trẻ, đã trao truyền nghề lại cho con dâu là Nguyễn Thị Sen - chủ Cơ sở chế biến nước mắm Huệ Sen (thôn Hà Bình, xã Bình Minh).

Bà Rạng kể, ngày trước nhà ai đi biển cũng đều dành cá cơm than đánh bắt được ở bãi ngang về làm mắm. Nước mắm tinh khiết thơm ngon đến nỗi người dân khắp các vùng Trung, vùng Tây Thăng Bình đều quyến luyến khi thử dùng dù chỉ một lần. Bởi vậy câu “nước mắm tháng Ba, thịt gà tháng Bảy” là lời khen tặng người dân vùng Tây dành cho xã Bình Minh ở vùng Đông Thăng Bình.

Theo bà Rạng, tháng Ba là thời điểm mùa sinh nở, cá cơm than căng tròn, tích tụ nhiều chất dinh dưỡng. Ngay sau khi đánh bắt được cá cơm than, ngư dân đem về trộn với muối theo tỷ lệ 2 - 1 rồi ủ chượp trong lu sành hoặc thùng gỗ lớn.

Sau chừng 6 tháng, cá cơm chín và bắt đầu lan ra làn hương thơm đặc trưng. Lúc đó, người dân chiết rót nước mắm ra ngoài để dùng cho bữa ăn hoặc tặng người thân, bán cho bạn hàng gần xa.

Bà Rạng kể, thời thiếu nữ bà hay gánh nước mắm chiết rót trong các chai lọ, hũ để đi bán khắp các làng xóm từ Hà Lam cho đến Đông Phú, Hương An, Bà Rén (Quế Sơn). Kế sinh nhai đó được duy trì mãi đến khi bà trao tuyền lại cho con dâu tiếp nối và bồi đắp thêm thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng.

Để có đủ nguyên liệu chế biến nước mắm, bà Nguyễn Thị Sen đặt mua cá cơm than khắp các dải bãi ngang ven biển từ Hội An cho đến Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành.

Đến nay mỗi tháng, cơ sở của bà Sen bán hàng trăm tấn nước mắm cho các cơ quan, lực lượng quân đội, trường học, doanh nghiệp khắp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Hơn 20 lao động làm việc ở cơ sở của bà Sen có nguồn thu nhập ổn định.

Ông Lê Xuân Tới - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, có thời điểm nước mắm truyền thống ở xã không thể cạnh tranh nổi với nước mắm công nghiệp (giá bán cao do giá thành cao) nên giảm quy mô sản xuất và thị trường cũng bị thu hẹp.

Chính quyền đã vận động người dân tiếp tục gắn bó với làng nghề, tập trung cho thị phần nông thôn ở huyện và các địa phương lân cận. UBND xã liên hệ với ngành công thương huyện, các cơ quan của tỉnh quảng bá nước mắm ở các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu. Nhờ vậy sản phẩm từng bước chiếm lĩnh lại thị trường.

Gầy dựng đội bả trạo

Hàng chục năm qua, ông Trần Văn Tám vẫn gắn bó và dày công gầy dựng, giữ gìn đội hát múa bả trạo Bình Minh. Năm 2012, CLB hát múa bả trạo Bình Minh được Phòng VH-TT huyện Thăng Bình ra quyết định thành lập và hoạt động đại diện cho cộng đồng cư dân ven biển các xã Bình Minh, Bình Dương, Bình Nam, Bình Hải. Là chủ nhiệm CLB, ông Tám luôn trăn trở vì đội ngũ “con trạo” ngày một thưa thớt còn các “tổng” thì già yếu thiếu kế thừa.

Ông Tám đã đến các trường học trên địa bàn xã Bình Minh để mời học sinh về làm “con trạo” cho CLB. Các em dù gắn bó nhưng vì học tập thường xuyên, nhất là học lên cấp trên hoặc vào đại học nên quá trình tìm kiếm của ông Tám vẫn tiếp tục và sẽ còn kéo dài.

“Tiếc nhất là lễ hội cầu ngư lớn nhất năm vừa qua được tổ chức ở xã nhưng do thiếu 2 tổng khoang và tổng lái nên đội không diễn xướng được phải nhờ đội hát múa bả trạo ở phường Cửa Đại (Hội An) đến biểu diễn. Lễ hội thành công nhưng tôi thấy thiếu vắng” - ông Tám nói.

Mấy tháng qua, ông Tám đi khắp các xã ven biển của huyện Thăng Bình để tìm người có thể làm tổng khoang, tổng lái cho CLB hát múa bả trạo. May nhờ cái duyên nên ông Tám đã tìm được 2 ngư dân đứng tuổi ở xã Bình Dương.

“Lễ hội văn hóa miền biển huyện Thăng Bình theo kế hoạch sẽ diễn ra từ 30/3 đến 2/4, CLB hát múa bả trạo Bình Minh sẽ biểu diễn xuyên suốt để quảng bá nghệ thuật đặc trưng của cộng đồng ngư dân làng biển” - ông Tám nói.

Diễn xướng bả trạo là loại hình nghệ thuật dân gian gắn với tập tục, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân ven biển. Nghệ thuật hát bả trạo ca ngợi công đức của cá Ông; cầu mong thần linh phù hộ để ngư dân được bình an giữa biển khơi, vụ mùa bội thu, đồng thời biểu hiện sinh động quá trình lao động sản xuất gian nan của ngư dân trên biển. CLB hát múa bả trạo Bình Minh hiện có 18 “trạo” và 3 “tổng” mũi, khoang và lái.

“Chúng tôi thường xuyên tập luyện và nhiệt tình tham gia biểu diễn để nghệ thuật bả trạo được bảo tồn, duy trì trong cộng đồng cư dân ven biển Thăng Bình” - ông Tám nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bình Minh lưu giữ các giá trị truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO