Chuyện quá đau lòng của ông Kim

HỒ QUÂN 01/10/2021 16:35

(QNO) - Không lâu sau khi từ TP.Hồ Chí Minh trở về quê chịu tang cha, ông Nguyễn Văn Kim (49 tuổi, xã Bình Minh, Thăng Bình) nghe hung tin người vợ của mình ở TP.HCM qua đời vì nhiễm SARS-CoV-2, gia đình chỉ còn 2 đứa con lẻ loi, ngơ ngác trong một căn trọ nhỏ. Vào Nam thì không được, ở nhà ông lại phải giấu chuyện đau lòng với người mẹ già luống tuổi, ông Kim kìm nén mọi nỗi đau để trở thành chỗ dựa cho mẹ già và các con nhỏ từng ngày…

Ông Kim nén đau buồn, giữ tinh thần lạc quan nhất để trở thành chỗ dựa tinh thần cho các con. Ảnh: H.Q
Ông Kim nén đau buồn, giữ tinh thần lạc quan nhất để trở thành chỗ dựa tinh thần cho các con. Ảnh: H.Q

Ông Kim gặp chúng tôi ở một cà phê cách nhà ông vài chục mét. Ông đề phòng bởi nếu để mẹ ông hay biết câu chuyện đau lòng của ông sẽ không chịu nổi cú sốc quá lớn. Nhìn vẻ điềm tĩnh, cách trò chuyện thân thiện, chúng tôi khó lòng biết rằng trong lòng ông Kim đang chất chứa bao nỗi niềm thương đau... Và rồi, lần hồi cuộc trò chuyện trở nên thân tình hơn, ông Kim dần mở lòng...

Nỗi đau không tả xiết

Ông Kim quê ở xã Bình Minh, nhưng vào TP.Hồ Chí Minh sinh sống từ năm 1997, sau đó lập gia đình và có 2 người con (1 trai, 1 gái). Hai vợ chồng sống bằng nghề nhập rau củ quả từ Quảng Ngãi vào TP.Hồ Chí Minh bán, thu nhập đủ để trả tiền nhà trọ, ăn uống và lo cho con cái ăn, học.

Ngày 20.6.2021, khi hay tin cha ở quê bệnh nặng, có thể không qua khỏi nên ông Kim lên tàu về quê. Tuy thời điểm này khu vực ông Kim ở (49/11 Bùi Thế Mỹ, phường 10, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) chưa xuất hiện ca nhiễm Covid-19, nhưng khi về đến Quảng Nam ông phải cách ly 21 ngày (theo chủ trương UBND tỉnh Quảng Nam về việc cách ly đối với người về từ vùng dịch). Khi cách ly được 19 ngày thì cha ông Kim mất!

“Tôi hoàn thành cách ly, về nhà chịu tang cha thì cũng là thời điểm dịch bệnh tại TP.Hồ Chí Minh bùng phát mạnh. Riêng khu vực gia đình tôi sinh sống trong ấy có nhiều ca nhiễm Covid-19. Trong lòng vừa đau buồn, bối rối chuyện tang gia, vừa lo cho vợ và 2 con ở TP.Hồ Chí Minh. Tôi điện thoại, liên tục dặn dò mọi người tìm cách bảo vệ sức khỏe…” – ông Kim tâm sự.

Và rồi bóng ma Covid-19 hiện diện ngay trong nhà ông. Vợ ông trở thành F1 của một ca dương tính, bắt đầu có dấu hiệu khó thở, mệt mỏi. Con gái ông đưa vợ vào bệnh viện xét nghiệm và được khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. Chỉ 5 ngày sau đó, vợ ông Kim mất… Đứa con gái là em Nguyễn Lan Anh, đi theo chăm sóc cho mẹ thuộc trường hợp F1 phải đi cách ly tập trung.

Mọi chuyện xảy đến quá bất ngờ, chóng vánh khiến ông Kim và các con vô cùng bàng hoàng. Trong căn trọ nhỏ ở TP.Hồ Chí Minh, em Nguyễn Ngọc Sang (con trai ông Kim) năm nay 14 tuổi phải tự lập bàn thờ mẹ, không có cha bên cạnh, một nỗi đau không tả xiết. Ở quê nhà, ông Kim cố kìm nén đau thương, gọi điện bày cho cậu con trai cách đặt di ảnh, hủ cốt, nồi hương của mẹ… Buổi nào, cán bộ khu phố mua giúp được hoa, quả thì đặt lên bàn thờ; hoặc nấu được món gì thì em Sang dâng lên cúng cho mẹ món đó….

Mong sớm đoàn tụ

Kết thúc thời gian cách ly, em Lan Anh về nhà, cùng em trai Ngọc Sang lo hương khói hằng ngày cho mẹ. Người mẹ, chỗ dựa vững nhất lúc này không còn nữa, hai chị em phải tự chăm lo cho nhau trong những ngày ông Nguyễn Văn Kim mắc kẹt ở Quảng Nam.

Ông Kim luôn điện thoại, tìm cách động viên các con trong những ngày ông còn ở quê. Ảnh: H.Q
Ông Kim luôn điện thoại, tìm cách động viên các con trong những ngày ông còn ở quê. Ảnh: H.Q.

Lan Anh chia sẻ, mỗi ngày ở khu phố, được cán bộ địa phương hay nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm gì thì nấu để cúng mẹ, rồi ăn. Hai chị em vừa bước vào năm học mới, thời gian học bắt đầu nhiều hơn và nỗi nhớ mẹ càng nhiều hơn…

“Ngày trước còn mẹ, mẹ mua cho từng tập vở, cuốn sách, chăm chút từng bữa ăn., giấc ngủ. Nay hai chị em phải tự lập hoàn toàn vì mẹ không còn, và ba cũng ở xa. Chiếc điện thoại mẹ để lại, hai chị em chia nhau học online. Sang học buổi sáng, còn em học buổi chiều. Chị em nương náu cùng nhau trong cảnh mồ côi… Ba Kim tuy không ở bên nhưng hằng ngày gọi điện, nhắn tin động viên, là chỗ dựa tinh thần cho hai chị em lúc này” – em Lan Anh tâm sự.

Mất vợ, xa con, ở nhà lại lo cho mẹ đã luống tuổi, ông Kim đau buồn, tiều tụy đi trông thấy… Bản thân ông cũng không còn tâm trí để làm được bất cứ công việc gì ra hồn. Hằng ngày, ngoài việc cùng anh chị em trong gia đình lo cho mẹ già, ông dành hết thời gian để gọi điện nhắc nhở, lo lắng, chăm sóc các con từ xa.

Các con chăm ngoan, học giỏi là niềm động lực giúp ông Kim vượt qua nỗi đau. Ảnh: L.A
Các con chăm ngoan, học giỏi là niềm động lực giúp ông Kim vượt qua nỗi đau. Ảnh: L.A

“Dù có đau buồn bao nhiêu tôi cũng phải cố gắng lạc quan nhất. Mẹ của tôi đợt trước hay tin vợ tôi phải đi cách ly đã lo lắng bỏ ăn bỏ uống, nên giờ nếu biết thêm con dâu của bà không còn trên cõi đời, chắc không chịu nỗi cú sốc. Riêng với hai đứa con, không có tôi bên cạnh những lúc này là sự hụt hẫng, thiếu thốn quá lớn... Tôi mừng là các con đã biết tự lo cho bản thân, vượt qua những nỗi đau mất mẹ, lo học hành chăm chỉ” – ông Kim nói.

Ông Kim chỉ mong dịch bệnh sớm được khống chế, được tiêm vắc xin và TP.Hồ Chí Minh có chủ trương cho phép đón người ngoại tỉnh vào, ông sẽ vào TP.Hồ Chí Minh tiếp tục nuôi nâng hai con. Ông Kim chia sẻ, hai con đều sinh ra và lớn lên ở TP.Hồ Chí Minh, đã quen với cách sống, môi trường ở đó. Ông không muốn đưa các con về quê hương vì không muốn có thêm bất cứ sự thay đổi nào làm xáo trộn đời sống các con ông.

Cuộc nói chuyện hôm ấy trôi đi trong trĩu nặng tâm tư. Đôi mắt ông Kim đỏ hoe, nhưng khi thấy điện thoại của hai con, ông Kim nhanh chóng tìm cách trở lại trạng thái bình thường nhất có thể, nén chặt nỗi buồn để nói chuyện với các con. Nhìn hai đứa con khỏe mạnh, chăm học… người đàn ông này như được tiếp thêm niềm hy vọng về ngày mai.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện quá đau lòng của ông Kim
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO