Giải quyết trợ cấp một lần cho người nghỉ việc trong giai đoạn 1991 - 1994: Tồn đọng kéo dài

LÊ DIỄM 05/11/2021 04:33

Việc giải quyết trợ cấp một lần cho người lao động (NLĐ) đã nghỉ việc trong giai đoạn 1991 - 1994 đến nay vẫn chưa dứt điểm, còn 167 hồ sơ đang vướng mắc do không đủ căn cứ pháp lý.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu tập hợp đầy đủ căn cứ pháp lý để xem xét giải quyết vụ việc. Ảnh: L.D
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu tập hợp đầy đủ căn cứ pháp lý để xem xét giải quyết vụ việc. Ảnh: L.D

Vướng mắc

Theo hồ sơ được lưu trữ, vào năm 1991, thực hiện việc sắp xếp lại lao động trong các cơ quan, đơn vị kinh tế quốc doanh, nhiều cơ quan, đơn vị tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã cho nghỉ việc đồng loạt và giải quyết chế độ trợ cấp một lần.

Đến cuối năm 1993, các đơn vị lại hướng dẫn NLĐ trả lại chế độ trợ cấp này để giám định hưởng chế độ mất sức lao động, hưu trí. Nhưng đây là việc làm sai quy định, nên năm 1994, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu kiểm tra, qua đó phát hiện 387 trường hợp sai phạm, yêu cầu thu hồi sổ hưu, sổ mất sức lao động và thu hồi tiền cấp sai. Thực tế việc thu hồi phần lớn không được thực hiện.

Đến năm 2009, hàng loạt NLĐ thời điểm đó bị tạm dừng hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động đã gửi đơn khiếu nại, Sở LĐ-TB&XH vào cuộc giải quyết.

Kết quả sau 2 đợt xác minh, giải quyết chế độ một lần cho 160 người từ nguồn ngân sách tỉnh chi trả hơn 12,8 tỷ đồng. Nay vẫn còn 167 hồ sơ đang vướng mắc, thiếu giấy tờ, văn bản, không đủ căn cứ pháp lý nên chưa giải quyết được.

Ông Nguyễn Thành Khả - Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cho biết, 167 trường hợp còn lại, nhiều nhất là ở Quế Sơn với 108 người. Đây là những trường hợp phát sinh, chỉ căn cứ vào sự trình bày của NLĐ là chưa nhận chế độ trợ cấp một lần, nhưng lại không có giấy tờ chứng minh chưa nhận hoặc đã trả lại chế độ trợ cấp đã nhận trước đây.

Thanh tra Sở LĐ-TB&XH đã trả hồ sơ về để các địa phương xét duyệt, xem xét cụ thể từng trường hợp, nếu có đầy đủ căn cứ pháp lý thì mới xác nhận và đề nghị UBND tỉnh chi trả. Nếu sau chi trả mà phát hiện xác nhận không đúng, UBND huyện chịu trách nhiệm thu hồi hoàn trả ngân sách tỉnh.

Sau đó các địa phương đã xét duyệt, có văn bản đề nghị chi trả 92 trường hợp, Sở LĐ-TB&XH tiếp nhận đề nghị chi trả 2 trường hợp; 94 trường hợp này dự kiến số tiền chi trả là hơn 7 tỷ đồng, nhưng hồ sơ lại rất phức tạp nên cần có sự vào cuộc giải quyết của UBND tỉnh.

Cần bổ sung căn cứ pháp lý

Chiều 3.11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì cuộc họp giải quyết vụ việc.

Tại cuộc họp, các nhân chứng là ông Nguyễn Duy Thành - nguyên Phó Giám đốc Công ty Thương nghiệp Quế Sơn, bà Nguyễn Thị An - nguyên Trưởng phòng Tổ chức chính quyền huyện Quế Sơn đều khẳng định, lúc đó NLĐ nghỉ việc hàng loạt vì lý do khách quan. Nhưng vụ việc kéo dài quá lâu, cần xem xét giải quyết cho họ.

Các trường hợp phát sinh nêu trên vì biết được thông báo của Sở LĐ-TB&XH đã nộp đơn đề nghị giải quyết. Hiện nay nhân chứng lẫn NLĐ đều tuổi cao, cơ quan chức năng cần xem xét giải quyết dứt điểm.

Sau khi nghe ý kiến nhân chứng, ngành chức năng, địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng, vụ việc kéo dài hơn 20 năm, sẽ có nhiều khó khăn trong giải quyết vì hồ sơ không còn, không đầy đủ, quá trình xác minh gặp nhiều khó khăn.

Quan điểm giải quyết vụ việc lấy căn cứ chính là quy định của pháp luật. Phải tiếp cận để tìm hiểu, giải quyết, làm tròn trách nhiệm của người giải quyết vụ việc, vì quyền lợi của NLĐ. Ông Tuấn yêu cầu phải phối hợp chặt chẽ, xét duyệt phải đủ hồ sơ, kiên trì giải thích cho NLĐ, giải quyết đúng thẩm quyền.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn giao lãnh đạo UBND các huyện liên quan rà soát, công khai danh sách trường hợp hồ sơ còn thiếu, mời làm việc với NLĐ liên quan.

Có thể cử cán bộ, thành lập tổ công tác xác minh, bổ sung thêm căn cứ pháp lý để có thể giải quyết. Cần thiết thì UBND các huyện báo cáo ban thường vụ huyện ủy, đề xuất hướng xử lý. Tuyệt đối không được linh hoạt, vận dụng khi hồ sơ không đảm bảo, chưa có chủ trương của cấp trên.

Với NLĐ, ông Tuấn đề nghị cần cảm thông, chia sẻ trách nhiệm với địa phương, cơ quan trong giải quyết hồ sơ, vì chưa có căn cứ pháp lý. NLĐ có nghĩa vụ tiếp tục cung cấp giấy tờ trong điều kiện có thể, không gây khó khăn cho việc tập hợp hồ sơ để giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải quyết trợ cấp một lần cho người nghỉ việc trong giai đoạn 1991 - 1994: Tồn đọng kéo dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO