Chuyện của Phước...

XUÂN HIỀN 25/08/2023 06:15

Phước mang tin mình đậu đại học về cho cha, ông bà nội. Căn nhà u buồn kề lưng nổng cát trắng, bỗng như có nắng dọi vào...

Nguyễn Ngọc Phước ở cùng cha và ông bà nội. Cha và bà nội em mù hoàn toàn. Hiện thị lực của ông nội em cũng đang suy giảm do tuổi cao. Ảnh: X.H
Nguyễn Ngọc Phước ở cùng cha và ông bà nội. Cha và bà nội em mù hoàn toàn. Hiện thị lực của ông nội em cũng đang suy giảm do tuổi cao. Ảnh: X.H

1. Ông Bảy Bôn cầm tay đứa cháu nội đích tôn, nói như khóc: “Ông trời hình như đang bù đắp cho ông!”. Rồi chưa biết ngày mai Phước sẽ đi học thế nào, nhưng ông Bảy Bôn nói cứ vui đã. Vui như ngày ông biết rằng đứa cháu này may thay không di truyền khiếm thị như cha và cô chú nó.

Bảy Bôn là tên thường gọi của ông Nguyễn Duy Hùng, ai ở xã Tam Tiến  (huyện Núi Thành) cũng quý. Một mình người đàn ông sáng mắt này, ngày cũng như đêm, làm lụng không ngơi nghỉ để đủ sức kéo cả gia đình có đến 5 người mù. Là người dẫn đường theo đúng nghĩa, trong một căn nhà chỉ toàn bóng tối.

Đã gần 40 năm, câu chuyện của ông Bảy Bôn và nghịch cảnh, rầm rì như tiếng vi vu buồn bã của rừng dương quê xứ. Vợ và 4 người con lần lượt rơi vào bóng tối trước cái nghèo khổ của gia đình.

Đêm đen nối nhau vây phủ, để người đàn ông duy nhất sáng mắt cặm cụi lầm than, sàng từng lon gạo, kiếm từng chút mắm đắp đổi từng ngày cho 5 miệng ăn mù lòa.

Giám định không đủ để chứng minh căn bệnh của cả nhà là di chứng chiến tranh. Nên câu chuyện trợ cấp cũng chỉ dừng ở mức hỗ trợ. Vậy là chạy cái ăn đã khó, việc chạy chữa càng là điều không thể với cả gia đình. Cứ thế, vợ con dựa vào ánh sáng duy nhất từ chồng và cha mình.

Nguyễn Ngọc Phước và cha, cùng chiếc xe máy cũ kỹ ông nội cho Phước để đi học. Ảnh: X.H
Nguyễn Ngọc Phước và cha, cùng chiếc xe máy cũ kỹ ông nội cho Phước để đi học. Ảnh: X.H

Ngày tháng trôi, những người con mù lòa rồi cũng trưởng thành từ vất vả không đong đếm được của người cha. Có người học nghề mát xa để làm ở cơ sở Tình thương của người mù tại Tam Kỳ, có người được đưa vào làm tận trong miền Nam. Ông Bảy Bôn nói, từng đứa con lần lượt tự nuôi mình đã là điều kỳ diệu với ông.

2. Nguyễn Ngọc Phước là con của ông Nguyễn Ngọc Lan - người con trai thứ hai của ông Bảy Bôn. Mẹ bỏ đi khi Phước lên 6 tuổi, hai cha con ở cùng ông bà nội. Đứa cháu này ngay từ nhỏ đã ý thức được nghịch cảnh của gia đình. Ông Bảy chắt chiu để mỗi năm đưa Phước đi khám mắt một lần. May thay, em không bị di truyền ảnh hưởng bởi căn bệnh khiếm thị.

Từng ngày, Phước thạo việc nhà như một người lớn, vì em chính là đôi mắt thứ 2 trong “căn nhà tối” này. Một bữa em đi học, một bữa chăn bò thuê. Những ngày nghỉ, em cùng cha đi dọc đường làng, có khi lên đến Tam Kỳ để bán vé số. Chuyện gì cậu bé nhỏ này cũng làm, để giúp ông và giúp mình không dừng việc học.

Căn nhà ngay nổng cát, bây giờ còn 4 người ở, trống hoang hoác. Vì nhà của người mù. Và cũng là nhà của người nghèo khó. Chừng năm 2007, nhiều người biết hoàn cảnh ông Bảy Bôn, giúp sức để người đàn ông này dựng căn nhà nhỏ trên mảnh đất phía sau nhà thờ tộc. Căn nhà vừa đủ để kê bếp và hai chiếc giường, có thêm chiếc bàn học dựa lưng vào gian thờ, và đó là điều hạnh phúc nhất của cậu bé Phước.

Những năm học THCS, Nguyễn Ngọc Phước tự học và nỗ lực để thành tích học tập luôn trong tốp đầu của trường. “Học để có học bổng” - Phước nói. Và còn học thay cho những dang dở vì bệnh tật của người thân gia đình.

Lên THPT, Phước được Đồn Biên phòng Tam Thanh nhận nuôi. Em trở thành “con nuôi biên phòng”, được các chú bộ đội lo từ đồ dùng học tập, sách vở, quần áo, giày dép. Nhờ đó, đường đến trường của cậu bé vùng cát này phần nào bớt gian nan. Phước sáng dạ, lại tự lập, ngoan hiền nên cả Đồn Biên phòng Tam Thanh ai cũng thương.

Mỗi buổi học về, em phụ việc hậu cần từ nấu nướng, trồng trọt..., có khi phụ cùng Chi đoàn Đồn Biên phòng giữ xe gây quỹ. Suốt 3 năm THPT, điểm số của Nguyễn Ngọc Phước chưa bao giờ dưới 8 chấm. Mỗi tháng, em dành dụm số tiền hơn 300 nghìn đồng từ học bổng của trường mang về phụ ông nội chăm cho bà và cha mình.

Những ngày tháng 7, tin Phước trúng tuyển Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng ngành Kỹ thuật cơ điện tử với tổ hợp điểm “Toán 9,33 - Lý 9,37 - Hóa 9,1” không là điều bất ngờ với mọi người xung quanh em. Bởi năng lực và trí tuệ của cậu bé không bị hoàn cảnh đánh gục này đã được minh định từ ngày còn nhỏ.

3. Chúng tôi tìm đến nhà khi Phước vừa chia tay cùng những người đã cưu mang em ở Đồn Biên phòng Tam Thanh. Sách vở học THPT đã đóng thùng giấy chở về. Em đã không còn là “chú bộ đội nhỏ”, “con nuôi” của Bộ đội Biên phòng nữa.

 

Quãng đường từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng cũng không còn chỉ là những lần cùng ông đi khám mắt. Đã đến lúc em phải tự mình bươn chải để nuôi lớn giấc mơ về một cuộc sống tốt hơn cho người thân sau này.

Ông Bảy Bôn giao lại chiếc xe máy duy nhất cho Phước đi học. Em chạy chiếc xe Cup50 đã dong ruổi cùng ông nội hơn chục năm, một mạch tìm đến Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng và đi tìm việc làm thêm trước khi nhập học. Chỗ trọ cũng đã được những người lạ tốt bụng giúp miễn phí. Nhưng, nặng trĩu nhất vẫn là học phí suốt 5 năm đại học.

“Trước khi nộp hồ sơ xét tuyển, em đã lưỡng lự giữa Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Học sư phạm sẽ không tốn tiền. Nhưng đi Hà Nội xa quá lấy ai chăm cho ông bà và cha. Em chọn Đà Nẵng để dễ chạy về nhà. Chọn ngành Kỹ thuật cơ điện tử cũng là để sau này dễ có việc làm hơn” - Phước nói.

Mừng rồi lo, đan xen những tiếng thở dài trong cái trầm đục sương giăng của người cha, người bà mù lòa. Ông Bảy Bôn nói, cả đời làm lụng của mình chỉ có chiếc xe máy để dành cho cháu. Nhưng tôi tin, Phước chắn chắn không thể bỏ dở ước mơ dựng từ giảng đường, bởi hình như mọi khốn khó và khổ sở nhất, em đã từng trải.

Có những vệt nắng xiên ngang, dọi sâu vào nhà. Tôi hình dung nó như chính những nỗi lo đang hằn trong lòng chàng trai tuổi 18. Lo cho ông bà đã già yếu. Lo cho người cha mù lòa khó khăn. Lo không đủ tiền nộp nhập học...

Bước chân tới giảng đường, với Phước, còn quá nhiều chông chênh...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện của Phước...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO