Dự báo đúng, ứng phó nhanh với thiên tai

THÀNH CÔNG 29/04/2022 05:16

Yêu cầu trên được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đưa ra tại cuộc họp mới đây, liên quan đến công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022.

Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh từ năm 2010 đến nay ước tính gần 24.000 tỷ đồng. Trong ảnh: Mưa lớn gây sạt lở tại Phước Sơn vào năm 2010. Ảnh: T.C
Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh từ năm 2010 đến nay ước tính gần 24.000 tỷ đồng. Trong ảnh: Mưa lớn gây sạt lở tại Phước Sơn vào năm 2020. Ảnh: T.C

Thiên tai diễn biến dị thường

Năm 2021, với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền cơ sở, công tác phòng chống thiên tai (PCTT) đã đạt được nhiều kết quả, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất về người và tài sản với 108 người chết, mất tích; thiệt hại vật chất 5.200 tỷ đồng. Đây là năm thiệt hại do thiên tai gây ra thấp nhất trong hàng chục năm vừa qua.

Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn rất lớn. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT cho hay, tình hình thiên tai năm 2022 hết sức phức tạp và có nhiều dị thường. Đặc biệt là đợt mưa lũ lớn bất thường, trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn từ ngày 30.3 đến 2.4 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa với tổng lượng mưa trung bình 200 - 600mm, trong đó có nơi mưa đặc biệt lớn.

Theo ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan. Qua diễn biến thiên tai từ đầu năm đến nay, có thể thấy thiên tai năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường.

Tại Quảng Nam, trong 10 năm gần đây, rất nhiều loại hình thiên tai được ghi nhận trên địa bàn tỉnh như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn gây lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, động đất, xâm nhập mặn. Càng về sau, tần suất xảy ra càng thường xuyên hơn, phức tạp hơn về diễn biến và nghiêm trọng hơn về hậu quả. Từ năm 2010 đến nay, thiên tai đã làm chết 261 người, hơn 684 nghìn ngôi nhà bị sập, hư hỏng, cùng với rất nhiều công trình hồ, đập thủy lợi, cầu cống giao thông hư hại với tổng thiệt hại ước tính gần 24.000 tỷ đồng.

Chủ động trong dự báo

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN yêu cầu các địa phương từ tỉnh, thành phố đến các huyện, xã phải xác định nhiệm vụ PCTT trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là rất phức tạp, nặng nề, đòi hỏi trách nhiệm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị.

 

Trước hết phải đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai. Với phương châm phòng là chính, chỉ đạo từ sớm, từ xa, Phó Thủ tướng yêu cầu cần triển khai ngay công tác kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch PCTT trên cả nước.

Công tác dự báo được đánh giá là chưa đáp ứng yêu cầu, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, chất lượng các bản tin dự báo cần tiếp tục được nâng cao hơn nữa. Công tác vận hành liên hồ chứa trên các hệ thống sông, đặc biệt tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn có những bất cập, chưa phối hợp tốt thông tin, cần sớm được điều chỉnh, khắc phục.

Định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu phải đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai. “Chất lượng công tác dự báo là yếu tố quyết định, là cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai một cách chủ động, từ sớm, từ xa, nhất là trong tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu, thiên tai dị thường.

Chính phủ đã ban hành kế hoạch ưu tiên đầu tư công nghệ quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu, đặc biệt là dự báo mưa, lũ, khí tượng thủy văn biển. Yêu cầu Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp cùng với các bộ, ngành trung ương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kế hoạch này” - Phó Thủ tướng nêu rõ.

Ứng phó thiên tai, Quảng Nam hỗ trợ xây dựng nhà ở an toàn

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông tin, từ năm 2009 đến nay, Quảng Nam đã thực hiện rất nhiều đề án, chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, góp phần cho người dân có chỗ ở ổn định, phòng tránh thiên tai, bão lụt.

Gần đây nhất là Đề án hỗ trợ xây dựng chòi/phòng trú bão, lũ, lụt cho các gia đình cư trú tại vùng thường xuyên xảy ra bão, lũ, lụt với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/chòi hoặc phòng từ ngân sách, với quy mô thực hiện khoảng 10.000 hộ đã được UBND tỉnh thống nhất và có văn bản xin chủ trương mở rộng phạm vi, đối tượng theo hướng thêm hộ cận nghèo, khu vực đô thị... để chính sách có sự lan tỏa đến mọi đối tượng có nhu cầu. Đây là kinh nghiệm của Quảng Nam trong PCTT góp phần an sinh xã hội, tạo chỗ ở ổn định cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dự báo đúng, ứng phó nhanh với thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO