Con đê... chung tình!

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 11/11/2022 07:45

Chúng tôi vừa có dịp trở lại khu vực hói giữa (khối phố Hương Trà Đông, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ), sải bước trên bờ kè thuộc dự án đê bao sông Bàn Thạch, phóng mắt về phía bờ sông lồ lộ vẻ đẹp của làng quê ẩn mình trong lòng thành phố. Nơi đây gợi nhớ về con đê ngăn mặn được hình thành từ thập niên 50 của thế kỷ trước.

Cống ngăn triều thuộc đê ngăn mặn qua phường Hòa Hương.
Cống ngăn triều thuộc đê ngăn mặn qua phường Hòa Hương.

Trên nền đất cũ...

Cùng với việc cải cách ruộng đất hay còn gọi là cải cách điền địa, từ năm 1955 - 1960, chính quyền Sài Gòn đã tiến hành xây dựng hệ thống đê ngăn mặn, đập thủy lợi để lấy nước tưới cho các loại cây trồng trên địa bàn một số vùng quê ở miền Nam, trong đó có phường Hòa Hương.

Ông Huỳnh Ngọc Thọ (trú khối Hương Trà Đông, phường Hòa Hương) cho biết, năm 1957 cha ông cùng với hàng chục trai tráng trong làng tham gia đắp đê ngăn mặn. Người dân chủ yếu lấy cây dương liễu (phi lao) để đóng cọc, hai bên đê lót mành tre tạo thành bờ kè, gánh đất đổ lên bề ngang rộng 2m, cao hơn 1m so với mặt nước tự nhiên, vừa làm đê ngăn mặn, vừa làm lối đi.

Năm 1972, thực hiện chương trình khuếch trương, chính quyền Sài Gòn huy động hàng trăm ngày công để nâng cấp đê ngăn mặn trên nền đất cũ. Công việc tuy vất vả nhưng đây là nhu cầu thiết yếu phục vụ sản xuất nên ai nấy tích cực tham gia.

Chỉ trong thời gian ngắn đê ngăn mặn đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, mặt đê hẹp, kết cấu thô sơ, không chỉ làm cho việc ngăn triều, xả lũ kém hiệu quả mà còn gây trở ngại trong việc đi lại của nhân dân.

Để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân tham gia đắp đập bổi ngăn sông Tam Kỳ đưa nước ngọt về tưới cho những cánh đồng trên địa bàn, đồng thời tu bổ đê ngăn mặn. Nhưng lượng mưa hàng năm quá lớn, nước lũ tràn về, đập bổi vỡ trôi, đê bị xói lở, nước mặn xâm thực gây khó khăn cho việc sản xuất, ảnh hưởng đến cuộc sống dân sinh.

Trước tình hình đó, năm 1994, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đầu tư xây dựng đê ngăn mặn dài 2,7km từ Bãi Sơn – Cồn Hến. Xác định đây là công trình quan trọng, tác động tích cực đến sự phát triển của địa phương, người dân không chỉ tham gia tích cực trên công trường mà hàng ngày còn lo nước uống, thức ăn và sẵn sàng cung cấp các vật dụng sẵn có, góp phần xây dựng công trình hoàn thành.

Đê ngăn mặn Hương Trà thuộc đê bao sông Bàn Thạch được xây dựng mới, kiến cố. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC
Đê ngăn mặn Hương Trà thuộc đê bao sông Bàn Thạch được xây dựng mới, kiến cố. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Năm 2014 đê ngăn mặn Hương Trà được đầu tư xây dựng tại vị trí cũ trên cơ sở đê bao sông Bàn Thạch thuộc Tiểu dự án phát triển TP.Tam Kỳ. Công trình có tổng chiều dài 9,7km, mặt đê rộng 4,5m, kết cấu bê tông xi măng dày 20cm. Riêng đoạn đê đi qua địa bàn phường Hòa Hương dài gần 2,2km được thiết kế 9 cống thoát nước và 2 cống ngăn triều. Công trình rất vững chãi, tạo hiệu quả đáng kể.

Đổi thay một vùng quê

Toàn phường Hòa Hương hiện có gần 170ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 150ha đất trồng lúa. Diện tích đất sản xuất tuy ít nhưng tổng sản lượng lương thực hàng năm đạt hơn 900 tấn.

Ông Lê Minh Đức – nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hương cho biết, những năm chưa có đê ngăn mặn, nông dân chỉ sản xuất được 1 vụ đông xuân, thời gian còn lại trong năm bỏ ruộng đồng hoang hóa, cỏ mọc um tùm.

Sau khi có đê ngăn mặn nâng lên 3 vụ/năm nhưng năng suất thấp, năm nào cao lắm cũng chỉ đạt 20 - 25 tạ/ha/vụ (tương đương 60 - 75 tạ/ha/năm). Thực hiện chủ trương của Nhà nước, từ năm 2001 đến nay nông dân sản xuất 2 vụ/năm, năng suất đạt bình quân 65 tạ/ha (đông xuân), 50 tạ/ha (hè thu), tương đương 115 tạ/ha/năm.

Để có được kết quả đó, trong những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền đã chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh và sản xuất hàng hóa. Đồng thời không ngừng ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ để tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Tập trung đầu tư kiên cố hóa kênh mương, giao thông nội đồng; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho cây trồng. Khoanh vùng sản xuất lúa chất lượng cao, chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa không hiệu quả sang sản xuất rau, màu... Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm đạt hơn 86 triệu đồng/ha/năm, chiếm tỷ trọng 2% trong cơ cấu kinh tế.

Đặc biệt, từ khi đê ngăn mặn được xây dựng kiên cố, cùng với đó, nguồn nước tưới Phú Ninh đảm bảo, một số hộ đã cải tạo vườn tạp, đầu tư trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Bà Trần Thị Nhạc (tổ đoàn kết 1B, khối phố Hương Trà Tây) cho biết, vườn nhà bà có diện tích hơn 5.500m2, trong đó đất nà thổ rộng hơn 3.000m2. Thời gian qua, bà đã đầu tư trồng các loại hoa, rau màu, cây ăn quả, thu nhập bình quân 90 triệu đồng/năm.

Năm 2019 gia đình được UBND thành phố hỗ trợ 70 cây bưởi da xanh và hơn 11 triệu đồng để cải tạo vườn tạp. Ngoài ra, bà Nhạc cũng trồng hoa cây cảnh, các loại rau màu và trồng mới 30 cây dừa xiêm. Hiện nay trong vườn quanh năm “trăm hoa đua nở” và các loại rau màu luôn tốt tươi, được đánh giá là một trong những mô hình hiệu quả.

Đã qua rồi cái thời gian khó. Con đê không còn “lở bồi dâu bể” mà đã được kiên cố hóa, đánh dấu bước phát triển của một vùng quê...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Con đê... chung tình!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO