Hồi ức ngày giải phóng...

PHƯƠNG GIANG - LÊ MỸ 24/03/2023 07:09

Tháng Ba về, nắng lại rực trên những con đường đầy cờ hoa. Trên tầng 3 của một ngôi nhà góc phố Phan Bội Châu (TP.Đà Nẵng), ông Trần Chí Thành - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Bí thư Thị ủy Tam Kỳ lại rưng rưng lần giở những trang tài liệu cũ. Những trang giấy in dấu tháng năm, lưu giữ bao hồi ức về ngày giải phóng Tam Kỳ suốt 48 năm, kể từ 24/3/1975.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Chí Thành cùng vợ. Ảnh: T.C
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Chí Thành cùng vợ. Ảnh: T.C

Chuẩn bị thời cơ

Lần thứ hai chúng tôi trở lại gặp ông Trần Chí Thành trong căn nhà ở đường Phan Bội Châu, Đà Nẵng. Trước đó, trong một lần tìm kiếm nhân chứng của trận đánh Mậu Thân 1968, chúng tôi có dịp đến gặp ông.

Vẫn là một sự ngạc nhiên xen lẫn niềm thán phục, khi ông trưng ra những tài liệu, sổ sách được lưu giữ cẩn thận gần 50 năm qua. Không nhiều người như ông, khi với chừng ấy thời gian vẫn giữ gìn tư liệu rất cẩn thận, chỉn chu. Ông nói, đó là những thứ không thể quên và không được phép lãng quên, vì trong đó có cả máu xương của đồng đội...

“Tôi đã sống đầy niềm tin. Sống và chiến đấu. Tôi nhớ, đồng đội tôi khi đó, sau quá nhiều khó khăn, nhiều lúc cận kề sống chết, có lần hỏi tôi rằng: Anh Bảy ơi, biết chừng nào mình có thể đi công khai, hiên ngang trên đường phố Tam Kỳ? Tôi nói, ngày đó sắp đến rồi.

Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là mục tiêu của mình, là mục tiêu của Đảng, của cả dân tộc này. Chúng tôi đồng cam cộng khổ, cùng chia nhau từng nắm cơm, hạt muối, nhưng rồi nhiều anh em đã hy sinh. Anh em nằm xuống là mất mát lớn của mình, của cách mạng” - ông bắt đầu câu chuyện. Sâu trong khóe mắt, có chút gì rưng rưng hằn in, cùng với những nếp nhăn tuổi tác giăng kín trên gương mặt người già...

 

“Tôi vẫn nhớ về lời anh em đã nói với tôi ngày ấy, về ước mơ có một ngày được đi hiên ngang, công khai giữa thị xã Tam Kỳ...”.

(Ông Trần Chí Thành - nguyên Bí thư Thị ủy Tam Kỳ)

Ông Thành kể, sau Mậu Thân 1968, địch đánh chiếm lại nhiều vùng, bàn đạp tấn công thị xã Tam Kỳ bị tái chiếm. Cán bộ hợp pháp, giao liên bị dồn vào ấp chiến lược, rất khó phát triển phong trào. Tình hình rất khó khăn. Cuộc chiến còn dài, nhiều anh em đã lần lượt hy sinh. Thực lực cách mạng không còn như trước. Trong lúc đó, ông được Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Thắng xuống gặp, bàn việc giải phóng Tiên Phước, đồng thời chuẩn bị những điều kiện để giải phóng Tam Kỳ khi có thời cơ.

“Tôi nghe được mà mừng lắm. Nhưng liền lúc đó là những lo lắng: lực lượng thị xã để giải phóng và việc giữ bí mật cho kế hoạch giải phóng. Cuối tháng 2/1975, ta giải phóng Tiên Phước. Địch tìm cách tăng viện tái chiếm, đúng vào ý đồ chỉ đạo của trên. Tôi về thị xã, triệu tập Ban Thường vụ Thị ủy để bàn biện pháp thực hiện.

Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, thị xã phải chuẩn bị đầy đủ phương án, rà soát nắm tình hình, sẵn sàng điều kiện để tấn công và nổi dậy giành chính quyền. Tôi được phân công chỉ huy trực tiếp việc nổi dậy cướp chính quyền, phối hợp các lực lượng để thực hiện.

Các đội công tác được hình thành, bộ phận khởi nghĩa ở từng phường bắt đầu tính toán triển khai kế hoạch. Cơ sở của ta ở thị xã bắt đầu may cờ, khẩu hiệu, chuẩn bị vũ khí đưa đi cất giấu tại một xưởng ép dầu. Mỗi phường đều hình thành lực lượng sẵn sàng khởi nghĩa” - ông Thành kể.

Sau khi giải phóng Tiên Phước, phong trào đấu tranh của quần chúng lên cao, tác động mạnh đến tư tưởng của địch. Mọi ty, sở của địch đều hoang mang dao động. Nhưng lúc này, địch tập trung về Tam Kỳ đông hơn cả dân.

“Đi lớ quớ, đụng đầu địch, nếu chúng nổ súng thì hỏng việc lớn. Nên mọi việc lúc đó đều được tính toán, triển khai rất thận trọng” - ông Thành nhớ lại.

Quyết tâm giải phóng thị xã

Phương án tác chiến được chuẩn bị kỹ càng, các đồng chí Thường vụ Thị ủy đều được phân công nhiệm vụ cụ thể. Ngoài công tác chuẩn bị về lực lượng, dự kiến các tình huống xảy ra cũng được bàn bạc kỹ lưỡng.

Đặc biệt, mũi xuống cầu Tam Kỳ, nếu địch đánh sập cầu thì đội công tác phải dẫn bộ đội đi vòng xuống bến dưới, ngay vị trí mấy lò gạch, nước cạn có thể sang sông được. Lúc đó, Thị ủy cũng đã chỉ đạo viết sẵn mệnh lệnh khởi nghĩa, danh sách ban quân quản, chính sách của cách mạng để khi chiếm được tỉnh đường sẽ kịp thời công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Thành xúc động nói: “Chiều 23/3/1975, chúng tôi tuyên thệ ra quân. Anh em ôm nhau, mừng quá mà khóc. Tôi căn dặn anh em phải tỉnh táo, cẩn thận, nhắc anh em khi chiếm lĩnh được rồi tuyệt đối không được bắn bừa giết ẩu, không lấy tài sản của dân, tập trung đưa nhân dân nổi dậy.

Ngày giải phóng, lực lượng của ta đi đến đâu, quần chúng đưa cờ, băng rôn nổi lên đến đó. Cuộc tấn công giải phóng Tam Kỳ diễn ra nhanh chóng và giành thắng lợi giòn giã. Vào lúc 10 giờ 30 ngày 24/3/1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên nóc tỉnh đường Quảng Tín. Ngay sau đó, chính quyền cách mạng công bố danh sách Ủy ban Quân quản thị xã”.

Theo lời ông Thành, sau giờ giải phóng, Thị ủy Tam Kỳ ra lệnh cho bộ đội tổ chức nhân dân đào hầm trú ẩn tránh bom. Khoảng 11 giờ trưa, hai chiếc máy bay của địch quần thảo thả bom, pháo cao xạ của ta phản kích, máy bay địch nhanh chóng rút đi. Những người đứng đầu lúc này mới trút được tiếng thở phào.

Ngay ngày hôm sau, Tỉnh ủy xuống họp bàn, công tác kiểm soát an ninh được triển khai tương đối tốt, tình hình yên ổn. Chủ trương của ta là ổn định mua bán, chợ búa, huy động người ở lại bệnh viện. Không có giao tranh, tránh được nhiều thương vong, đó là một kết cuộc rất đẹp, khẳng định sức mạnh đoàn kết, ý chí quân dân một lòng của Tam Kỳ. Ước mơ đã thành hiện thực, bằng tình yêu, bằng nghĩa nặng vì lý tưởng của tất cả. Tam Kỳ trở thành thị xã đầu tiên trên trục quốc lộ 1 được giải phóng.

Sau khi cân nhắc và thống nhất trong Ban Thường vụ Thị ủy, ông Trần Chí Thành quyết định sử dụng toàn bộ cơ sở và một số sĩ quan của ngụy là con em các đồng chí lãnh đạo đi tập kết bị bắt đi lính ra trình diện. Ngay từ chiều 24/3/1975, lực lượng này được thay quần áo và giao nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự.

Công tác an ninh tiếp tục được thắt chặt nhiều ngày sau đó, không có cướp bóc tranh chấp. Lực lượng địch được vận động ra trình diện, nộp hết quân trang vũ khí. Ông Thành kể, mừng nhất là trong cuộc tranh đấu lớn như thế, dân không mất một người, cơ sở vật chất vẫn còn nguyên vẹn, vũ khí, khí tài của địch được tiếp quản.

Đã 48 năm trôi qua. Đọng lại trong ông Thành là những hồi ức về đồng đội. Sau này, ông Thành hối thúc thị xã xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, nằm ngay cạnh quốc lộ 1. “Tôi vẫn nhớ về lời anh em đã nói với tôi ngày ấy, về ước mơ có một ngày được đi hiên ngang, công khai giữa thị xã Tam Kỳ. Đó là công trình đầu tiên mà tôi đau đáu, và đã làm được.

Đồng đội ơi, dù đồng đội đã hy sinh, nhưng bây giờ, anh em có thể nằm lại ngay bên quốc lộ 1 như nguyện ước ngày xưa, chúng tôi đã hoàn thành tâm nguyện lớn của cuộc đời cách mạng. Đó là tâm nguyện lớn của những người đã ngã xuống mà chúng tôi có trách nhiệm phải giữ vẹn tròn” - ông Thành chia sẻ.

Tháng Ba gọi về niềm nhớ, những ký ức đẹp lại sống dậy, vẹn nguyên và đầy xúc động trong lòng ông Trần Chí Thành. Thành phố bây giờ, rực rỡ cờ hoa...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hồi ức ngày giải phóng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO