Hiểm họa cháy ở vùng cao

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 06/03/2023 08:17

Vùng cao lại xảy ra cháy. Lần này, lửa không chỉ thiêu rụi toàn bộ căn nhà, mà hai cụ già không may thiệt mạng trong vụ cháy. Vẫn còn rất nhiều trở ngại trong việc triển khai các giải pháp phòng cháy ở miền núi.

Cháy xảy ra ở vùng cao Tây Giang khiến 5 căn nhà bị thiêu rụi gần đây. Ảnh: C.N
Cháy xảy ra ở vùng cao Tây Giang khiến 5 căn nhà bị thiêu rụi gần đây. Ảnh: C.N

Khó xử lý sự cố

Chiều tối 2/3, căn nhà của ông Hồ Văn Nia (SN 1940) và bà Hồ Thị Nêng (SN 1945, ở làng Tắc Rân thuộc thôn 2 xã Trà Cang, Nam Trà My) bất ngờ phát hỏa. Căn nhà vừa được dựng trên một khu đất mới được chính quyền san ủi phục vụ sắp xếp dân cư chưa lâu thì xảy cháy. Trên nền đất, lửa thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà, chỉ còn sót vài tấm tôn. Hai người già ở trong căn nhà thiệt mạng.

Vụ cháy một lần nữa dấy lên những lo ngại về công tác phòng cháy ở vùng cao. Thực tế cho thấy, nhà cửa của đồng bào miền núi đa số bằng vật liệu dễ cháy (nứa, gỗ, quây bạt...).

Cùng với đó, truyền thống đặt bếp ở chính giữa nhà, tập kết củi để sinh hoạt tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy ở vùng cao. Trong vụ cháy ở nhà ông Hồ Văn Nia, lửa bùng lên khá nhanh, trong khi bà Hồ Thị Nêng bị liệt nửa người, phải nằm một chỗ, ông Nia và bà Nêng đều không thể thoát khỏi căn nhà khi xảy cháy.

Theo Thượng tá Mai Xuân Sang - Trưởng Công an huyện Nam Trà My, xác định nguy cơ cháy cao ở nhà dân, việc tuyên truyền, kiểm tra nhắc nhở được triển khai bằng rất nhiều hình thức, công an xã luôn lồng ghép nội dung này trong các cuộc làm việc, tuyên truyền nhưng rồi vẫn tái diễn.

“Ở vùng cao, thời tiết khắc nghiệt, người dân chống chọi với cái lạnh bằng cách giữ bếp lửa ở giữa nhà để sưởi ấm. Đây là truyền thống của bà con, nếu vận động làm bếp tách biệt với nhà ở thì rất khó. Cháy nhà vì thế hay xảy ra trong mùa lạnh.

Công an xã đã thường xuyên nhắc nhở người dân phòng cháy, khuyến cáo bà con đúc bê tông ở khu vực bếp, xây gạch xung quanh để ngăn lửa cháy lan, đồng thời hạn chế tập kết củi gần bếp. Nhà cửa thưa thớt, tách biệt, cộng thêm các vật liệu làm nhà đều dễ cháy nên công tác ứng phó khi có cháy cũng rất khó khăn” - Thượng tá Mai Xuân Sang nói.

Ngay sau vụ cháy, Công an huyện Nam Trà My đã chỉ đạo công an xã thăm hỏi, giúp đỡ gia đình, tham gia khắc phục hậu quả, hỗ trợ lo việc chôn cất cho gia đình nạn nhân. Ngoài ra, công an xã đã vào thôn, vừa nắm tình hình, vừa động viên, tuyên truyền, tránh tình trạng người dân bỏ nhà cửa rời đi sau vụ cháy vì hủ tục sợ... “chết xấu”.

“Tuyên truyền vẫn làm thường xuyên, nhắc nhở liên tục, nhưng với tập tục truyền thống của bà con, với đặc thù nhà cửa, cư trú... hiện tại, rất khó để có thể ngăn ngừa triệt để.

Các cấp, ngành, cộng đồng cũng phải chung tay cùng ngành công an trong tuyên truyền vận động, bởi ở vùng cao không thể sử dụng các phương thức tuyên truyền như dưới xuôi, khi người dân không dùng điện thoại thông minh, hệ thống thông tin liên lạc còn hạn chế” - Thượng tá Mai Xuân Sang cho biết thêm.

Tích cực vận động

Những năm gần đây, Tây Giang cũng là địa phương xảy ra nhiều vụ cháy nhà, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân miền núi. Như vụ cháy xảy ra hồi đầu năm tại thôn Arầng (xã A Xan) khiến 5 ngôi nhà cùng tài sản của người dân bị lửa thiêu rụi hoàn toàn.

Để chủ động phòng tránh “giặc lửa”, đảm bảo an toàn cho người dân địa phương, ngay sau vụ cháy, chính quyền huyện Tây Giang tổ chức cuộc họp khẩn để rút kinh nghiệm.

Đồng thời phân công lực lượng tổng rà soát tại các điểm khu dân cư nhằm chủ động phòng tránh nguy cơ hỏa hoạn có thể xảy ra vào thời điểm nắng nóng. Trên cơ sở nâng cao nhận thức người dân về phòng cháy chữa cháy, địa phương phát động phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy, hạn chế thấp nhất nguy cơ hỏa hoạn trong cộng đồng.

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, bên cạnh xây dựng phương án thành lập các tổ liên gia trong cộng đồng dân cư, địa phương bàn kế hoạch xây dựng các bể chứa nước tại cụm hộ gia đình, đồng thời mua sắm các vật dụng cần thiết, đảm bảo các điều kiện phù hợp nhất nhằm chủ động phòng ngừa hỏa hoạn có thể xảy ra bất ngờ.

Ngoài ra, phát huy lực lượng “4 tại chỗ”; vận động, tuyên truyền người dân không trữ củi khô trong nhà, trên gác bếp; tổ chức lực lượng đến kiểm tra, nhắc nhở đến từng hộ gia đình… giúp ngăn ngừa, phòng tránh cháy nổ một cách có hiệu quả.

“Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tại mỗi thôn hoặc khu dân cư cần trang bị chuông báo động nhằm kịp thời thông báo khi có xảy ra hỏa hoạn. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy chuông không phù hợp với điều kiện đời sống tại miền núi nên vận dụng linh hoạt chuyển từ chuông sang hình thức báo động bằng kẻng hoặc trống theo phong tục tuyền thống của đồng bào Cơ Tu trước đây” - ông Blúi cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiểm họa cháy ở vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO