Chính quyền không để người dân thiếu lương thực

ALĂNG NGƯỚC 21/09/2020 04:44

Người vùng cao vẫn thường an toàn sống trong vòng tay bảo bọc của mẹ rừng. Những trận lũ lớn nhất từ trước đến nay, cũng chỉ trôi vài gia súc, gia cầm, người vùng cao vẫn đủ sức đề phòng, ứng phó. Nhưng cơn lũ do ảnh hưởng của bão Noul vừa qua đã gây thiệt hại không ngờ.

Người dân ở thôn Ahu (A Tiêng) dựng lại căn nhà mới sau lũ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Người dân ở thôn Ahu (A Tiêng) dựng lại căn nhà mới sau lũ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Già làng thôn Tà Vàng (xã A Tiêng, Tây Giang) Alăng Gher nói, trận mưa lũ lịch sử lần này là cái sự rủi chẳng ai lường được. Vì cường độ lũ tăng đột biến, già Gher ví sức tàn phá như một cuộc chiến thực sự. “Mấy hôm nay, cả công an, bộ đội và dân quân cùng nhau giúp dân chúng tôi dọn dẹp lại nhà cửa, vườn tược. Bùn đất phủ rất dày, nên họ phải cào xúc rồi dùng vòi nước để xịt rửa nhiều lần. Quá khổ!” - già Gher chùng giọng kể câu chuyện xảy ra ít ngày trước.

Chỉ kịp chạy lấy người

Khiêng bệnh nhân vượt hơn 22km đi cấp cứu

Do đường bị sạt lở, không thể di chuyển bằng xe máy, rạng sáng 20.9, hàng chục người dân ở xã Tr’Hy đã dùng võng khiêng một bệnh nhân nghi đau ruột thừa vượt quãng đường hơn 22km đến Trung tâm Y tế huyện Tây Giang để cấp cứu. Bệnh nhân là chị Cơlâu Thị Nh. (18 tuổi, trú xã Tr’Hy).

Bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, kèm theo sốt không rõ nguyên nhân. Sau khi được tiếp nhận, qua khám sàng lọc, các bác sĩ chẩn đoán bị viêm đại tràng co thắt. Bệnh nhân được truyền dịch, xét nghiệm máu và siêu âm để xác định bệnh. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định, tiếp tục được theo dõi điều trị.

Vẫn vẻ mặt bàng hoàng sau lần đầu tiên chứng kiến trận lũ lịch sử, già Gher nói, cả đời ở vùng đất này, đây là lần đầu ông nhìn thấy cảnh tượng này. Thật khủng khiếp. Mưa ầm ào cả buổi tối, đến sáng hôm sau thì lũ. Lũ lên nhanh bất ngờ. Dòng nước xoáy sâu ngập chìm cả làng mạc vùng cao, mà nhiều nhà lâu nay đều ở độ cao khá an toàn. Già Gher kể, khi nước lũ dâng, cả làng Tà Vàng hốt hoảng chạy lên đồi núi phía trước mà không kịp mang theo đồ đạc. “Chạy lấy người, không ai nghĩ đến chuyện gì nữa” - già Gher nói.

Trưởng thôn Tà Vàng - bà Bh’ling Thị AKêu nói, gần 30 năm sinh sống ở làng, chưa lần nào bà con phải đối mặt với hiểm nguy như thế. Lũ lớn bất ngờ, cả trăm người chỉ kịp hỗ trợ nhau vận chuyển đồ đạc cần thiết, cõng người già và trẻ nhỏ chạy. Đến khi mọi người được an toàn, ngoái nhìn về phía làng, nước đã mênh mông. Tội nhất là gia đình Alăng Thắng. Sáng hôm đó cả làng đã dựng xong rạp, chuẩn bị đám cưới cho Thắng. Khách chưa kịp tới, rạp cưới đã bị lũ cuốn phăng.

Chúng tôi trở lại thôn Ahu (xã A Tiêng) - nơi vài ngày trước các chiến sĩ công an phải đu dây trên dòng nước dữ để cứu hàng chục người dân của làng. Ông Abing Trái - người dân thôn Ahu kể, trước khi có lực lượng đến cứu hộ, bà con trong làng phải tự lánh nạn bằng cách trèo lên cây.

“Lũ nhanh và mạnh quá, nhà của mình và nhà đứa em gần đó bị cuốn trôi. Cả 4 con heo, 1 con dê và hơn 80 con vịt cũng bị cuốn mất. May mắn là mọi người đều an toàn. Thế là được rồi!” - ông Trái bộc bạch.

Người dân ở thôn Tà Vàng (A Tiêng) chia sẻ từng lon gạo trong thời điểm mưa lũ kéo dài. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Người dân ở thôn Tà Vàng (A Tiêng) chia sẻ từng lon gạo trong thời điểm mưa lũ kéo dài. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Sáng 20.9, cả làng Ahu cùng nhau tu sửa, dọn dẹp lại nhà sau lũ. Trong câu chuyện của làng, người ta kể rất nhiều về những đợt lũ lớn, nhưng chưa bao giờ bất ngờ và khủng khiếp như lần này. Những cánh rẫy lúa đang vào mùa thu hoạch đã bị sạt lở; dưới ruộng hàng nghìn héc ta bị vùi lấp...

Khắc phục từng bước

Tôi nhìn vào báo cáo của UBND huyện Tây Giang, giật mình bởi con số thống kê sơ bộ. Thiệt hại ban đầu ước hơn 173 tỷ đồng, nhưng có khả năng hơn thế nữa bởi cả 4 xã biên giới cho đến thời điểm hiện tại chưa có con số cụ thể nào được báo cáo. Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin, trước mắt kiến nghị tỉnh hỗ trợ cho địa phương khoản kinh phí 65 tỷ đồng để khắc phục.

Mưa lũ những ngày qua khiến nhiều cây cầu ở Tây Giang bị cuốn trôi. Trong ảnh: Cầu thôn AChiiing (A Tiêng) - Z’rượt (A Nông) bị lũ cuốn phăng (ảnh lớn).
Mưa lũ những ngày qua khiến nhiều cây cầu ở Tây Giang bị cuốn trôi. Trong ảnh: Cầu thôn AChiiing (A Tiêng) - Z’rượt (A Nông) bị lũ cuốn phăng (ảnh lớn).

Ông Linh nói, đây là trận lũ quét lớn nhất trong lịch sử mà địa phương ghi nhận từ trước đến nay, để lại hậu quả rất nặng nề. Dù hàng trăm hộ dân đã được sơ tán, nhưng nhiều nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò, gà vịt và rất nhiều tài sản có giá trị khác của người dân đã bị cuốn trôi, vùi lấp. Và khó nhất là chuyện nước sinh hoạt. Khi nhiều địa phương bị sạt lở nghiêm trọng, đồng nghĩa với hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt cũng bị vùi lấp, hư hại không thể phục hồi ngay được.

“Những ngày qua, chúng tôi chỉ đạo các lực lượng phối hợp giúp người dân khắc phục sự cố. Riêng đối với 4 xã biên giới, do giao thông còn bị chia cắt, phương án trước mắt là đảm bảo lương thực tại chỗ với phương châm sẵn sàng chi viện, không để người dân thiếu lương thực do hậu quả của mưa lũ” - ông Linh cho hay.

Tinh thần người vùng cao đã được phát huy tối đa trong lúc này. Khi đường sá bị ách tắc, những ngày qua người dân địa phương chia sẻ nhau từng lon gạo, góp nhau từng ang lúa, bó rau rừng.

Anh Pơloong Atrạch - người ở thôn Tà Vàng (xã A Tiêng) nói với tôi, dù mưa núi, dù lũ rừng nhưng bà con sẽ luôn đoàn kết để chiến thắng tất cả, đó là truyền thống bao đời của người Cơ Tu. Vì thế, những ngày qua, Atrạch cùng nhóm bạn đã lặn lội đường rừng, băng đoạn đường hiểm trở đến cứu giúp người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chính quyền không để người dân thiếu lương thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO