Hỗ trợ hướng nghiệp cho thanh thiếu niên khuyết tật

TRUNG THỰC 01/07/2020 06:10

Tổ chức CRS Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý dự án CRS huyện Thăng Bình tổ chức hội thảo kết nối hỗ trợ hướng nghiệp cho thanh thiếu niên khuyết tật trên địa bàn huyện, tạo cơ hội để thanh thiếu niên khuyết tật được học tập, tìm kiếm việc làm phù hợp.

Những hoạt động cộng đồng sẽ tạo thêm cơ hội gắn kết, hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Ảnh: T.T
Những hoạt động cộng đồng sẽ tạo thêm cơ hội gắn kết, hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Ảnh: T.T

Với chủ đề “Tăng cường hòa nhập xã hội, chăm sóc sức khỏe và giáo dục trẻ em, thanh thiếu niên khuyết tật thông qua các hành động chung của địa phương”, hội thảo lần này nêu lên thực trạng về việc làm của thanh thiếu niên khuyết tật trên địa bàn Thăng Bình. Thông qua đó, dự án CRS sẽ có những phương pháp hỗ trợ cụ thể để định hướng.

Ông Nguyễn Hồng - Trưởng ban đại diện CRS xã Bình Sa cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 36 trẻ khuyết tật. Thông qua các chương trình hỗ trợ từ dự án, phụ huynh trẻ khuyết tật được tham gia tập huấn kiến thức về y tế, phương pháp nuôi dạy trẻ khuyết tật, nhờ đó nhiều em có sự tiến bộ rõ rệt.

“Trong các trường hợp trẻ khuyết tật trên địa bàn xã, em Phan Thị Hạ Thi (9 tuổi, thôn Tiên Đõa) có nhiều tiến bộ nhất. Em bị khuyết tật về trí tuệ, việc đi lại cũng vô cùng khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ từ Tổ chức CRS, các giáo viên đã đến trực tiếp nhà của em để dạy chữ, tập vận động, đồng thời chia sẻ kiến thức chăm sóc cho phụ huynh. Đến nay, em Thi đi lại tốt hơn, biết đọc và viết chữ rất đẹp” - ông Nguyễn Hồng cho biết thêm.

Bà Đinh Thị Nguyệt - Giám đốc Tổ chức CRS Việt Nam cho biết, thời gian qua, tổ chức tiếp cận với từng trẻ khuyết tật tại 5 xã vùng dự án trên địa bàn Thăng Bình, gồm Bình Hải, Bình Sa, Bình Đào, Bình Quý và Bình Lãnh. Qua đó, Tổ chức CRS khảo sát, tư vấn hướng nghiệp cho 32 trường hợp độ tuổi từ 14 đến 21. Qua khảo sát tư vấn, đa số thanh thiếu niên đều có nguyện vọng học các nghề như may, trồng trọt, chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ...

Mục tiêu dự án là xác định phương hướng và kế hoạch rõ ràng, cụ thể để huy động nguồn lực nhằm tạo điều kiện tốt và bền vững nhất hỗ trợ hướng nghiệp cho thanh thiếu niên khuyết tật, qua đó giúp họ cải thiện cuộc sống và giảm thiểu những khó khăn, thiệt thòi trong xã hội.

“Tên viết tắt của dự án này là “I-SHINE - Em tỏa sáng” nên chúng ta cần phải phát hiện cho được khả năng còn lại của trẻ khuyết tật và có phương pháp hỗ trợ phù hợp. Để làm được điều đó rất cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội nhằm xóa bỏ thái độ phân biệt đối xử với người khuyết tật, giúp họ hòa nhập cộng đồng” - bà Đinh Thị Nguyệt cho hay.

Ông Hoàng Châu Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Quản lý dự án CRS huyện Thăng Bình cho biết, hiện nay toàn huyện có hơn 6.700 người khuyết tật; trong đó người khuyết tật độ tuổi 14 - 21 là 235 người. Nguyên nhân khuyết tật do bẩm sinh và bệnh tật là chủ yếu. Trong số này, hơn 50% người khuyết tật ở độ tuổi lao động còn khả năng lao động, trong đó có khoảng 15% có việc làm tạo thu nhập cho bản thân.

“Người khuyết tật không chỉ là đối tượng được ưu tiên mà họ còn cần được nhìn nhận với vai trò tích cực trong xã hội. Vì vậy, giải quyết việc làm cho người khuyết tật không đơn thuần giúp đỡ hay làm từ thiện mà quan trọng hơn đáp ứng nhu cầu chính đáng được làm việc, được ghi nhận của họ. Thời gian tới, huyện sẽ tích cực chỉ đạo các ban, ngành, hội đoàn thể tạo điều kiện, hỗ trợ giải quyết việc làm cho thanh thiếu niên khuyết tật một cách thiết thực và hiệu quả” - ông Hoàng Châu Sơn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ hướng nghiệp cho thanh thiếu niên khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO