Chuyện Mai Khương nỗ lực theo đuổi giấc mơ đại học

HỒ QUÂN 20/07/2021 16:08

(QNO) – Hoàn cảnh gia đình éo le, em Trần Thị Mai Khương (ở thôn Bình Trúc, xã Bình Sa, Thăng Bình – sinh viên năm 2 trường Đại học Du lịch – Đại học Huế) phải vừa học vừa làm, tiết kiệm từng khoản chi phí nhỏ nhất để trang trải học phí, tiền sinh hoạt hằng ngày. Nhưng với quyết tâm theo đuổi giấc mơ đại học đến cùng, Khương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập và đạt thành tích sinh viên giỏi trong 2 năm học vừa qua.

Dù có hoàn cảnh khó khăn nhưng những học kì qua, Khương luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ảnh: H.Q
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng những học kì qua, Khương luôn đạt danh hiệu sinh viên giỏi. Ảnh: H.Q

Mất ba khi mới vừa 1 tuổi, Khương lớn lên trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của mẹ. Khi Khương học lớp 3, mẹ tái hôn. Cũng từ đây, gia đình bên nội không thể cưu mang em, cô bé phải dọn về sống với ông bà ngoại đã lớn tuổi. Dù cuộc sống gia đình ngoại khó khăn, thiếu sự thương yêu, chăm sóc của mẹ nhưng em luôn chăm chỉ học hành và đạt danh hiệu học sinh khá giỏi trong 12 năm liên tiếp.

“Học xong lớp 12, em cũng định nghỉ học để tìm một công việc làm phù hợp, phụ giúp cho ông bà ngoại, chứ em không đủ điều kiện học đại học. Nhưng được gia đình động viên, em đắn đo rất nhiều và quyết định nộp hồ sơ vào ngành quản trị nhà hàng - Trường Đại học Du lịch – Đại học Huế. Lí do là qua chọn lọc của em, trường này học phí rẻ, mức sống ở Huế cũng không cao và ngành học cũng phù hợp với bản thân” – Khương nói.

Khương tận dụng những người về quê phụ giúp việc nhà với ông bà ngoại. Ảnh: H.Q
Khương tận dụng những ngày hè về quê phụ giúp việc nhà với ông bà ngoại. Ảnh: H.Q

Khương kể lại, tháng 8.2019, em khăn gói ra Huế với hành trang là sự quyết tâm phải hoàn thành 4 năm đại học. Sau khi thuê một căn trọ nhỏ, ở ghép với một bạn chung trường, Khương nghĩ ngay đến chuyện làm thêm. Em chạy vòng khắp các quán xá có nhu cầu tuyển dụng nhân viên làm việc từ 16h chiều đến 23 giờ đêm trong khu vực TP.Huế để xin việc. Và may mắn, một cơ sở kinh doanh ăn uống cách chỗ trọ khoảng 3km nhận em vào làm phục vụ.

“Buổi sáng em đi học, chiều ôn bài còn buổi tối đi làm nên không ảnh hưởng việc học. Vừa học, vừa làm vất vả nhưng nghĩ tới việc ông bà ngoại ở quê đã lớn tuổi không làm ra tiền, còn mẹ cũng có gia đình riêng nên em luôn tự động viên bản thân phải tự vượt qua mọi khó khăn. Mỗi tháng em làm thêm được 2 triệu, trừ tiền trọ, ăn uống, sinh hoạt khoảng 1 triệu thì tiết kiệm được khoảng 1 triệu để đóng học phí cuối kì học” – Khương chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Nồng - ngoại em Mai Khương cho biết, cả hai vợ chồng đã ngoài 70, gia đình cũng dựa vào gần 6 sào đất cằn cỗi mùa được mùa mất. Để có thêm chi phí cho cháu ăn học, họ phải cày cuốc sớm hôm; tới mùa vụ thì xin gặt lúa, hái đậu thuê.

Tuổi đã cao, trong người mang nhiều chứng bệnh nhưng bà Nồng vẫn cố gắng làm lụng sớm tôi để có thêm chi phí cho cháu ăn học. Ảnh: H.Q
Tuổi đã cao, trong người mang nhiều chứng bệnh nhưng bà Nồng vẫn cố gắng làm lụng sớm tối để có thêm chi phí cho cháu ăn học. Ảnh: H.Q

“Vợ chồng tôi tuổi cao lại mang nhiều bệnh tật trong người nhưng làm được đồng nào là dành dụm, phòng khi cháu cần tiền đóng học phí. Mỗi lần con bé về quê, chúng tôi chuẩn bị gạo, khoai, mắm, muối có sẵn trong nhà để  nó mang ra Huế ăn uống cho giảm bớt chi phí. Chúng tôi biết con bé vừa học vừa làm, chi tiêu tiết kiệm, đời sống sinh viên xa nhà thiếu thốn nên luôn động viên nó cố gắng học, ra trường tìm công việc ổn định. Mỗi lần nghe cháu báo tin đạt danh hiệu sinh viên giỏi thì chúng tôi rất mừng” – bà Nồng nói.

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên những ngày này trường của Khương phải tổ chức ôn tập và thi trực tuyến. Không có đủ điều kiện mua máy tính xách tay nên em phải cắm cúi vào chiếc điện thoại nhỏ để học và tìm kiếm tài liệu.

Khương thổ lộ, em may mắn có điện thoại học đã tốt rồi. Hai năm qua, những thời điểm làm bài tập hay thi trực tuyến bắt buộc phải dùng máy tính thì em mượn bạn cùng phòng trọ ở Huế hoặc mượn các anh chị trong xóm (nếu ở quê). Tuy bất tiện, việc học nhiều lần bị ảnh hưởng nhưng em chưa giờ nản lòng và đầu hàng trước nghịch cảnh. Và bằng chứng là 2 năm học vừa qua, em đạt danh hiệu sinh viên giỏi của trường.

Điều Khương đang lo lắng nhất là chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, em sẽ vào năm thứ 3 đại học - một năm học mà em dự đoán có lịch học dày và học phí sẽ cao hơn. Ngay lúc này, Khương đã vạch sẵn trong đầu những dự định mà mình sẽ thực hiện để vừa học, vừa làm một cách hiệu quả nhất. Với em, ước mong đơn giản chỉ là mỗi học kì có đủ tiền đóng học phí để giảm bớt những vất vả của ông bà ngoại.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện Mai Khương nỗ lực theo đuổi giấc mơ đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO