Cho trẻ vùng cao...

XUÂN HIỀN 01/06/2021 06:14

Trẻ con miền núi hay trẻ khuyết tật, mồ côi vốn chịu thiệt thòi nhiều hơn bạn bè cùng trang lứa ở nơi khác. Ước mơ của các em cũng khác lạ. Nhưng nụ cười tươi rói hồn nhiên, thì trẻ nơi nào cũng thế…

Trẻ vùng cao không chỉ cần cái ăn, cái mặc mà cả những kỹ năng sống khác để nếu có thiên tai xảy ra, các em sẽ biết cách ứng phó. Ảnh: X.H
Trẻ vùng cao không chỉ cần cái ăn, cái mặc mà cả những kỹ năng sống khác để nếu có thiên tai xảy ra, các em sẽ biết cách ứng phó. Ảnh: X.H

Trong những ngày cuối tuần qua, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đã có những chuyến thăm, tặng quà cho trẻ em ở những địa bàn khó khăn, các trung tâm bảo trợ và Làng trẻ Hòa Bình.

“Lớn lên, con đi Nam Giang”

Một sớm ở xã Trà Bui, khi đoàn chúng tôi còn trên đường thì nhiều em bé đã theo mẹ, theo anh, theo bà tìm về nhà văn hóa xã. Trên các nóc, trẻ con bấu víu vào từng ô cửa, gọi vọng ra. Xe qua một đoạn dài, vẫn còn nghe tiếng trẻ khúc khích.

Những phần quà được chuẩn bị công phu từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa và bảo trợ trẻ em tỉnh. Trong một ngày cuối tuần, từ xã Trà Bui (Bắc Trà My) qua xã Trà Leng (Nam Trà My), những người trong đoàn hình như không thấy mệt. Bởi nụ cười trẻ con vùng cao đã xóa đi những nhọc mệt trên đoạn đường về núi.

Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, người đồng hành trong chuyến mang quà cho trẻ vùng cao đợt này, nói trẻ em miền núi chịu nhiều thiệt thòi. Nên dù thế nào đi nữa, phải có quà cho trẻ em ở những địa bàn này để các em biết đến ngày Quốc tế Thiếu nhi.

Trẻ em xã Trà Bui đến nhận quà. Ảnh: X.H
Trẻ em xã Trà Bui đến nhận quà. Ảnh: X.H

Chị Hồ Thị Hà dắt 2 bé nhỏ 6 và 4 tuổi, nói mình ở thôn 7, phải đi hơn 1 tiếng mới đến trung tâm xã. Hôm nghe thôn thông báo con mình được nhận quà, vậy là mẹ Hà tranh thủ dậy sớm làm cơm để đưa các con đến nơi nhận quà. Đứng đợi ngay con dốc phía đầu trụ sở ủy ban xã, cậu bé người Bh’noong Hồ Văn Duy vừa đeo khẩu trang vừa bắt tay làm loa: “Quà đến rồi”.

Đoạn cậu thoăn thoắt theo chân cô giáo vào xếp hàng ngay ngắn trong hội trường để chờ đến lượt. Duy học lớp 6 nhưng người nhỏ chỉ bằng một em bé lớp 2 ở phố. “Ba con mất lúc con học lớp 3. Mẹ con mất lúc con mới sinh. Con với anh ở nhà cô nuôi. Nhà cô con có tới 10 người” – Duy kể. Cậu bé hồ như chẳng còn bận tâm với câu chuyện hoàn cảnh của mình.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường tặng quà cho trẻ em ở Làng trẻ Hòa Bình. Ảnh: X.H
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường tặng quà cho trẻ em ở Làng trẻ Hòa Bình. Ảnh: X.H

“Lớn lên, con muốn đi Nam Giang. Qua đó để học may” - Duy nói. Thấy người nghe ngạc nhiên, Duy nói vì mình có anh trai đang học may ở Nam Giang nên muốn theo anh mình. Cả cô bạn bên cạnh, cũng nhanh nhảu nói theo, con cũng muốn đi Nam Giang nữa...

Cô Ngọc dạy ở điểm trường tiểu học tại nóc Xơ Rơ nói, nhiều bữa đứng trên trường nhìn xuống, thấy học trò mình lăn quay dưới đường đầy bùn sình mà không biết phải làm sao, thương chi lạ. Và ước mơ của các em ở đây, là nhìn theo anh chị mình và muốn mình trở thành y như vậy. Vì các em chẳng biết gì nhiều để hình dung, ngoài lời kể của anh chị đã bước qua các nóc, các ngọn đồi...

“Con bớt buồn hơn rồi”

Khu dân cư Bằng La - xã Trà Leng, nơi tái định của 39 hộ dân gặp thảm họa thiên tai hồi năm 2020. Ở đây, có đến 150 em nhỏ. Và trong số này, có 14 em trở thành trẻ mồ côi sau vụ sạt lở ở làng Ông Đề, làng Tăk Pat.

Hồ Thị Yến Chi - năm nay học lớp 8, trong đợt sạt lở đau thương năm ngoái, em mất đến 4 người thân, trong đó có cả cha mẹ. Bây giờ, 3 anh em Chi về ở tại Bằng La. “Con ở chung với anh chị. Ở đây có nhiều bạn bè, đi học cũng gần” - Chi nói.

Không dám chạm lại nỗi đau của em, chúng tôi tự mình kìm lại rất nhiều thắc mắc. Nhưng khi Chi cất lời, bỗng dưng xóa hết không khí trầm lắng chúng tôi tự mình đeo mang. “Con bớt buồn hơn rồi, bớt nhớ nhà cũ, làng cũ hơn” - Chi nói.

Ở đây, như lời em nói, trẻ con có không gian để chơi, họ hàng quây quần về một chỗ, nên những chuyện cũ, cũng được san sẻ. Trong lớp khẩu trang, chúng tôi cứ hình dung về một nụ cười của Yến Chi, nụ cười của một đứa trẻ đang dần bắt nhịp lại với cuộc sống này.

Trẻ em ở Trà Leng. Ảnh: X.H
Trẻ em ở Trà Leng. Ảnh: X.H

Ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết, xã có hơn 1.100 trẻ em, trong đó đa số có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Đặc biệt có 14 trẻ em trong vụ sạt lở tại làng Ông Đề bị mất người thân, hiện sống cùng bà con, họ hàng.

“Khi dời về khu dân cư Bằng La, các em có chỗ sinh hoạt, vui chơi tốt hơn. Tuy không thể xóa hết nỗi đau buồn nhưng tinh thần các em đã ổn định hơn” - ông Cường nói.

Trước những gian nhà tái định cư của Bằng La, các nhóm thiện nguyện dựng lên một vài chiếc cầu trượt, xích đu. Trẻ con mang xe đạp thi nhau chạy đuổi trên các vuông sân của khu nhà mới. Tiếng cười trong veo xóa tan cái nắng gắt gỏng của buổi trưa vùng cao.

Trong chuyến trao quà cho trẻ em hai xã Trà Bui (Bắc Trà My) và xã Trà Leng (Nam Trà My), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu hai địa phương này cần quan tâm nhiều hơn đến trẻ em ở địa phương. Trẻ vùng cao không chỉ cần cái ăn, cái mặc mà cả những kỹ năng để nếu có thiên tai xảy ra, các em sẽ biết cách ứng phó. Hẳn, đây là điều các địa phương miền núi cần phải xây dựng và triển khai...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cho trẻ vùng cao...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO