Gian nan tái thiết vùng cao - Bài 2: Lơ lửng... hai nỗi lo

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC - HỮU PHÚC 15/12/2020 03:59

Không chỉ đối mặt với nguy cơ sạt lở, lũ quét khi rất nhiều thôn, khu dân cư ở vùng cao nằm chênh vênh dưới sườn đồi dốc đứng hoặc ven sông, miền núi Quảng Nam còn lơ lửng nỗi lo các hộ dân rơi vào diện nghèo hoặc tái nghèo sau thiên tai liên tiếp ập đến.

Sau lũ, rất nhiều nhà cửa người dân vùng cao trong tỉnh đứng trước nguy cơ sạt lở trở lại. Ảnh: C.N.P
Sau lũ, rất nhiều nhà cửa người dân vùng cao trong tỉnh đứng trước nguy cơ sạt lở trở lại. Ảnh: C.N.P

Sống trong nỗi lo sạt lở

Nhiều người dân ở các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc (Phước Sơn) vẫn không thôi ám ảnh khi chứng kiến thảm họa lũ quét do ảnh hưởng của bão số 9 vừa qua khi đang chật vật dọn dẹp những “đống đổ nát”. Gia đình ông Hồ Văn Diên huy động 10 người dọn dẹp suốt 3 ngày mới chỉ đẩy được đống bùn đất dày cả mét ra khỏi nhà trên, lấy chỗ ngủ, cũng là nơi đặt bếp núc, đồ đạc. Phía sau các ngôi nhà, đất lở thành hàm ếch, trở thành mối họa treo lơ lửng trên đầu.

Theo ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, đợt mưa lũ lịch sử cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua khiến các xã vùng cao tan hoang. “Thật khó để tìm ra một ngọn núi nào không có dấu vết của sạt lở. Hàng chục ngôi làng là nơi ở bao đời của bà con bị xóa sổ. Rất nhiều căn nhà khác đứng trước nguy cơ sạt lở. Trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc… cũng lâm vào tình trạng tương tự. Chúng tôi thật sự lo lắng. Câu chuyện của tương lai, chắc chắn là phải tính toán, sắp xếp lại dân cư, các điểm có nguy cơ cao để đảm bảo an toàn, tránh những thảm họa lặp lại” - ông Quảng nói.

Cơn lũ quét do bị ảnh hưởng của bão số 9 vừa qua cũng cuốn phăng phần lớn trâu bò, nhà cửa người dân ở nóc Xà Nu, xã Trà Ka (Bắc Trà My); vùi lấp nhiều hạng mục của Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học & THCS Trà Ka.

Thầy giáo Phan Duy Biên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, núi lở đã vùi lấp sân trường, khu vệ sinh, phòng học, thư viện..., đến nay việc khắc phục vẫn còn ngổn ngang. Nhà trường đang mượn hội trường UBND xã làm chỗ học tạm cho học sinh.

Chủ tịch UBND xã Trà Ka - Hồ Văn Trần khẳng định: “Nóc Xà Nu, hay điểm Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học & THCS Trà Ka nằm trong vùng “báo động đỏ” về thiên tai. Chúng tôi dự báo trước hiểm họa nhưng bất lực, vì muốn dời làng, chuyển trường đến địa điểm theo quy hoạch cần kinh phí lớn để đầu tư khu tái định cư tập trung”.

Bắc Trà My đã “điểm danh” ít nhất 33 nóc, vị trí, khu dân cư nằm trong vùng thiên tai cực kỳ nguy hiểm. Tất cả khu vực này chính quyền đều yêu cầu phải sơ tán khẩn cấp trong điều kiện thời tiết bất thường.

Theo ông Đinh Mươk - nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh, trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lũ quét, sạt lở vừa qua và nguy cơ tiếp tục xảy ra, có nguyên nhân từ sự tác động của con người khi phá vỡ không gian miền núi một cách đại trà. Đó là sự hiện diện của hàng chục dự án thủy điện lớn nhỏ ở khắp khu vực miền núi; các hạ tầng giao thông khoét núi; các khu tái định cư san bằng đồi cao làm mất liên kết đất…

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang thì cho rằng, sạt lở đất là điều đã được chính quyền địa phương cảnh báo trước và chủ động tìm cách ứng phó. Liên tục thời gian qua, địa phương đã khảo sát và di dời khẩn cấp hàng trăm hộ đồng bào nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở đất đến vị trí mới an toàn hơn.

Chật vật với sinh kế

Cần hơn 781 tỷ đồng để tiếp tục di dời dân

Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), giai đoạn 2013 - 2020, Quảng Nam đã tích cực thực hiện di dời, bố trí dân cư vùng có nguy cơ cao bị thiên tai (vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất núi, ven sông suối, ngập lụt sâu nguy hiểm) theo Quyết định số 1776, ngày 21.11.2012 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 12, ngày 19.4.2017 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đến ngày 30.9.2020, có 6.462 hộ tham gia sắp xếp di dời chỗ ở. Và mới đây, trong văn bản gửi Tổng cục Phòng chống thiên tai, Sở NN&PTNT cho biết, thời gian tới Quảng Nam cần hơn 781 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương để tiếp tục di dân tập trung 2.756 hộ (10.762 khẩu) với diện tích đất xây dựng khu tái định cư gần 98ha.

Cánh đồng lúa nước của thôn 3 (xã Phước Thành, Phước Sơn) sát dòng sông Nước Mét đã mất dấu hoàn toàn, thay vào đó là ngổn ngang đá sỏi. Cạnh đó, những diện tích đất lúa nước ít ỏi của người dân thôn 2 bị cuốn trôi, rất khó phục hồi. Thống kê của địa phương cho thấy, có ít nhất 48,5ha đất lúa nước bị thiệt hại hoàn toàn do bão lũ. Diện tích thiệt hại đối với cây lâu năm, chủ yếu là quế gấp ba lần lúa nước. Thêm vào đó, gần 150 con gia súc bị cuốn trôi, sinh kế của người dân trở thành bài toán nan giải, nếu không muốn nói là họ “không thể không trở thành hộ nghèo hoặc tái nghèo”.

Chủ tịch UBND xã Phước Thành - Hồ Văn Phức nói: “Hiện tại nguồn lương thực, thực phẩm có thể đảm bảo cho bà con từ 2 đến 3 tháng. Tuy nhiên, về lâu dài, việc khôi phục sản xuất quá khó khăn do rẫy hầu hết đã sạt lở, độ dốc lớn cũng như mất an toàn, không thể trồng cây lại được. Đảm bảo an ninh lương thực lẫn duy trì nguồn thu nhập từ các rẫy trồng cây lâu năm sẽ là một thách thức lớn sau khi hết trợ cấp của Nhà nước”.

Tại thôn 3 (xã Phước Lộc, Phước Sơn) trước đây bà con nuôi ong lấy mật, sống khỏe với rừng. Cộng thêm nguồn thu từ rẫy quế, các loại nông sản khác, có thể không lo về cái ăn, cái mặc trong gia đình. Nhưng giờ thì trắng tay. Làng bị xóa sổ, 11 người bị vùi lấp, trong đó có 4 người vẫn đang mất tích, bà con không còn dám ở lại nữa.

Ông Hồ Văn Hà (thôn 3, xã Phước Lộc) giãi bày: “Ở lại cũng chẳng còn gì, nhà cửa mất, hư hỏng nặng, mà còn sợ nữa. Đi nơi khác thì không có chỗ. Bão làm đổ ngã những cây vốn là nơi nuôi ong, bầy ong sợ cũng đã đi mất. Bà con trong làng rất lo, mai này không biết sẽ sống như thế nào”. Với những khó khăn đặc thù, việc kiếm tìm một công việc mới mang lại thu nhập đủ để trang trải cho đồng bào miền núi hoàn toàn không đơn giản. Phải mất vài năm mới có thể gầy dựng lại một rẫy quế. Thiếu cơ giới, việc cải tạo lại ruộng lúa nước gần như không khả thi.

Tại xã Trà Leng (Nam Trà My), qua rà soát có gần 100ha quế và các loại cây trồng khác của nhân dân bị thiệt hại do bị ảnh hưởng của bão số 9. Sau thiên tai, phần lớn đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông, đặc biệt là các hộ có nhà cửa trôi sông, sụp đổ ở nóc Ông Đề (thôn 1) và làng Tăk Pát (thôn 2) sẽ rơi vào tình trạng nghèo hoặc tái nghèo. Hiện nay, vùng đất Trà Leng tiếp tục sạt lở trên tuyến đường vào trung tâm xã. Đồng bào chật vật phục hồi sinh kế và bị xáo trộn sinh hoạt khi sống trong các căn nhà tạm.

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, chưa đến mức lo cái ăn cái mặc từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhưng điều cần thiết bây giờ là kịp thời hỗ trợ con vật nuôi, cây giống để bà con phục hồi sản xuất.

Dù không thiệt hại về người, nhưng sau lũ, nguy cơ nghèo và tái nghèo ở huyện Tây Giang cũng dễ thấy rõ. Khoảng hơn 50% diện tích đất sản xuất, ruộng vườn của huyện bị hư hại. Sạt lở đất khiến nhiều diện tích ruộng bậc thang, khu trồng cây dược liệu bị sạt trượt, vùi lấp. Có nơi, gần như không thể tái sản xuất. Như ở xã Ga Ry, theo ước tính của địa phương, sau đợt mưa lũ, có hơn 20ha đất sản xuất bị hư hại nghiêm trọng. Nhiều diện tích trồng đảng sâm bị sạt lở, cây sâm cũng bị chết úng khiến tài sản người dân mất trắng.

Ông Ríah Nhoóp - Bí thư Đảng ủy xã Ga Ry nói, mưa lũ đã làm thu hẹp đất sản xuất của người dân, khiến việc phục hồi sinh kế gặp khó khăn nên nguy cơ nghèo và tái nghèo hiển hiện.

Chủ tịch UBND xã A Xan - ông Tơ Ngôl Thiếu cho hay, qua rà soát hộ nghèo mới đây, địa phương đã ghi nhận nhiều trường hợp rơi vào hộ nghèo hoặc tái nghèo, chủ yếu là do nhà cửa, mô hình sinh kế bị thiệt hại sau lũ. Chưa kể ruộng lúa bậc thang Chuôr, hàng chục điểm canh tác khác của bà con miền núi cũng bị đất đá vùi lấp, hư hại nặng nề... Năm 2020 Tây Giang đặt mục tiêu giảm nghèo bền vững cho 240 hộ. Nhưng, theo địa phương, do dịch bệnh, tình trạng thiên tai liên tục xuất hiện nên khó hoàn thành mục tiêu này.

___________________

Bài 3: Lúng túng dựng lại không gian sống

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gian nan tái thiết vùng cao - Bài 2: Lơ lửng... hai nỗi lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO