Cảnh quan đô thị, nhìn từ nghệ thuật đường phố

LÊ QUÂN 26/03/2023 06:38

TP.Hội An với  những con đường bị vẽ, viết đủ loại hình ảnh, ngôn ngữ. Thêm lần nữa, câu chuyện quản lý cảnh quan đô thị lại được đặt ra, đặc biệt với một đô thị di sản như Hội An...

Những bức tường trong khu phố cổ bị bôi bẩn. Ảnh: L.Q
Những bức tường trong khu phố cổ bị bôi bẩn. Ảnh: L.Q

Bôi bẩn tường vàng ở phố

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An trả lời với báo giới, rằng những hình ảnh này không phải người dân địa phương vẽ ra. Cho rằng những người nước ngoài lưu trú tại đây nghĩ rằng việc viết, vẽ trên các bức tường là một loại hình nghệ thuật (graffiti - tranh tường), tuy nhiên, đặt trong bối cảnh và không gian Hội An, thì lại trở thành những hình ảnh bôi bẩn tường nhà phố cổ.

“Gây khó chịu”, “mất mỹ quan”, “phá vỡ không gian”... là những cảm nhận của người dân phố cổ. Không chỉ ở các tường nhà, rất nhiều từ ngữ nước ngoài lẫn hình ảnh có trên các trụ điện, thậm chí ở bờ tường của di tích nằm tại vùng lõi phố cổ.

Người lãnh đạo địa phương này cho biết, tình trạng vẽ bậy trên tường phố cổ và các trụ điện đã diễn ra vài năm trở lại đây và ở những nơi có khách du lịch nước ngoài.

Hiện tại, TP.Hội An có kế hoạch xóa những vết vẽ trên tường rồi sơn lại. Ngoài ra, địa phương sẽ cho lực lượng theo dõi camera, nếu ai có hành vi viết vẽ trên tường di tích sẽ tiến hành xử lý.

Tuy nhiên, Hội An cũng không cứng nhắc khi ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, với những trụ điện hay tường rào cổng ngõ nằm ngoài khu phố cổ bị vẽ, nếu việc này không ảnh hưởng cảnh quan mà có thể làm nghệ thuật sẽ xem xét cho tồn tại chứ không nhất thiết xóa bỏ.

Vẽ trên tường, đường phố đã phát triển thành một loại hình nghệ thuật tại nhiều quốc gia. Graffiti ban đầu có nghĩa là “tranh sơn xịt”. Nhưng qua thời gian, nó là tên gọi dành cho một bộ môn nghệ thuật đường phố.

Ở một số quốc gia như Mỹ và Úc, graffiti là bất hợp pháp và bị coi là hành vi phá hoại. Trong khi ở các quốc gia khác, nó được bảo tồn như một tác phẩm nghệ thuật.

Tại Việt Nam, những đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh... nhiều đường phố được ngầm hiểu như không gian sáng tạo của giới nghệ sĩ graffiti. Tuy nhiên, vẫn chưa hề có một quy định nào để quản lý cũng như tạo giới hạn cho bộ môn nghệ thuật đường phố này. 

Cần quản lý chặt hơn

Từ câu chuyện những bức tường Hội An bị “bôi bẩn”, một khoảng trống về không gian nghệ thuật công cộng được đặt ra. Nghệ thuật công cộng không chỉ một giới hay nhóm đối tượng nhất định, mà nên là của cộng đồng thụ hưởng. 

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - người giám tuyển nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng trên cả nước cho rằng, nghệ thuật công cộng là một loại hình nghệ thuật gắn với đô thị, với những không gian ngoài trời. Nó là sản phẩm đặc trưng của những đô thị có mối quan tâm và sự đầu tư vào những giá trị văn hóa chung, khơi gợi nên những cảm thức tự hào về nơi chốn cho cộng đồng trong một đô thị.

“Nó là cách mà cộng đồng cư dân ở thành phố đấy muốn cho thấy tâm hồn của cộng đồng đó được nhìn thấy như thế nào. Nghệ thuật công cộng trong một không gian đòi hỏi nhiều yếu tố tương tác với ngữ cảnh và địa hình cụ thể, vì vậy, để một dự án hoặc một tác phẩm thực sự trở nên hay và có ý nghĩa, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của cư dân, chính quyền, người sáng tạo...” - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nói. 

Và muốn có những dự án nghệ thuật công cộng có chất lượng không đơn giản chỉ là cách đa số người Việt quan niệm cứ vẽ hay trang trí lên tường là thành nghệ thuật công cộng. Do vậy, nghệ thuật graffiti hay một tên gọi khác là tranh bích họa, tại nhiều địa phương là đô thị của Quảng Nam, đã từng bị lạm dụng.

Riêng tại Hội An, từ sự việc này cho thấy một không gian công cộng dành cho nghệ thuật đường phố tại Hội An vẫn chưa được chú trọng, trong khi mật độ lưu trú của người nước ngoài tại đô thị này khá cao.

Hội An đang hướng đến thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó, mục tiêu cuối cùng hướng tới vẫn là đặt sự sáng tạo và công nghiệp văn hóa vào trung tâm của kế hoạch phát triển ở cấp địa phương và hợp tác tích cực ở cấp quốc tế.

Nếu bản sắc là thứ để định danh thành phố, thì chính việc mở ra các không gian để thỏa nhu cầu sáng tạo của du khách lẫn cư dân chính là điều làm phong phú và đa dạng thêm bản sắc văn hóa của địa phương.

Tất nhiên, trong hạn định của những phép tắc, các không gian này buộc phải được sự quản lý chặt chẽ của chính quyền đô thị, khi ranh giới giữa nghệ thuật và những hành vi bôi bẩn rất mong manh...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảnh quan đô thị, nhìn từ nghệ thuật đường phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO