Cùng thắp ngọn lửa yêu thương mùa Vu lan

TÂM ĐAN 12/08/2022 16:44

Ngoài báo đáp ơn sinh thành, mùa Vu lan báo hiếu cũng là lúc để khơi dậy và phát huy lòng từ bi, bác ái và tinh thần hướng thiện trong mỗi con người.  

Qua nguồn kinh phí phát tâm ủng hộ của Phật tử, chùa Linh Bửu (TP.Tam Kỳ) đã trao 215 suất quà cho người mù huyện Núi Thành trong dịp lễ Vu lan. Ảnh: P.G
Qua nguồn kinh phí phát tâm ủng hộ của Phật tử, chùa Linh Bửu (TP.Tam Kỳ) đã trao 215 suất quà cho người mù huyện Núi Thành trong dịp lễ Vu lan. Ảnh: P.G

Hướng thiện, sẻ chia

Thông bạch đại lễ Vu lan báo hiếu năm 2022 của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam cho biết, với truyền thống văn hóa hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, ngày lễ Vu lan của đạo Phật đã hòa quyện với triết lý, tục thờ cúng ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hình thành lễ hội Vu lan báo hiếu.

Theo ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, những giá trị đạo hiếu nói riêng và đạo đức truyền thống nói chung của xã hội chúng ta đã và đang chịu sự tác động khá nhiều từ nền kinh tế thị trường, thời cuộc hội nhập mở cửa, của sự phát triển công nghệ thông tin, mạng xã hội...

Để mọi gia đình có sự an vui, hạnh phúc, xã hội yên bình phát triển thì công tác giáo dục về đạo đức nói chung và đạo hiếu nói riêng phải được quan tâm, thường xuyên nhắc nhở. Ở gia đình, các bậc cha mẹ phải hết sức nêu gương, sống có tình cảm, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Với nhà trường, quý thầy cô phải là hình mẫu, tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức, phải hết sức thương yêu và dạy dỗ học sinh như con cái của mình. Với xã hội cần tiếp tục phát huy vai trò của đoàn thể để tăng cường công tác giáo dục, đoàn kết hội viên, đoàn viên. Đặc biệt, với GHPG Việt Nam cần phát huy truyền thống, hướng dẫn đồng bào Phật giáo giữ gìn giá trị của đạo hiếu nói riêng và đạo đức trong xã hội nói chung.

Mùa Vu lan báo hiếu đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đây là thời gian để mỗi người thực hành và khắc sâu hạnh nguyện báo hiếu, hiếu hạnh với cha mẹ, ông bà, tổ tiên và những người thân yêu, đồng thời là thời gian tưởng nhớ, tri ân các anh hùng dân tộc, anh linh liệt sĩ.

Tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, bên cạnh chương trình lễ, Vu lan là dịp để các chức sắc, phật tử khơi dậy lòng từ bi, cứu khổ cứu nạn, giúp đỡ người khó khăn.

Đại đức Thích Viên Phước - trụ trì chùa Bửu Đức (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho biết, đại dịch Covid-19 còn phức tạp, ảnh hưởng của đại dịch còn kéo dài tác động không nhỏ đến đời sống của người dân. Do đó, trong dịp Vu lan, nhiều chùa tiết giảm phần lễ hội, mà hướng đến các hoạt động thiết thực, phát huy lòng từ bi chia sẻ với cuộc sống khó khăn của người dân.

Từ cuối tháng 7 dương lịch, Đại đức Thích Viên Phước đã kêu gọi tấm lòng vàng của quý phật tử, nhà hảo tâm, bằng tinh thần nhường cơm sẻ áo chung tay góp sức cho chương trình quà từ thiện Vu lan báo hiếu.

Theo đó, dự kiến vào ngày Rằm tháng Bảy (12.8 dương lịch), chùa Bửu Đức tổ chức trao 150 suất quà, mỗi suất trị giá 350 nghìn đồng gồm gạo, mì, dầu ăn, trứng gà... cho người già neo đơn, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt và tặng 85 suất khuyến học học sinh, sinh viên trị giá 300 nghìn đồng/suất.

Đại đức Thích Viên Phước cho rằng, ngày nay công tác từ thiện không còn của riêng ai mà cần nhận thức đó là việc chung của mọi người, của toàn xã hội. Theo triết lý “Duyên khởi” đức Phật dạy, không ai có thể sống một mình, con người cần phải nương tựa lẫn nhau để tồn tại và phát triển. Khi mỗi cá nhân phát tâm giúp đỡ người khác tức là đang giúp chính mình hoàn thiện. Vì thế hãy cùng thắp lên ngọn lửa yêu thương.

Nhân mùa Vu lan báo hiếu, qua nguồn kinh phí phát tâm ủng hộ của phật tử, chùa Linh Bửu (TP.Tam Kỳ) đã đến thăm và trao 215 phần quà tặng hội viên Hội Người mù huyện Núi Thành với tổng trị giá hơn 80 triệu đồng.

Đại đức Thích Viên Hải - Trưởng ban Truyền thông Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh, trụ trì chùa Linh Bửu chia sẻ, trong hoàn cảnh nào cũng luôn phát tâm hướng đến người có hoàn cảnh khó khăn, đó là tinh thần của người con phật. Những món quà mùa Vu lan sẽ mang đến niềm vui cho những người kém may mắn…

Nghĩ về đạo hiếu

Vu lan là ngày lễ lớn trong đạo Phật. Hòa thượng Thích Thiện Thành - Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh cho biết, lễ Vu lan trong truyền thống Phật giáo từ lâu đã trở thành lễ hội lớn, không còn thuần túy mang ý nghĩa tôn giáo, mà đã trở thành lễ hội văn hóa, thấm đẫm tình người, phù hợp với truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

 
Những món quà chia sẻ cho những người khiếm thị mùa Vu lan càng thắp lên ngọn lửa yêu thương

Vu lan là nhịp cầu yêu thương được kết nối từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Trong văn hóa dân tộc Việt Nam, ý nghĩa hiếu đạo được xem là di sản quý báu, một giá trị sống tốt đẹp được mọi người trân quý và giữ gìn. Khi Phật giáo xuất hiện ở Việt Nam thì đạo hiếu dân tộc và đạo đức Phật giáo hòa quyện vào nhau. Làm người ai cũng mang ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, mang ơn những người có công với cộng đồng, quê hương đất nước.

Bàn về đạo hiếu trong xã hội ngày nay, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại khi nét văn hóa tốt đẹp này khó gìn giữ. Hòa thượng Thích Đồng Nguyện - Phó Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh cho biết, nhiều người nghĩ rằng tháng Bảy âm lịch là “tháng cô hồn”, như vậy vô tình đã đánh mất giá trị nhân văn của lễ Vu lan. Vu lan là tri ân và báo ân dựa trên hành động cụ thể, với cha mẹ hiện tiền cũng như cha mẹ quá vãng, đặc biệt  là cha mẹ hiện tiền.

Nhiều người quá chú tâm vào chuyện cúng bái mà lại quên đi trách nhiệm với cha mẹ hiện tiền, để cha mẹ vất vả thì cũng không phải thực hành lễ Vu lan đúng nghĩa. Khi việc cúng mà sử dụng vàng mã để đốt lại càng không phù hợp. Hãy cúng dâng người quá vãng bằng những công đức lành. Người sống cần tích cực làm việc thiện, giúp đỡ mọi người, đó mới là hồi hướng cầu nguyện cho những người đã mất.

Chị Trương Thị Quỳnh Nhi, ở khối phố Mỹ Thạch Bắc, phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng mình cứ sống tốt, đôi khi chấp nhận chịu thiệt về mình một chút, không ngừng học hỏi để trưởng thành hơn trong sự nghiệp và suy nghĩ… làm cho ba mẹ an lòng, đó đã là hiếu đạo. Mỗi ngày nỗ lực tốt hơn ngày hôm qua của chính mình đã là tu thân. Vậy nên, đừng quá nặng nề về chữ “tu” hay tháng 7 phải báo hiếu. Chúng ta cứ mỗi ngày nỗ lực, cứ tử tế với nhau, cứ trau dồi bản thân và yêu thương gia đình bằng sự chân thành…”.

Báo hiếu không chỉ một đời này mà nhiều đời sau. Mỗi người trẻ, nếu hiểu được đạo hiếu thì hãy thường xuyên chia sẻ với cộng đồng, khơi lên tâm từ bi, lòng vị tha với mọi người. Khi bản thân mình sống tốt sẽ khiến cha mẹ an lòng, đó cũng là một cách báo hiếu thiết thực...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cùng thắp ngọn lửa yêu thương mùa Vu lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO