Cặp vợ chồng hoàn lương, làm giàu trên đất Hiệp Thuận

NGUYỄN QUỲNH 24/08/2022 16:52

(QNO) - Hoàn lương trở về quê với đôi bàn tay trắng sau một lần lầm lỗi, vợ chồng ông Nguyễn Duy Hải (SN 1981) và bà Trần Thị Hồng (SN 1978) cùng trú tại thôn Tân Thuận, Hiệp Thuận (Hiệp Đức) đã quyết tâm làm lại cuộc đời và trở thành tấm gương vượt khó, làm kinh tế giỏi.

Mô hình trang trại của gia đình ông Hải rộng hơn 5ha ở thôn Tân Thuận, xã Hiệp Thuận.
Mô hình trang trại của gia đình ông Hải rộng hơn 5ha ở thôn Tân Thuận, xã Hiệp Thuận.

Một lần lầm lỗi

Theo lời chỉ dẫn của người dân thôn Tân Thuận, chúng tôi men theo con đường núi tìm đến trang trại hơn 5ha của vợ chồng ông Hải ở cánh rừng Bà Thuần, cách trung tâm hành chính xã khoảng 1km theo đường chim bay. Đây cũng là nơi mà 2 vợ chồng ông Hải dành hết tâm huyết, thời gian  và công sức gầy dựng sau khi mãn hạn tù trở về.

Vợ chồng ông Hải sau khi hoàng lương trở về làm kinh tế khá, tích cực đóng góp cho xã hội. Ảnh: N.Q
Vợ chồng ông Hải sau khi hoàn lương trở về làm kinh tế khá, tích cực đóng góp cho xã hội. Ảnh: N.Q

Trò chuyện với chúng tôi, vợ chồng ông Hải không ngần ngại chia sẻ quá khứ lầm lỗi của họ. Ông sinh ra trong gia đình có 8 anh em, học đến lớp 6, ông nghỉ học để tìm việc làm kiếm tiền phụ gia đình.

Năm 1992, ông Hải làm nghề khai thác vàng ở huyện Phước Sơn với hy vọng sớm đổi đời. Sau vài ông thấy không hiệu quả, năm 1998 ông rời Phước Sơn về quê tiếp tục tìm nơi đào vàng. Năm 2000 ông lại rời quê vào tỉnh Kon Tum mưu sinh bằng nhiều nghề nhưng kết quả vẫn tay trắng trở về.

Sau 10 năm tha phương cầu thực, ông Hải về quê cưới vợ, hai vợ chồng làm nương rẫy, cuộc sống thiếu trước hụt sau, cái nghèo luôn đeo bám.

Với khát khao làm giàu, thay đổi cuộc sống, năm 2002, vợ chồng ông Hải quyết định khăn gói dắt nhau vào bãi vàng suối Rin ở Vườn quốc gia Sông Thanh (thuộc địa bàn huyện Phước Sơn và Nam Giang) hành nghề lái đò, bán nước giải khát cho khách sang sông.

Năm 2003, bà Hồng sinh con trai đầu lòng trong niềm hạnh phúc của hai vợ chồng, cuộc sống mưu sinh nơi bến đò tuy vất vả, thu nhập không nhiều nhưng cũng đủ giúp gia đình ông Hải trang trải qua ngày.

Cũng chính môi trường bãi vàng ấy, vợ chồng ông Hải bị sa vào vòng lao lý vì buôn bán ma túy. Tháng 7.2004, ông Hải bị bắt và bị kết án 6 năm tù giam, vợ 4 năm tù giam với tội danh đồng phạm.

Bà Hồng chăm sóc đàn cá trong ao nuôi tại trang trại của gia đình. Ảnh: N.Q
Bà Hồng chăm sóc đàn cá trong ao nuôi tại trang trại của gia đình. Ảnh: N.Q

Trong thời gian ông Hải chấp hành án phạt tù, bà Hồng ở nhà chăm lo con nhỏ và cha mẹ già yếu. Bà cật lực làm đủ thứ để trang trải cuộc sống gia đình. Đến năm 2005, bà Hồng phải vào trại giam thụ án, con nhỏ tạm nhờ ông bà nội ngoại chăm sóc.

Nhờ cải tạo tốt, sau hơn 2 năm bà Hồng được đặc xá trở về quê, bà ở cùng với bố mẹ đẻ và chờ ngày chồng mãn hạn tù trở về đoàn viên.

“Những năm tháng sau song sắt, tôi thấy hối hận với lỗi lầm đã gây ra. Tôi nghĩ vào tù coi như cuộc đời chấm hết. Nhưng được cán bộ trại giam động viên, nên tự hứa sẽ quyết tâm hoàng lương, cải tạo tốt để sớm về làm cuộc đời” – ông Hải nhớ lại.

Làm giàu từ tay trắng

Năm 2010, ông Hải mãn hạn tù trở quê hương trong niềm vui, hạnh phúc của người thân, bạn bè và xóm làng. Cũng từ đây, vợ chồng ông quyết tâm làm lại cuộc đời bằng nghị lực, sức lao động và sửa sai cho quãng thời gian lầm lỗi.

Mỗi năm doanh thu từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, rừng, kinh doanh... đem lại cho gia đình ông Hải hơn 400 triệu đồng. Ảnh: N.Q
Mỗi năm doanh thu từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, rừng, kinh doanh... đem lại cho gia đình ông Hải hơn 400 triệu đồng. Ảnh: N.Q

Bà Hồng tâm sự: "Ông ấy trở về, vợ chồng tôi vào nương rẫy dựng lán trại ở tạm và bỏ ra nhiều công sức phát quang bụi rậm, cây cối. Sau nửa năm cải tạo được đất thì bắt đầu thả nuôi cá, gia cầm, gia súc và trồng hoa màu. Nhiều lúc túng thiếu quá phải đi mượn từng lon gạo của hàng xóm...".

Ngoài làm nương rẫy, ông Hải còn đi làm cắt keo, phát rẫy thuê để kiếm thêm thu nhập. Bà Hồng ở nhà trồng rau sạch, nội trợ và chăm sóc con cái ăn học. Những năm đó, gia đình bà thu hoạch keo, bán được 11 triệu đồng và mua chiếc xe máy để làm phương tiện kiếm sống. Hàng ngày, ông Hải tìm mua gỗ keo của người dân địa phương bán lại kiếm lời... Cũng từ đây, đời sống kinh tế gia đình dần dần ổn định. Năm 2013, vợ chồng ông dành dụm xây dựng căn nhà rộng hơn 100m² trị giá hơn 300 triệu đồng.

Năm 2014, ông Hải mượn sổ đỏ của cha mẹ đi vay được hơn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cùng với số vốn tích lũy, vợ chồng ông quyết định mở rộng diện tích đất rẫy, đầu tư thành trang trại chăn nuôi và trồng trọt.

Mỗi năm gia đình ông Hải xuất bán hơn 4 tấn heo. Ảnh: N.Q
Mỗi năm gia đình ông Hải xuất bán hơn 4 tấn heo thịt. Ảnh: N.Q

Đến nay trang trại của ông Hải thả nuôi 17 con bò lai, 500 con vịt, 500 con gà, 200 con heo thương phẩm, trồng 2,5ha cây keo, 4 sào rau sạch, đào ao thả nuôi hàng ngàn con cá trắm đen, rô phi, chép và trồng hàng trăm cây ăn quả các loại.

Ngoài ra, vợ chồng ông mở đại lý cung cấp thức ăn gia súc, gia cầm cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện, mở quán ăn cho con trai đầu kinh doanh. Mỗi năm doanh thu đem lại cho gia đình ông Hải hơn 1 tỷ đồng, sau khi trừ hết các khoản chi phí còn lãi khoảng 300 - 400 triệu đồng.

Để thuận tiện cho việc theo dõi, chăm sóc con vật nuôi  ông Hải đã lắp đặt camera  \quanh trang trại. Ảnh: N.Q
Để tiện theo dõi, chăm sóc vật nuôi,  ông Hải lắp đặt camera quanh trang trại. Ảnh: N.Q

Ở địa phương, gia đình ông Hải không chỉ chăm lo làm giàu mà còn tạo công ăn việc làm cho 4 lao động với mức lương dao động từ 3 - 5 triệu đồng/tháng, hướng dẫn người dân xóm làng cùng làm kinh tế...

Gia đình ông Hải còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở thôn, xã, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy ước khu dân cư đề ra.

Hằng năm gia đình ông được các cấp chính quyền, hội đoàn thể từ xã đến huyện tuyên dương khen thưởng với danh hiệu gia đình văn hóa, nông dân sản xuất giỏi….

Gia đình ông Hải luôn được chính quyền các cấp tuyên dương, khen thưởng. Ảnh: N.Q
Gia đình ông Hải được chính quyền các cấp tuyên dương, khen thưởng. Ảnh: N.Q

Ông Hải tâm sự: “Lúc mới ra trại, tôi cảm thấy tự ti, mặc cảm với gia đình và xóm làng, nhưng sau đó được sự động viên của người thân, bạn bè và sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, tôi quyết tâm làm lại từ đầu và dần dần lấy lại tình cảm, niềm tin của mọi người xung quanh. Giờ đây cuộc sống ổn định, tôi luôn nhắc nhở con cái phải sống đoàng hoàng, đừng làm gì vi phạm pháp luật”.

Ông Mai Tấn Lựu – Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận (Hiệp Đức) cho biết, thời gian hoàn lương trở về địa phương, vợ chồng ông Hải luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định nơi ở.

Chính quyền xã có hỗ trợ anh Hải vay vốn, cho mượn ao trong đất rừng để chăn nuôi. Anh Hải còn kinh doanh thêm thức ăn chăn nuôi, mấy năm gần đây anh Hải còn mua được xe tải, kinh tế gia đình phát triển.

"Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, gia đình anh Hải tích cực hỗ trợ rất nhiều lương thực, thực phẩm cho các chốt chống dịch, người dân địa phương và các xã lân cận. Cạnh đó, con trai anh Hải còn tặng hàng trăm con gà giống cho các mô hình chăn nuôi của thanh niên ở địa phương" - ông Lựu nói.

[VIDEO] - Trang trại của gia đình ông Hải ở xã Hiệp Thuận:

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cặp vợ chồng hoàn lương, làm giàu trên đất Hiệp Thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO