Hỗ trợ khắc phục thiệt hại nông nghiệp sau thiên tai: Người dân mòn mỏi đợi chờ

ĐĂNG NGUYÊN 06/07/2022 05:38

Sau gần 2 năm, kể từ khi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, hàng nghìn hộ dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là miền núi cao vẫn chưa nhận được kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại theo Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Nhiều gia đình bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ đang rất cần sự quan tâm của Nhà nước để có cơ hội vực dậy phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài.

Nhiều nhà cửa, hoa màu của người dân Nam Giang bị thiệt hại trong đợt mưa lũ năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Nhiều nhà cửa, hoa màu của người dân Nam Giang bị thiệt hại trong đợt mưa lũ năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Chậm hỗ trợ

Đợt mưa lũ bất thường vào cuối tháng 10.2020 gây thiệt hại lớn về tài sản và hoa màu của hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Cà Dy (Nam Giang). Mặc dù chính quyền địa phương đã thống kê thiệt hại và có báo cáo nội dung liên quan lên cấp trên nhưng đến nay, sau gần 2 năm chờ đợi, người dân vẫn chưa nhận được khoản tiền hỗ trợ nào từ những thiệt hại này.

Ông Hôih Blum (trú thôn Cà Lai, xã Cà Dy) cho biết, chỉ riêng nhà ông đã có hơn 500m2 cây keo 3 năm tuổi, cùng một số diện tích hoa màu khác bị ảnh hưởng bởi đợt lũ đó.

Sau thiên tai, tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị các nội dung liên quan đến lãnh đạo các cấp, nhưng không hiểu sao đến nay, việc chi trả hỗ trợ cho dân vẫn chưa được giải quyết.

“Dân mình kiến nghị rồi đợi chờ mòn mỏi từ năm này sang năm khác nhưng vẫn chưa thấy bất kỳ một đồng hỗ trợ nào. Phải chờ đến bao giờ nữa mới nhận được tiền hỗ trợ?” - ông Blum thắc mắc.

Xã Cà Dy có hàng trăm hộ dân khác cùng chịu cảnh tương tự. Họ cho biết, kinh tế chính của gia đình đều phụ thuộc vào nương rẫy và diện tích trồng keo, hoa màu.

Tuy nhiên, sau thời điểm bị mưa lũ gây thiệt hại, nhiều diện tích rừng trồng bị hư hại, không thể tái sản xuất; trong khi chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại nông nghiệp sau thiên tai chưa được giải quyết khiến người dân chưa thể ổn định cuộc sống.

“Đa số người dân ở đây là người Cơ Tu nên cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng. Nhưng bây giờ, mô hình kinh tế đã bị thiệt hại, tiền hỗ trợ cũng thưa thấy về, người dân biết lấy gì mà tái sản xuất, khôi phục kinh tế đây” - ông Blum ngậm ngùi.

Ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, qua thống kê, trên địa bàn huyện vẫn còn 4 xã với khoảng 2.500 hộ dân chưa nhận tiền hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh với số tiền 8,7 tỷ đồng.

Việc chậm chi trả khiến người dân bức xúc nên tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri người dân liên tục kiến nghị về vấn đề này. Huyện cũng đã có báo cáo cụ thể thiệt hại gửi về Sở NN&PTNT đề nghị làm việc với Sở Tài chính, sớm tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thiệt hại do thiên tai gây ra để huyện sớm thực hiện hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại, kịp thời ổn định cuộc sống.

Bất cập cần giải quyết

Không chỉ riêng Nam Giang, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng trong tình trạng tương tự khiến hàng nghìn hộ dân chưa nhận được tiền hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra từ năm 2020, với số tiền ước lên đến hàng chục tỷ đồng.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Lê Hoàng Linh cho hay, thiên tai năm 2020 gây thiệt hại cho địa phương khoảng 7,1 tỷ đồng. Để kịp thời giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, cùng với ngân sách của tỉnh và trung ương, địa phương cũng đã tạm ứng ngân sách để triển khai hỗ trợ. Tuy nhiên, qua đánh giá, đến nay cũng chỉ mới hỗ trợ được khoảng 40% trong số thiệt hại là 7,1 tỷ đồng.

Theo ông Linh, việc chậm chi trả hỗ trợ là do nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Trong đó, có việc thống kê, báo cáo chậm trễ theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch 43/2015 của Bộ NN&PTNT và Bộ KH-ĐT, do thời điểm cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh gánh chịu dồn dập nhiều cơn bão.

Thông tư liên tịch 43 quy định là sau thiệt hại, chấm dứt thiên tai 15 ngày phải báo cáo thiệt hại để tỉnh tổng hợp, báo cáo trung ương. Sau khoảng thời gian này, nếu không tổng hợp, báo cáo thì sẽ không được giải quyết.

Điều đó gây ra bất cập khi áp dụng thực tiễn tại địa bàn các huyện miền núi, bởi bão lũ dồn dập liên tục, việc báo cáo, thống kê phải thực hiện một cách cụ thể nhằm tránh sai sót.

Chưa kể, thời điểm đó mưa bão rất tàn khốc, thông tin liên lạc với xã vùng cao gần như bị đứt gãy hoàn toàn do tình trạng sạt lở. Vì thế, việc thống kê có phần chậm hơn so với Thông tư liên tịch 43 quy định là điều… dễ hiểu.

Để đảm bảo quyền lợi cho người dân vùng thiên tai, tại các buổi làm việc với Sở NN&PTNT và Sở Tài chính, các huyện miền núi kiến nghị cần tham mưu UBND tỉnh xem xét, cấp kinh phí hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra. Đồng thời đề xuất Bộ NN&PTNT chỉnh sửa, điều chỉnh thời gian quy định cho phù hợp với tình hình thực tế tại miền núi.

Theo Sở NN&PTNT, nguyên nhân chậm hỗ trợ cho người dân do một số huyện báo cáo thiếu, buộc phải báo cáo bổ sung dẫn đến sai với Thông tư liên tịch 43. Vì thế, tỉnh không tổng hợp để hỗ trợ theo nguồn đó nữa nên gây ra vướng mắc tại một số địa phương như hiện nay.

Liên quan vấn đề này, Sở NN&PTNT đã báo cáo với UBND tỉnh để có hướng xử lý, xem xét giải quyết. Trong trường hợp tỉnh còn dự phòng ngân sách thì sẽ chi về các địa phương để hỗ trợ cho người dân.

“Thực tế thiên tai xảy ra mà tổng hợp, báo cáo chỉ trong 15 ngày thì cũng khổ cho các huyện. Thông tư liên tịch 43 bất cập khi áp dụng, và thực tế chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh kiến nghị Trung ương sửa chữa thông tư này sao cho phù hợp nhất” - một vị đại diện Sở NN&PTNT nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ khắc phục thiệt hại nông nghiệp sau thiên tai: Người dân mòn mỏi đợi chờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO