Đẩy lùi nạn tảo hôn ở miền núi

ALĂNG NGƯỚC 15/10/2021 06:40

Sau 5 năm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015 - 2020” (gọi tắt là đề án), miền núi đã giảm hơn 700 trường hợp tảo hôn so với giai đoạn 2010 - 2015. 

Phát huy hiệu quả bước đầu, các huyện miền núi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng đến mục tiêu đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) vào cuối năm 2025.

Phụ nữ Giẻ Triêng ở xã Phước Chánh (Phước Sơn) tìm hiểu kiến thức về chăm sóc sức khỏe, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Phụ nữ Giẻ Triêng ở xã Phước Chánh (Phước Sơn) tìm hiểu kiến thức về chăm sóc sức khỏe, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Xu hướng giảm dần   

Là vùng đất định cư lâu đời của đồng bào Giẻ Triêng, xã Phước Chánh (Phước Sơn) sau thời gian triển khai đề án giai đoạn 2015 - 2020 đã dần đẩy lùi được nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ra khỏi cuộc sống cộng đồng.

Đây được xem là tín hiệu lạc quan, không chỉ ngăn chặn được hủ tục lạc hậu tồn tại suốt nhiều năm, mà còn góp sức tích cực cho công tác giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng đời sống người dân miền núi.

Ông Hồ Văn Huy - Chủ tịch UBND xã Phước Chánh cho biết, trước đây, do nhận thức người dân còn hạn chế, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra ở hầu hết các thôn, bản.

Theo thống kê, giai đoạn 2010 - 2015, Phước Chánh là một trong số xã có tỷ lệ tảo hôn cao với 59 trường hợp. Nhưng, vài năm trở lại đây, bằng rất nhiều biện pháp quyết liệt trong công tác tuyên truyên, vận động, đặc biệt kể từ khi đề án giai đoạn 2015 - 2020 được triển khai, nạn tảo hôn dần được ngăn chặn kịp thời.

“Qua rà soát, trên địa bàn xã chỉ còn 2 trường hợp tảo hôn vào cuối năm ngoái. Đa số các em sau khi học hết 12, nếu không đủ điều kiện học lên nữa thì xuống phố học nghề, đi làm công nhân hoặc tham gia phát triển sản xuất tại địa phương, từng bước nâng cao chất lượng đời sống” - ông Huy chia sẻ.

Giai đoạn 2015 - 2020, ở một số địa phương miền núi Đông Giang, Tây Giang, Bắc Trà My… xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong công tác ngăn ngừa, xóa bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng.

Như ở huyện Tây Giang, cụ thể hóa các nội dung xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đưa tiêu chí “Nói không với tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống” vào hương ước các dòng họ, quy ước thôn, khu dân cư; đồng thời thành lập các câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3”, “Không tảo hôn”, “Gia đình hạnh phúc”…

Nhờ đó, Tây Giang ngăn ngừa được tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng, từng bước giảm nguy cơ vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Đồng bộ các giải pháp

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2010 - 2015, tại các huyện miền núi có 1.534 trường hợp tảo hôn, cùng 101 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Sau những nỗ lực của chính quyền các địa phương, sự giúp sức, vào cuộc một cách quyết liệt và đồng bộ từ các cơ quan, đơn vị của tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020, số liệu tảo hôn chỉ còn 830 trường hợp (giảm 704 trường hợp) và hôn nhân cận huyết thống còn 31 trường hợp (giảm 70 trường hợp) so với giai đoạn 2010 - 2015.

Ông Alăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho hay, số liệu hàng năm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã phản ánh toàn diện kết quả công tác thực hiện các nội dung của đề án thời gian qua.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; chăm sóc sức khỏe vị thành niên; Luật Hôn nhân và gia đình…, đã giúp người dân nhận biết sâu hơn về hậu quả và tác động do hủ tục để lại trong cuộc sống cộng đồng.

“Hàng năm chúng tôi đến tận thôn, xã tổ chức các buổi truyền thông, hỗ trợ kiến thức về pháp luật; xây dựng các mô hình điểm về chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các thôn bản; phối hợp tổ chức các hội thi tìm hiểu Luật Hôn nhân và gia đình, bài trừ nạn tảo hôn trong học sinh; biên soạn tờ gấp, tờ rơi giúp người dân tiếp cận một cách đa chiều. Nhờ đó, tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm dần theo từng năm” - ông Mai nói.

Mới đây, nhằm nâng cao ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực ở vùng DTTS, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện đề án giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn II), với tổng nhu cầu kinh phí dự kiến hơn 11,6 tỷ đồng.

Để đề án tiếp tục phát huy hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu, trong quá trình triển khai các nội dung, nhiệm vụ của đề án phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình phù hợp với tình hình thực tế.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình; đề cao trách nhiệm và phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, trưởng tộc trong đồng bào DTTS tham gia công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong hôn nhân ở vùng DTTS...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đẩy lùi nạn tảo hôn ở miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO