Gấp rút ứng phó bão số 5, vừa đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19

THÀNH CÔNG 11/09/2021 17:22

(QNO) - Chiều nay 11.9, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến chỉ đạo ứng phó bão số 5 và mưa lũ lớn. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì tại điểm cầu Quảng Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.C
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.C

Quảng Nam dự kiến sơ tán khoảng 95.000 dân

Theo báo cáo, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương chủ động triển khai ứng phó với diễn biến của bão và mưa lớn. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã có công văn đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan chủ động triển khai biện pháp ứng phó.

Tại Đồn Biên phòng Cửa Đại, Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức bắn pháo hiệu thông báo bão số 5.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh duy trì thông tin liên lạc, thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh; hướng dẫn tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn. Hiện mực nước tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang ở cao trình thấp, xấp xỉ mực nước chết.

Hàng nghìn tàu thuyền đã được đưa vào nơi tránh trú an toàn
Tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Ảnh: T.C

Báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho hay, tính đến 9 giờ sáng nay còn 139 tàu với hơn 2.700 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó 42 tàu gần bờ với 274 lao động; 97 tàu hoạt động tại khu vực Trường Sa, Hoàng Sa với hơn 2.400 lao động. Tất cả tàu đã nhận được thông báo về diễn biến và hướng đi của cơn bão.

Về thu hoạch lúa hè thu, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương tuyên truyền, hỗ trợ nông dân tập trung thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa còn lại với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đến nay diện tích thu hoạch đạt 30.397/36.627ha; diện tích còn lại tập trung nhiều nhất ở Điện Bàn (1.000ha), Đại Lộc (480ha), Duy Xuyên (590ha), Thăng Bình (842ha)…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, công tác phòng chống bão và dịch Covid-19 được Quảng Nam thực hiện chủ động, mạnh mẽ. Hôm nay trên toàn tỉnh có mưa hơn 250mm, dự báo chiều nay mưa càng lớn. Các địa phương đã lên phương án và đang chủ động triển khai sơ tán dân đến nơi an toàn. Dự kiến khoảng 95.000 dân được sơ tán trước khi bão đổ bộ, trong đó có 85.000 dân ở vùng ven biển, số còn lại thuộc vùng có nguy cơ sạt lở ở miền núi.

“Phương án di dân đã được lên kế hoạch chi tiết, bám sát phương án phòng chống dịch Covid-19, ưu tiên di dân tại chỗ. Đề nghị Trung ương có cảnh báo sạt lở sớm, đồng thời tính toán hỗ trợ về lâu dài cho dân có nơi tránh trú tại chỗ (nhà tắm, gác chống lũ)” - ông Hồ Quang Bửu nói.

Hạn chế tối đa di dân tập trung

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - Trần Quang Hoài cho hay, dự báo chiều và đêm nay sẽ mưa rất lớn. Đêm nay, bão đổ bộ đúng lúc triều cường, thời điểm triều cao nhất trong tháng nên cần lưu ý kiểm tra sơ tán dân dải ven biển.

Các hồ chứa, công trình thủy điện cần được rà soát, nơi nào còn thi công thì cần chấm dứt, sơ tán ngay, quán triệt các thủy điện vận hành theo đúng chỉ đạo của tỉnh để ứng phó bão và mưa lớn. Đối với Quảng Nam, nguy cơ tổn thương các vùng sạt lở rất nặng nề, cần quan tâm hơn đến những vùng này. Ngoài ra tỉnh cũng cần quan tâm đến khu công nghiệp, nhất là các khu nhà trọ công nhân; kiểm tra, test nhanh cho ngư dân để đưa lên bờ sơ tán.

Bờ biển Cửa Đại bị xâm thực mạnh do mưa bão sáng nay 11.9. Ảnh: T.B
Bờ biển Cửa Đại (Hội An) bị xâm thực mạnh vào sáng 11.9 do mưa lớn. Ảnh: T.B

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, các địa phương đã có sự quan tâm phù hợp, đánh giá đúng mức độ nguy cơ bão số 5 và mưa lớn. Theo dự báo, bão ảnh hưởng trực tiếp từ tối nay, và sáng mai sẽ đổ bộ. Cường độ bão không quá lớn, tuy nhiên thời gian mưa lớn, lượng mưa cực lớn là điều đáng lo ngại. Thách thức lớn nhất của cơn bão là đổ bộ trong điều kiện Covid-19 diễn biến phức tạp.

“Ba tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế đã có hơn 2.000 F0, tôi đề nghị các địa phương chỉ đạo quyết liệt, có cách làm khác hơn, kịch bản ứng phó chi tiết hơn. Nguyên tắc hạn chế tối đa di dân khi chưa cần thiết. Nếu bắt buộc di dân, cần ưu tiên di dân tại chỗ. Không để thuyền viên trên tàu thuyền, test nhanh, bố trí chỗ ăn nghỉ an toàn, đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời rà soát, vận động, sơ tán toàn bộ người dân ở các lồng bè nuôi thủy hải sản vào bờ tránh trú an toàn” - ông Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu. 

Chính quyền đã huy động lực lượng gia cố kè biển Cửa Đại. Ảnh: T.B
Vận chuyển bao cát gia cố kè biển Cửa Đại. Ảnh: T.B

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cũng yêu cầu các địa phương rà soát khu vực ngập lụt, có phương án đảm bảo tính mạng, tài sản người dân khu vực này. Đề nghị các địa phương dừng thi công các công trình, có chỗ tránh trú an toàn cho lực lượng ở các công trình. Về an toàn hồ chứa, mức tích nước chưa cao, khả năng cắt lũ còn rất nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gấp rút ứng phó bão số 5, vừa đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO