Giữ lửa yêu thương

LÊ QUÂN - QUỐC YẾN 28/06/2021 06:51

Lựa chọn chủ đề “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28.6) và Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình năm 2021, nhiều giá trị về gia đình được khơi dậy trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh Covid-19.

Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc. Ảnh: L.T.K
Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc. Ảnh: L.T.K

Đây là năm thứ 20 kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam. Tại Quảng Nam, nhiều năm liền các hoạt động tôn vinh gia đình tiêu biểu được tổ chức như một cách để lan truyền những giá trị tốt đẹp về gia đình Việt Nam.

Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thay bằng các hoạt động tập trung đông người, những thông điệp về tình thân, gắn kết giữa các thành viên trong gia đình được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau.

Dưới mái nhà hạnh phúc

Nhiều gia đình ở xứ Quảng đã nỗ lực để vượt qua khó khăn, cùng nhau xây đắp gia đình ấm no, hạnh phúc... Gia đình ông Huỳnh Thế ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, có 3 thế hệ với 20 thành viên chung sống. Con cái của ông Thế đã trưởng thành, lập gia đình và khá thành đạt trong xã hội. Một gia đình với nhiều thế hệ thường khác biệt về cách suy nghĩ và sở thích, nên để duy trì cuộc sống ấm êm, thuận hòa mỗi thành viên trong gia đình ông Thế luôn dành cho nhau sự yêu thương, tôn trọng, sẻ chia.

Những bữa cơm gia đình có đầy đủ thành viên trong nhà là thời gian hết sức quý báu và hạnh phúc. Đó là điều cốt lõi làm nên một gia đình “tam đại đồng đường” văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền.

Ông Huỳnh Thế chia sẻ: “Lúc bà nhà tôi còn sống, vợ chồng chúng tôi vượt qua gian khó để nuôi dạy con cái nên người, luôn yêu thương, cảm thông cho nhau, không to tiếng với nhau bao giờ. Con cái lúc nào cũng nghe lời ba mẹ…”.

Chị Lâm Thị Hồng - con dâu ông Huỳnh Thế tâm sự: “Lúc về làm dâu trong nhà nhiều thế hệ tôi cũng lo lắng. Nhưng được sự thương yêu của ba mẹ, chia sẻ của anh em nhà chồng, tôi thấy cuộc sống rất hạnh phúc”.

Ở làng quê, nhiều thế hệ chung sống một nhà không phải là điều quá đặc biệt, nhưng không phải gia đình nào cũng có được sự hòa thuận, êm ấm. Những gia đình văn hóa tiêu biểu như gia đình ông Huỳnh Thế là điều đáng quý trong cuộc sống ngày nay.

Còn với gia đình bà Nguyễn Thị Huệ, người dân tộc Co ở xã Trà Nú, huyện Bắc Trà My, hạnh phúc gia đình là vợ chồng cùng lên nương lên rẫy, cùng chia sẻ những công việc rất đỗi bình thường. Đặc biệt, vợ chồng đồng lòng thực hiện các công tác thiện nguyện như hiến đất để xây trường học, quyên góp tiền để giúp đỡ gia đình khó khăn; cùng nhau nuôi dạy con cái trưởng thành.

Ông Vũ Xuân Tiền - chồng bà Huệ chia sẻ: “Sống với nhau 21 năm, chúng tôi quan tâm chia sẻ với nhau trong mọi việc, cùng yêu thương và lo cho con cái học hành. Chúng tôi đi lên từ gian khó nên trân trọng nhau lắm…”.

Tôn vinh giá trị gia đình

Trong hành trình 20 năm qua, Ngày Gia đình Việt Nam dần trở thành sự kiện văn hóa, tôn vinh những giá trị truyền thống của gia đình Việt, hướng tới “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thay vì tập trung đông người, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, gặp gỡ..., năm nay phương thức tổ chức linh hoạt hơn bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền cổ động.

Ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, không còn những hoạt động, hội thi như các năm, Sở VHTT&DL chú trọng kích hoạt các Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc ở địa phương, giúp mỗi gia đình thực hiện tốt quy định phòng chống dịch cũng như gắn kết tình cảm.

“Chúng tôi đề nghị các địa phương chú trọng tuyên truyền giá trị đạo đức, lối sống trong gia đình, phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập gia đình, thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình…

Ngành văn hóa còn tổ chức tuyên truyền công tác gia đình với nhiều hình thức phong phú và đa dạng như tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng dân cư, treo pa nô, khẩu hiệu, cấp phát tài liệu, tờ rơi, phối hợp tuyên truyền trên báo, đài... Việc đẩy mạnh tuyên truyền cổ động trực quan trong mùa dịch đã và đang giúp nhiều gia đình cập nhật đầy đủ thông tin.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đây là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho mọi người, đồng thời đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra trong tình hình mới, góp phần tích cực vào việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa gia đình Việt Nam và xây dựng gia đình theo tiêu chí no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” - ông Hải nói.

Nằm trong số các tỉnh thành thực hiện có hiệu quả Chiến lược Phát triển Gia đình Việt Nam, Quảng Nam nhiều năm liền giảm hẳn tình trạng bạo lực gia đình. Theo báo cáo từ Sở VH-TT&DL, số vụ bạo lực gia đình tại các địa phương trong tỉnh đã giảm đáng kể qua từng năm và được hòa giải ngay tại cơ sở.

“Nếu như năm 2010 toàn tỉnh xảy ra 663 vụ bạo lực gia đình, thì đến năm 2015 còn 233 vụ, năm 2019 giảm còn 168 vụ; hầu hết nạn nhân của bạo lực gia đình được tư vấn về tâm lý, tinh thần, pháp luật.

Hiện toàn tỉnh có 319 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững và Câu lạc bộ Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình tại các xã, phường, thị trấn, để kịp thời hỗ trợ, cung cấp dịch vụ, trợ giúp pháp lý, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình và người có nguy cơ bị bạo lực gia đình…” - ông Tào Viết Hải cho hay.

Không chỉ đến ngày Gia đình Việt Nam mới ý thức được ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng “gia đình”. Nhưng chính những nhắc nhớ từ ngày kỷ niệm này, khơi dậy trong mỗi người ý thức về trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ gia đình, trẻ em, phụ nữ, tạo môi trường sống ấm áp cho các thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ lửa yêu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO