Bóng cả trên ngàn

ĐĂNG NGUYÊN 24/03/2020 10:20

Như những “cây cao, bóng cả” giữa đại ngàn, các già làng không chỉ là chỗ dựa vững chắc mà còn góp phần tạo sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào vùng cao...

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường thăm hỏi, động viên già làng tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc nêu gương cho cộng đồng miền núi.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường thăm hỏi, động viên già làng tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc nêu gương cho cộng đồng miền núi.

Tận hiến

“Thời gian và sức khỏe đã lấy đi của ông nhiều thứ. Nhưng với đời, với câu chuyện bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu, ông luôn là tấm gương sáng và là chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng miền núi Đông Giang này” - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - Đinh Văn Hươm nói về già làng Y Kông như vậy nhân chuyến cùng đoàn công tác của tỉnh đến thăm già mới đây.

Đi qua gần 90 mùa rẫy, dù đôi chân không thể nhanh nhẹn như trước, nhưng sự tận hiến của già Y Kông cho đồng bào vẫn nguyên vẹn như trái tim của người vùng cao dành cho cách mạng. Ông miệt mài với việc sưu tầm, chế tác và truyền dạy cho lớp con cháu biết chơi các loại nhạc cụ truyền thống, từ đàn abel, h’jưl, cr’toót…

Trên căn gác nhỏ của ngôi nhà truyền thống, già Y Kông treo rất nhiều bức tượng gỗ, phù điêu được chính tay già làng dày công sưu tầm, chế tác. Nhiều năm nay, ngôi nhà ấy trở thành điểm tham quan lý tưởng cho du khách và đồng bào vùng cao.

Những người nêu gương trong cộng đồng

Tại buổi gặp các già làng, trưởng bản, người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số nhân chuyến công tác các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường biểu dương và đánh giá cao những công việc thầm lặng của các già làng, người có uy tín cho cộng đồng trong nhiều năm qua. “Bằng vai trò và uy tín của mình, họ nêu gương trong cộng đồng, góp sức xây dựng và phát triển kinh tế vùng cao ngày càng vững chắc. Tôi mong muốn các già làng, người có uy tín tiếp tục phát huy tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, chuyển tải kịp thời những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh. 

Một già làng khác của cộng đồng Cơ Tu, được xem như “mảnh hồn làng” ở vùng cao Tây Giang, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đó là già Bh’riu Pố, ở làng Arớh (xã Lăng) - người từng được mệnh danh là “vua ba kích” ở Trường Sơn, sau những nỗ lực biến loại dược liệu của rừng thành sản vật có giá trị kinh tế cao.

Già Pố không chỉ điển hình trong phát triển kinh tế, mà còn là gương mặt quen thuộc tại các sự kiện văn hóa của huyện, chủ nhân của nhiều công trình gươl truyền thống, với khả năng chế tác tượng gỗ thuộc hạng “siêu đẳng”. Tiêu biểu trong số đó, là công trình cây nêu truyền thống được thực hiện phục vụ ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam vào năm 2017.

Dịp đó, nội dung trình diễn nghi thức dựng nêu của đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang được trao giải A - phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của già Pố và dân làng. “Đó là cây nêu nguyên bản nhất của người Cơ Tu được các nghệ nhân góp công thực hiện trên ý tưởng khôi phục nét văn hóa truyền thống của đồng bào. Từ cây nêu này, sẽ giúp đồng bào Cơ Tu có vật mẫu để bảo tồn và gìn giữ” - già Pố chia sẻ.

Chỗ dựa cho cộng đồng

Đông Giang, Tây Giang hay bất kể vùng nào của miền tây xứ Quảng cũng đều có những con người luôn miệt mài vì cộng đồng. Tấm gương của họ, là chỗ dựa vững chắc cho đồng bào trong suốt hành trình giảm nghèo, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. 

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường giúp cụ Arâl Trung (dân tộc Cơ Tu, ở thôn A Duông, thị trấn P’rao, Đông Giang) gài khuy áo nhân chuyến đến thăm. Cụ Trung là bệnh binh, nhiều năm nay luôn đau yếu, rất khó khăn trong việc chăm sóc bản thân. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường giúp cụ Arâl Trung (dân tộc Cơ Tu, ở thôn A Duông, thị trấn P’rao, Đông Giang) gài khuy áo nhân chuyến đến thăm. Cụ Trung là bệnh binh, nhiều năm nay luôn đau yếu, rất khó khăn trong việc chăm sóc bản thân. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Như già Nguyễn Văn Bé (ở khu tái định cư Plây Kdhủh - thôn 4, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn), không cam chịu trước đói nghèo đã tìm cách mở hướng làm ăn bằng mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng rừng.

Thành công của già, không chỉ giúp đồng bào địa phương có thêm kinh nghiệm trong việc làm ăn, mà còn góp phần thay đổi tư duy trong nếp nghĩ về chuyện làm giàu, nâng cao chất lượng cuộc sống. Để bây giờ, những người học ông, đều mạnh dạn vay vốn trồng rừng, nuôi gia súc, có vốn liếng lo cho con cái học tập.

Rồi cũng chính ông, đã cất công tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm bảo tồn giống lúa baton quý hiếm, giúp đồng bào Bh’noong phục hồi được lễ hội tết mùa. Hành trình đi tìm giống lúa, với ông là sự chọn lựa bằng tất cả vốn sống, kỹ năng, kinh nghiệm lẫn tâm huyết.

Vì thế, “thật không dễ dàng” - như lời ông chia sẻ. “Mấy năm trời, tôi tìm kiếm khắp nơi, chỉ để khôi phục lại giống lúa này. Quý lắm. Bên Phòng Nông nghiệp huyện họ biết chuyện nên đặt hàng nhờ tôi hỗ trợ nguồn giống để thực hiện dự án bảo tồn” - ông Bé nói trong lần gặp mới đây, khi lễ hội tết mùa lần thứ 2 được địa phương tổ chức.

Những năm gần đây, khi giống lúa baton khan hiếm dần, đồng bào trong vùng phải tìm đến ông để xin giống về gieo rẫy. Ông có sẵn, nên chia đều cho mọi người, như một cách bảo tồn giống lúa quý hiếm này.

Sẽ không thể kể hết đóng góp của các già làng cho những đổi thay của đồng bào miền núi. Họ cũng không chờ mong sự đền đáp từ phía cộng đồng. Bởi niềm hạnh phúc lớn nhất, với họ, ngoài chứng kiến diện mạo miền núi ngày càng thêm đổi khác, còn là nụ cười tươi khi nhìn vào thực tế về chất lượng cuộc sống và nếp nghĩ của đồng bào mỗi ngày một thay đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bóng cả trên ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO