Giấc mơ phố ở vùng biên

THÀNH CÔNG 08/05/2022 06:35

Không có quá nhiều đổi khác trong góc nhìn từ phía làng văn hóa Cơ Tu xuống trung tâm hành chính của huyện Tây Giang, suốt nhiều năm. Cái tên Tơ Viêng, danh xưng cho “thị trấn” chỉ được nhắc trong những hoạch định về tương lai, hướng đến quy mô đô thị, như một “giấc mơ phố” cho những cư dân giữa trập trùng thung lũng.

Trung tâm hành chính huyện Tây Giang vẫn còn thiếu nhiều điều kiện để có thể đáp ứng các tiêu chí của đô thị. Ảnh: T.C
Trung tâm hành chính huyện Tây Giang vẫn còn thiếu nhiều điều kiện để có thể đáp ứng các tiêu chí của đô thị. Ảnh: T.C

Vẫn những cũ xưa

Thật khó để tìm kiếm thứ gì đó định hình cho góc núi này, dù nó cơ bản đủ đầy những gì người ta có thể chờ đợi đối với một đô thị loại V. Vẫn với địa giới hành chính là xã A Tiêng, “phố” mà tôi muốn nhắc, là trung tâm hành chính Tây Giang, gói gọn phần lớn ở thôn Agrồng.

Hình ảnh đại diện cho nơi này, tràn lan trên mạng, lại là những ồn ào về bức tượng con chó cùng bài thơ đặt ở vài ngã ba, ngã tư và đã được chính quyền phá dỡ không lâu.

Tôi đã nhiều lần đến và ở lại đó. Sẽ rất dễ mến trong lần đầu gặp, với sương trắng phủ từ đỉnh núi, với mặt hồ nước nhỏ lẩn khuất trong buổi sớm mai và làng cổ Cơ Tu với những mái gươl nơi đồi cao phía tây nam khu trung tâm hành chính. Nơi này, có thể thấy, nghe và cả ngửi được mùi của ban sơ, với sự trong lành đáng mơ ước, điều hơi khó thấy ở các vùng đô thị.

Những dòng xe qua không đủ vội, quy mô dân số khá khiêm tốn, cùng với cách trở về địa lý giữ cho trung tâm hành chính không khí khá trầm suốt một thời gian dài. Không hẳn là dừng lại, nhưng đặt chung với những trung tâm hành chính các địa phương miền núi khác, những sôi động đặc trưng của đô thị hình như chưa chạm tới.

Dễ thấy nhất, là khi đất cát rậm rịch khắp nơi nơi, bảng treo dự án khu đô thị, khu dân cư nhan nhản lấp đầy, thì cư dân thị trấn vẫn đứng ngoài những gấp vội, ồn ào thường thấy. Không có nhiều mới lạ cho những lần trở lại.

Tôi hỏi người bạn cũ và câu trả lời lại một lần nữa xác tín cho cảm giác của mình. Không có gì mới. Một giáo viên công tác ở Tây Giang suốt 8 năm, treo biển bán nhà, một căn nhà nằm không xa làng Cơ Tu, rồi dắt díu vợ con về quê cũ.

Suốt 2 năm, căn nhà vẫn ở đó, không ai liên lạc dẫu số điện thoại cùng tấm biển bán nhà còn nguyên. Thông tin về quy hoạch, nơi này sẽ là chợ, nơi kia mở đường… thi thoảng cũng trỗi lên, rồi lại tự mất đi, vì chẳng có động tĩnh nào cho những đổi thay lớn.

Chờ đợi và hy vọng

Sắp 20 năm kể từ ngày chia tách huyện Hiên thành Đông Giang và Tây Giang, “tiềm năng” được nhắc đi nhắc lại trong mọi diễn đàn: rừng nguyên sinh, văn hóa bản địa độc đáo và đậm đà bản sắc, cảnh sắc nguyên sơ, khí hậu ôn hòa. Mọi thứ chưa được đánh thức, đồng nghĩa với việc giấc mơ “lên phố” vẫn còn vợi xa, quá khó để tìm kiếm một bản sắc, một dấu ấn cho “thị trấn Tơ Viêng”.

Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ một chuyện rất đáng suy nghĩ: mỗi năm, tỉnh giao cho địa phương thu khoảng 300 triệu đồng từ việc khai thác quỹ đất, chỉ bằng một phần tư, một phần năm một thửa đất bình thường ở nhiều vùng khác, nhưng chịu.

“Quy hoạch chung, xã A Tiêng có thể phát triển trở thành đô thị loại 4 theo tiêu chuẩn, nhưng hiện tại để lên được thị trấn là điều còn quá khó. Trước đây, từng có chủ trương mở rộng về phía tây, lấy thêm một phần diện tích xã Lăng để phát triển thị trấn, nhưng thủ tục, trình tự sẽ rất phức tạp, phương án này sau đó không thể thực hiện.

Huyện cũng đang tổ chức lấy ý kiến, sẽ xây dựng đề án mục tiêu trong giai đoạn 2023 - 2025, song còn thiếu quá nhiều tiêu chí. Không phải vắng lặng, mà là chưa hề có. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào miền núi trong giai đoạn hiện nay không phải là điều dễ” - ông Lượm nhấn mạnh.

Hạn chế về nguồn lực, xuất phát điểm thấp và thực tế phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi còn nhiều gian khó gia tăng những lúng túng của chính quyền các huyện miền núi nói chung trong việc tái thiết, chỉnh trang đô thị, sắp xếp quy hoạch phù hợp.

Vẫn còn vắng thiếu sự liên kết giữa các thị trấn theo trục kinh tế, hoặc nhỏ hơn là các cụm dân cư với cụm công nghiệp, dịch vụ, yếu tố tạo sức bật cho đô thị. Đó là những trở lực đã và đang hiện hữu ở không chỉ Tây Giang mà còn chung cho nhiều địa phương khác như Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My…

Sau rất nhiều chờ đợi, năm 2022, lần đầu tiên huyện Tây Giang có một dự án khai thác quỹ đất được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang kêu gọi doanh nghiệp. Mọi thứ chỉ mới dừng ở đó. Nhưng ít ra, nó cũng mang đến một điều mới mẻ để đợi chờ, cho một thị trấn vùng biên. Một mở đầu đánh dấu cho những mở đầu, dẫu biết, giấc mơ phố còn vợi xa…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giấc mơ phố ở vùng biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO