Cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp ở Phước Sơn: Khó khăn chồng chất

VINH ANH 19/09/2019 11:18

Khoảng 10,6 nghìn héc ta (trong tổng số hơn 13,6 nghìn héc ta) đất lâm nghiệp do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng trên địa bàn huyện Phước Sơn hiện chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt sổ đỏ) do nhiều bất cập trong quản lý sử dụng đất lẫn sự thiếu hụt về nguồn lực.

Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp ở miền núi, trong đó có huyện Phước Sơn đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: VINH ANH
Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp ở miền núi, trong đó có huyện Phước Sơn đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: VINH ANH

Nhiều bất cập

Ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, tổng sổ đỏ lâm nghiệp lần đầu đã cấp cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện là 2.386 giấy với diện tích hơn 2.942ha. Công tác cấp sổ đỏ chủ yếu thực hiện đồng loạt theo Bản đồ đất lâm nghiệp đã đưa vào sử dụng từ năm 2011. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng nhận thấy chất lượng bản đồ sai lệch lớn so với ngoài thực địa, không đúng chủ sử dụng đất,… nên đến cuối năm 2013 địa phương đã ngừng sử dụng. Từ sau năm 2013, huyện sử dụng bản đồ từ các trích đo địa chính riêng lẻ và bản đồ chỉnh lý bản đồ đất lâm nghiệp 1/10.000 do nguồn kinh phí huyện cấp đo đạc hàng năm để tiến hành cấp sổ đỏ cho người dân. Tuy nhiên so với nhu cầu của người dân thì số lượng đáp ứng vẫn còn quá nhỏ.

Bên cạnh khó khăn về nguồn lực, những bất cập trong quản lý sử dụng đất là nguyên nhân chính gây cản trở quá trình thực hiện cấp sổ đỏ lâm nghiệp. Đó là tình trạng sản xuất manh mún, theo tập quán của người dân bản địa; việc cắm mốc địa giới hành chính giữa các địa phương còn hạn chế; tình trạng người dân từ địa phương khác đến chiếm đất sản xuất trái phép kéo dài tại các vùng giáp ranh (chủ yếu giáp ranh với huyện Hiệp Đức)… Ông Nguyễn Đức Toàn - Trưởng phòng TN&MT huyện Phước Sơn cho biết, công tác quy hoạch, định hướng phát triển ngành nông nghiệp còn nặng về lý thuyết và việc xác định loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp còn lúng túng dẫn đến tình trạng thay đổi loại cây trồng sản xuất nông nghiệp trên đất quy hoạch là lâm nghiệp… “Cùng một mảnh đất mà năm nay người dân trồng keo thì quy hoạch đó là đất lâm nghiệp, nhưng sang năm trồng lúa lại là đất sản xuất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm). Cho nên lúc cấp bìa đỏ là đất lâm nghiệp nhưng ra kiểm kê thì họ đang trồng bắp, trồng lúa... Đây là lý do khi liên quan đến bồi thường hay gặp vướng mắc” - ông Toàn nói.

Cần hỗ trợ kinh phí

Tổng diện tích đất lâm nghiệp do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng trên địa bàn huyện Phước Sơn đã thực hiện cấp sổ đỏ 2.942,1ha; diện tích có nhu cầu cấp mới 10.671,7ha, trong đó tổng số thửa cần chỉnh lý là 2.360 thửa, tổng số tờ bản đồ chỉnh lý là 46 tờ và số giấy cấp đổi, cấp mới là 10.183 giấy. Dự toán kinh phí thực hiện đo đạc bổ sung, chỉnh lý, cấp sổ đỏ và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất lâm nghiệp hơn 18,3 tỷ đồng (theo dự toán của Sở TN&MT trên thực tế nhu cầu của huyện Phước Sơn).

Việc đo đạc bản đồ là yếu tố tiên quyết để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ, nhưng đến nay hầu hết xã trên địa bàn Phước Sơn chưa lập được bản đồ địa chính chính quy. Riêng bản đồ địa chính đất lâm nghiệp đã được lập (do đơn vị tư vấn là doanh nghiệp thuộc Bộ TN&MT lập) thì chất lượng thấp, số lượng thửa đất tại thời điểm lập bản đồ không đo đạc hết; trong khi đó thời gian qua số lượng thửa đất có biến động lớn, khiến sổ đỏ đã cấp có sai sót. Vì vậy cần phải đo đạc bổ sung, chỉnh lý toàn bộ trên cơ sở nền dữ liệu của bản đồ địa chính đất lâm nghiệp cũ để đẩy nhanh công tác cấp sổ đỏ cho người dân.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, nhiều năm nay huyện bố trí mỗi năm khoảng 500 - 800 triệu đồng để làm sổ đỏ cho dân, tuy nhiên nguồn kinh phí đó còn quá ít, chưa đáp ứng so với nhu cầu của người dân. Chính vì vậy, huyện mong muốn sớm có chính sách từ cấp trên để có nguồn kinh phí phục vụ thực hiện việc đo đạc hàng năm, từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính đất đai của huyện và đẩy nhanh công tác cấp sổ đỏ. Theo ông Hà, khi có nguồn lực đảm bảo, trong quá trình làm huyện sẽ chọn hình thức “đo tới đâu cấp sổ đỏ tới đó”. Bởi nếu kéo dài sẽ bị “vênh”, rồi phải chỉnh lý vì đất đai của người dân thường xuyên biến động. Đặc biệt, huyện kiến nghị cấp trên không nên giới hạn thời gian, bởi việc này đâu phải gõ phím trên máy tính là ra được, đó là chưa kể liên quan đến tranh chấp, có khi phải ra tòa... Với đặc thù huyện miền núi (tổng diện tích tự nhiên hơn 115 nghìn héc ta; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 68% dân số), đất đai phần lớn đồi núi, điều kiện phát triển kinh tế nâng cao đời sống đối với đại bộ phận dân cư chủ yếu dựa vào lâm nghiệp, muốn có cơ hội phát triển và sử dụng đất ổn định thì nhân dân cần sớm được cấp sổ đỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp ở Phước Sơn: Khó khăn chồng chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO