Học sinh vùng sạt lở ở Phước Sơn: Chông chênh đường đến trường

TẤN SỸ 13/11/2020 10:08

Thiên tai, sạt lở núi, trường sập, nhà cửa bị nước lũ cuốn trôi… là rào ngăn cho ước mơ tìm kiếm con chữ của trẻ em huyện Phước Sơn trong những ngày này.

Trường học bị hư hỏng do bão số 9 gây ra. Ảnh: T.S
Trường học bị hư hỏng do bão số 9 gây ra. Ảnh: T.S

Phụ huynh lo lắng

Khu đất trống chật hẹp của nhà ông Hồ Văn Siêng ở thôn 2, xã Phước Thành (Phước Sơn), giờ trở thành điểm vui chơi cho trẻ con trong làng. Từ khi nhà cửa bị cuốn trôi theo dòng nước lũ, người lớn phải bận rộn lên nương rẫy mót lúa, tìm cái ăn cho cả gia đình.

“Nhà cửa trôi hết rồi, giờ ở tạm với bà con trong làng, sau đó làm nhà khác để ở. Nghèo khó thì chịu được, nhưng con không đi học cái bụng mình lo lắm. Trường lớp hư hỏng, thầy cô về xuôi hết, không biết bao giờ con mình mới được đến trường” - ông Hồ Văn Siêng nói.

Tương tự, ông Hồ Văn Minh chia sẻ: “Ba đứa con của mình không được đi học nhiều ngày nay, ở nhà cũng không có ai trông coi. Vợ chồng mình phải đi mót lúa, nhổ sắn, rồi kiếm củi để lo cho 5 miệng ăn. Mong sao các thầy cô giáo sớm lên để con mình được đi học”.

Ông Đinh Văn Qua - Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Thành cho biết, toàn xã có 560 học sinh của ba bậc học mầm non, tiểu học và THCS. Sau bão số 9, phần lớn các em đều nằm trong diện nhà sập, nhà trôi, bố mẹ phải lo cái ăn qua ngày, còn trường học bị hư hỏng, thầy cô giáo về xuôi hết. Xã cũng chưa biết sẽ tính toán thế nào về chuyện đi học của các em, vì hiện nay xã vẫn bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.

Trường học thành nơi lánh nạn

Bão số 9 đã gây sạt lở vùi lấp khu nội trú của giáo viên Trường Tiểu học - THCS xã Phước Thành. Không nơi ở, nên các thầy cô giáo cắt rừng về xuôi lánh tạm. Trong khu nội trú của học sinh, chỉ còn hai vợ chồng thầy giáo Hồ Văn Tin. Theo thầy giáo Tin, do con còn nhỏ nên vợ chồng không thể về được, chứ ở lại đây rất nguy hiểm, vì lo sạt lở núi phía sau trường.

“Lo sạt lở trường là một phần, nhưng học sinh bỏ học, nghỉ học là điều mà bản thân là một giáo viên như mình lo lắng. Hiện nay, bà con đều nghèo khó, trường lớp thì hư hỏng nghiêm trọng và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, nên cũng chưa biết đến khi nào mới đến lớp dạy chữ cho học trò. Nhiều giáo viên trường mình ở miền xuôi, giờ có quay lại trường cũng không biết sẽ ở đâu, vì khu nội trú đã bị sạt lở, vùi lấp. Nhiều thầy cô bị trôi hoàn toàn xe máy, trang thiết bị sinh hoạt trong gia đình” - thầy Tin nói thêm.

Còn tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS xã Phước Lộc, 15 ngày nay, toàn bộ phòng học, khu nội trú của học sinh, giáo viên đều dành cho người dân 3 thôn lân cận về lánh nạn. Trước nguy cơ sạt lở, xã Phước Lộc đã di chuyển toàn bộ 215 hộ dân về sinh sống tập trung tại trường.

Thầy giáo Trần Đình Ngộ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong số 11 nạn nhân bị vùi lấp ở thôn 3, có 4 học sinh của trường, chúng tôi rất đau lòng. Sau đợt mưa bão, ổn định cuộc sống cho người dân, chúng tôi sẽ tiến hành dạy bù, dạy tăng tiết để các em theo kịp chương trình. Còn với 4 học sinh qua đời do bão lũ, trường sẽ kêu gọi trong hội đồng sư phạm để thăm hỏi, động viên gia đình bố mẹ các em”.

Trực tiếp đến kiểm tra, thăm hỏi, động viên tại hai xã vẫn còn bị cô lập là Phước Thành và Phước Lộc, ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nhấn mạnh, địa phương cần quan tâm đến công tác giáo dục. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học sau bão lũ. Phải đảm bảo môi trường an toàn cho thầy cô giáo và học sinh khi quay lại trường học. Tạm thời vẫn cho học sinh nghỉ, đến khi thông đường và công tác khắc phục bão lũ đã cơ bản, mới cho học sinh hai xã này đến trường. Lúc này nhà trường cần có kế hoạch tăng tiết, dạy bù hợp lý để kịp chương trình năm học.

Tiếp sức học sinh vùng lũ

Khoảng 1,5 tấn sách giáo khoa, vở, bút và 400 chiếc mền do Hội đồng Đội tỉnh phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức đã và đang đến với học sinh huyện Nam Giang, Nông Sơn và Nam Trà My.

Học sinh Trường THCS liên xã Cà Dy - Tà Bhing nhận sách vở mới. Ảnh: L.T.V
Học sinh Trường THCS liên xã Cà Dy - Tà Bhing nhận sách vở mới. Ảnh: L.T.V

Mặc dù sân trường vẫn còn bừa bộn do ngập nước và bùn đất sau những trận mưa lũ vừa qua, thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS liên xã Cà Dy - Tà Bhing (huyện Nam Giang) cùng ra đón đoàn, chung tay chuyển sách giáo khoa, vở, bút viết từ trên xe xuống đưa vào phòng, sắp xếp gọn gàng để trao ngay cho 200 học sinh khó khăn vừa bị nước lụt làm hư hỏng hết sách vở.

Cô giáo Lê Cảnh Phương Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Bão số 9 cùng với mưa lũ những ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề cơ sở vật chất của nhà trường. Nước dâng cao trên 1,5m, làm ngập 3 phòng học, 2 phòng ăn học sinh và nhà bếp. Toàn bộ sách vở của học sinh đều hư hỏng do bị ngâm nước; chén đũa, xoong nồi, thau rổ, đồ dùng nhà bếp bị nước cuốn trôi”.

Đoàn công tác đã tiếp tục trao 200 phần quà gồm sách, vở và mền cho học sinh Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu (xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn). Bên cạnh đó, gần 500 phần quà gồm sách giáo khoa, tập vở, bút viết cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng đến với học sinh Trường Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My). Hiện tuyến đường từ Đà Nẵng lên Nam Trà My vẫn còn những điểm sạt lở chưa xử lý xong, 500 phần quà trên sẽ được chuyển đến học sinh ngay khi đường thông tuyến. (LÊ THANH VY)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học sinh vùng sạt lở ở Phước Sơn: Chông chênh đường đến trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO