Giữ hồn quê trên mắt gốm

NHƯ TRANG 01/04/2020 08:56

Hơn 20 năm qua, chị Nguyễn Thị Bích Tuyến (SN 1968, ở khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà, TP.Hội An) theo nghề gốm quê chồng làm sinh kế. Từ đôi bàn tay tài hoa và óc sáng tạo, chị Tuyến đã tạo ra nhiều sản phẩm gốm độc đáo mang đậm hồn quê.

Chị Nguyễn Thị Bích Tuyến (bên trái) với sản phẩm nồi đốt thảo mộc mới hoàn thành. Ảnh: N.TRANG
Chị Nguyễn Thị Bích Tuyến (bên trái) với sản phẩm nồi đốt thảo mộc mới hoàn thành. Ảnh: N.TRANG

Đam mê nghề gốm

Với chị Tuyến, hành trình đến với gốm đi cùng duyên chồng vợ của chị. Bởi, khi làm dâu về làng gốm, người phụ nữ này mới biết vớt cục đất sét dưới sông quê mà nhào nặn rồi nung lửa cho đất thành hình.

Chị Tuyến chia sẻ: “Năm 1998 tôi mới lấy chồng, trước đó chỉ biết buôn bán, về nhà chồng vọc đất sét miết rồi cũng quen. Tôi không biết mình đam mê gốm từ khi nào, nhưng hễ một ngày không làm gốm, người tôi muốn rệu ra…”.

Cũng theo chị Tuyến, giai đoạn chị về làm dâu tại làng gốm Thanh Hà, du lịch vẫn chưa phát triển, thành thử các sản phẩm gốm phần lớn đều là vật dụng dùng trong gia đình: nồi, niêu, ấm nước, cối giã muối. Nhớ lại quãng thời gian mới tập tành làm gốm, trong câu chuyện của mình, thi thoảng chị Tuyến cười xen lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc.

Chị kể: “Hồi mới về làm dâu, tôi nào biết quy trình làm gốm ra sao. Phải mất mấy tháng ròng phụ giúp từng công đoạn trong xưởng gốm tôi mới học được. Rồi khi thực hành làm ra sản phẩm có cái bị nứt, bể, méo mó, tôi khóc lên khóc xuống mấy bận”.

Nhẫn nại, chịu thương, chịu khó, đó là những đức tính chị Tuyến học được sau khi theo nghề làm gốm. Không ai khác, chính gia đình chồng và bà con lối xóm ở làng gốm Thanh Hà là những “người thầy” thắp lửa đam mê cho chị.

Ngày này sang tháng khác, cứ thế chị Tuyến theo nghề, tạo tác ra nhiều sản phẩm độc đáo. Đặc biệt, nắm bắt thời cơ ngay lúc TP.Hội An phát triển du lịch, chị làm ra đèn sân vườn, chậu rửa mặt, hồ nuôi cá mini… dùng trang trí nội, ngoại thất. Từ xưởng nhỏ tận dụng khoảng sân nhà, chị Tuyến đã mở ra một xưởng gốm rộng đầy đủ lò nung, đất sét, khuôn gốm các loại và thuê nhân công về xưởng phụ việc.

Sáng tạo

Nhờ khả năng quản lý và biết cách làm kinh tế, sáng tạo trong quy trình tạo tác sản phẩm gốm, chị Tuyến đã duy trì, phát triển nghề gốm gia đình chồng. Nhiều khách hàng gắn bó lâu dài với xưởng gốm của chị, mỗi tháng xưởng xuất bán hơn 1.000 sản phẩm có giá từ vài chục nghìn đồng đến vài triệu đồng.

Chị Tuyến cho biết: “Muốn phát triển xưởng gốm, mình phải chú ý đến nhu cầu sử dụng gốm ngoài thị trường. Khi đời sống càng hiện đại, đơn hàng gia dụng sẽ dần ít đi, lúc ấy tôi chuyển sang làm một số sản phẩm trang trí cách tân từ mặt hàng cũ. Ngày nào cũng phải sáng tạo, áp lực lắm, nhưng tôi thấy hạnh phúc mỗi lần làm ra sản phẩm mới”.

Từ nồi đồng nấu cơm, chị Tuyến cắt hoa văn và tạo mẫu ra thành chậu nước rửa mặt, hay chiếc ấm nấu nước thường ngày thành chậu hoa, cối giã muối thành đèn trang trí sân vườn.

Những sản phẩm của chị Tuyến luôn thu hút khách hàng từ cái nhìn đầu tiên, có lẽ vì đó mà xưởng gốm của chị bao giờ cũng có khách ra vào. Theo đó là rất nhiều đơn hàng có giá trị, giúp chị phát triển kinh tế gia đình, nuôi 2 con ăn học đến chốn, tạo việc làm cho 7 lao động ở xưởng gốm.

Mới đây, trong lúc dịch Covid-19 bùng phát, chị Tuyến lại nghĩ ra nồi đốt thảo mộc để khử mùi, kháng khuẩn, tạo hương thơm cho không gian nhà ở và nơi làm việc. Chị chia sẻ: “Hiện nay, thị trường vẫn bán nhiều loại đèn xông tinh dầu. Tuy nhiên, có quá nhiều tinh dầu giả độc hại, người tiêu dùng ái ngại với các mặt hàng trôi nổi. Thành thử, tôi nghĩ ra nồi đốt thảo mộc từ gốm”.

Nghĩ là làm, chị Tuyến liền tạo cốt bằng đất sét rồi cho ra khuôn mẫu, từ đó chị làm ra hàng chục nồi đốt thảo mộc tiện dụng. Chỉ cần đặt chiếc nến nhỏ vào miệng nồi đốt, bên trên cho vỏ chanh, bưởi, sả, quế… thì hương thơm sẽ tỏa ra khắp gian phòng.

Nhận thấy sản phẩm nồi đốt thảo mộc của chị Tuyến mang lại hiệu quả cao, nhiều người đến xưởng chị để khảo sát rồi đặt hàng với giá thành từ 35.000 - 50.000 đồng/sản phẩm tùy loại.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang - Chủ tịch Hội LHPN phường Thanh Hà cho biết: “Sản phẩm nồi đốt thảo mộc rất thích hợp cho mọi người, mọi nhà. Cùng với việc tuyên truyền chống dịch Covid-19, chúng tôi sẽ khuyến cáo người dân sử dụng sản phẩm gốm này để kháng khuẩn, vệ sinh nhà cửa. Chị Tuyến xứng đáng là tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi và rất sáng tạo”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ hồn quê trên mắt gốm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO