Khắc phục hậu quả bão số 9 tại Hiệp Đức và Phước Sơn: Tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích

VIỆT NGUYỄN 30/10/2020 10:08

Chủ trì buổi làm việc của đoàn công tác UBND tỉnh với 2 huyện Phước Sơn và Hiệp Đức vào hôm qua 29.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu các địa phương dốc sức khắc phục hậu quả của bão số 9, đặc biệt là khẩn trương tìm kiếm người mất tích trên địa bàn.

Hiện trường vụ sạt lở ở xã Phước Lộc. Ảnh: CTV
Hiện trường vụ sạt lở ở xã Phước Lộc. Ảnh: CTV

Nỗ lực tìm kiếm người mất tích

Tại xã Phước Lộc (Phước Sơn), ngày 28.10, khi bão số 9 đang diễn ra, trong quá trình hỗ trợ người dân tránh bão, anh Hồ Văn Độ - Phó Bí thư Đoàn xã và anh Hồ Văn Sợ - cán bộ phụ trách dân vận xã đã bị mất tích do sạt lở đất đột ngột.

Trung tá Nguyễn Trung Kiên - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phước Sơn cho biết, ngay khi 2 cán bộ mất tích, UBND xã Phước Lộc đã huy động toàn lực khẩn trương tìm kiếm. Tuy vậy, do địa hình hiểm trở, núi cao, vực sâu, đất đá lấp đường đi nên khó tiếp cận hiện trường. Các ngành chức năng của huyện gồm quân sự, công an, thanh niên... cũng đã thành lập 2 mũi xung kích để tìm kiếm các nạn nhân. “Vụ việc diễn ra rất đau lòng, không ai có thể lường trước được. Chúng tôi huy động toàn lực, mong tìm kiếm 2 cán bộ càng sớm càng tốt” - ông Kiên nói.

Bão số 9 gây thiệt hại nặng nề về người ở 2 huyện Phước Sơn và Hiệp Đức. Vào chiều 28.10, vụ sạt lở đất đá nghiêm trọng diễn ra ở thôn 6, xã Phước Lộc (Phước Sơn) khiến 11 người dân mất tích. Đến chiều 29.10, 5 nạn nhân đã được tìm thấy thi thể, 6 nạn nhân còn lại đang được các ngành chức năng nỗ lực tìm kiếm.

Trong khi đó, ở huyện Hiệp Đức, bà Đỗ Thị Thuấn (thôn Bình Kiều, xã Hiệp Hòa) bị mất tích khi bão số 9 diễn ra. Các lực lượng chức năng của huyện, xã đang nỗ lực tìm kiếm. Ông Nguyễn Như Công - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, sự việc xảy ra đối với bà Thuấn là rất xót xa. Dù đã được đưa đi lánh nạn nhưng không hiểu sao bà Thuấn lại đi ra ngoài khu vực an toàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, đối với 2 cán bộ xã Phước Lộc mất tích, các lực lượng của huyện cần cố gắng hơn nữa, tiếp cận hiện trường, bố trí đầy đủ cơ sở vật chất để tìm nạn nhân càng sớm càng tốt. Các cơ quan chức năng của huyện thực hiện đầy đủ chính sách với 2 cán bộ nói trên. Đối với 8 nạn nhân mất tích ở xã Phước Lộc, các lực lượng của tỉnh đang đến hiện trường, hỗ trợ lực lượng của huyện, xã khẩn trương tìm kiếm. Còn nạn nhân ở huyện Hiệp Đức, lãnh đạo huyện, xã tích cực hơn nữa để tìm kiếm, nếu không may bà Thuấn đã qua đời thì lo hậu sự chu đáo.

Khắc phục thiệt hại

Ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Phước Sơn cho biết, thiệt hại bão số 9 gây ra đối với địa phương là rất lớn. Trên địa bàn có 142 ngôi nhà hư hỏng hoàn toàn, 30 ngôi nhà bị hỏng 50%. Các tuyến đường Hồ Chí Minh, tuyến ĐH, ĐX bị sạt lở, tắc đường, giao thông tắc nghẽn. Nhiều công trình hạ tầng khác cũng hư hỏng nặng nề như trường học, trạm y tế, các cầu ngầm qua sông. Diện tích lúa rẫy bị ngã đổ là 270ha. Trâu bò, gia cầm chưa thể thống kê thiệt hại vì quá nhiều.

“Xã Phước Lộc chịu nhiều thiệt hại nhất khi ngoài 10 người mất tích thì còn 200 công nhân, kỹ sư của Công ty Thủy điện Đăk Mi 2 đang mắc kẹt tại nhà máy. Chúng tôi đã huy động 4 tấn gạo và sẽ vận chuyển thêm nhiều tấn gạo khác để hỗ trợ người dân, công nhân, kỹ sư, không để họ thiếu ăn” - ông Nguyễn Quảng nói.

Ở huyện Hiệp Đức, 6 ngôi nhà bị sập hoàn toàn do bão, 122 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn, 2.169 ngôi nhà bị tốc mái hơn 50%, 2.714 ngôi nhà bị hỏng 30 - 50%. Về giao thông, cầu ngầm xã Quế Thọ hư hỏng nặng, các tuyến đường ĐH, ĐX bị sạt lở, chưa thể thống kê hết. Nhiều tuyến kênh thủy lợi bị bão tàn phá, bồi lấp, sạt lở. Trụ sở UBND xã Bình Lâm, Quế Thọ, Thăng Phước bị tốc mái hơn 50%. Thiệt hại nặng nề nhất là lĩnh vực nông nghiệp khi toàn huyện Hiệp Đức có 724ha cao su bị ngã hoàn toàn, 387ha bị ngã hơn 50%. Ngoài ra, còn có 9.671ha keo nguyên liệu, 5,2ha cây ăn trái bị ngã đổ.

“Công an huyện, quân sự huyện không quản ngại khó khăn, chủ động phối hợp với các lực lượng cắt, chặt cây ngã đổ ra đường để thông tuyến vào sáng 29.10. Ngành nông nghiệp đang rà soát hư hỏng của các công trình thủy lợi. Chúng tôi tiếp tục di dời người dân ra khỏi các ngôi nhà bị tốc mái, huy động các đoàn thể, tổ chức lợp lại ngói, tôn giúp người dân” - ông Nguyễn Như Công nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân ghi nhận nỗ lực của các địa phương trong việc khắc phục hậu quả bão số 9, từng bước ổn định đời sống người dân. “Bão đã tàn phá ghê gớm, không còn cách nào khác, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, các địa phương cần huy động cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc, khắc phục khó khăn. Ngành nông nghiệp sẽ tham mưu UBND tỉnh để cơ cấu lại ngành trồng trọt nói riêng, nông nghiệp nói chung, giúp các địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khắc phục hậu quả bão số 9 tại Hiệp Đức và Phước Sơn: Tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO