Ký ức Phú Ninh

VĨNH LỘC  (Ghi theo lời kể của ông Lê Trí Tập) 24/03/2017 09:20

Đã tròn 40 năm kể từ ngày khởi công xây dựng đại công trình thủy lợi hồ Phú Ninh, ký ức về những ngày “tất cả vì Phú Ninh” vẫn còn sâu lắng trong ông - người đã gắn bó và chứng kiến những thời khắc lịch sử của công trình vĩ đại này.

Dưới góc nhìn của ông - một chuyên gia về thủy lợi, hồ Phú Ninh như “chìa khóa” làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống người dân vùng nông thôn rộng lớn phía nam sông Thu Bồn. Ông là Lê Trí Tập - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Một góc hồ Phú Ninh.
Một góc hồ Phú Ninh.

Sự ra đời tất yếu

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Tập.
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Tập.

Câu đầu tiên ông nói với tôi khi biết mục đích chuyến viếng thăm: “Chuyện hồ Phú Ninh mình trả lời báo chí nhiều lắm rồi, cũng chỉ những chuyện xưa cũ thôi”. Nói vậy, nhưng ông vẫn hào hứng khi nhắc đến công trình này. Theo ông Lê Trí Tập, việc xây hồ Phú Ninh là một quá trình được thai nghén lâu dài, manh nha khởi đi từ những năm 1930 dưới thời Pháp thuộc. Tuy vậy, có 2 giai đoạn rõ nét nhất liên quan đến công việc xây đập Phú Ninh. Lần thứ nhất, vào khoảng năm 1952 – 1953, đây là năm hạn hán khốc liệt. Cả một vùng từ Duy Xuyên đến Núi Thành nơi đâu cũng khô cằn. Chính quyền Quảng Nam và khu V lúc bấy giờ vận động người dân vùng tự do lên làm thủy lợi.

Ông Hồ Nghinh khi đó là Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam được cử làm trưởng ban chỉ huy công trường xây dựng đập thác Mui (nay nằm trong lòng hồ Phú Ninh) dẫn nước về tưới cho đồng ruộng vùng Tam Kỳ. Năm 1953, lực lượng dân công bắt đầu đắp đập thác Mui, khai thông mương xuống đến đèo Tư Yên, nhưng tới đây thì gặp phải vỉa đá bên dưới không thể đào được, kể cả huy động dân chặt củi đặt lên trên đốt cho đá nóng để… nứt ra đục nhưng vẫn bất lực, việc dẫn nước coi như thất bại. Đến năm 1958-1959 chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ tiếp tục làm lại con đường thác Mui nhưng cũng không thành công do là vùng tranh chấp.

Sau ngày giải phóng, việc đầu tiên Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng quyết định là phải làm các công trình thủy lợi để đưa nước về đồng ruộng sản xuất nông nghiệp nhằm có lúa gạo cho dân ăn khi về lại quê hương. Trước mắt, tập trung làm các hệ thống trạm bơm dọc sông Vu Gia, Thu Bồn để tưới các vùng đồng bằng lân cận; đắp các hồ chứa nhỏ và vừa ở một số địa điểm như Cao Ngạn, hố Giang; sửa lại các công trình Vĩnh Trinh, Thạch Bàn… Thế nhưng tất cả công trình đó vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu tưới nước trên một vùng rộng lớn Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành. Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh mới giở xem lại bản quy hoạch chương trình phát triển kinh tế thời hậu chiến của ông Vũ Quốc Thúc - một chuyên gia về kinh tế dưới thời chính quyền cũ, trong đó có phần phát triển các công trình thủy lợi để tưới cho Quảng Nam.

Du khách tham quan hồ Phú Ninh.
Du khách tham quan hồ Phú Ninh.

Bên cạnh một số phương án như làm trạm bơm ở sông Bà Rén đưa nước ngược vào tưới các vùng Quế Sơn, Thăng Bình hay làm trạm bơm lớn gần cầu Chiêm Sơn (Duy Trinh, Duy Xuyên) dẫn nước từ Thu Bồn - Vu Gia đi men núi vào phía trong thì có một phương án khác là xây hồ Phú Ninh cung cấp nước khu vực đồng ruộng phía nam song song với xây hồ và trạm bơm ở phía bắc. Từ phương án trên tỉnh thống nhất trước mắt tập trung làm xong ở phía bắc, riêng hồ Phú Ninh sẽ phối hợp cùng Bộ Thủy lợi khảo sát thiết kế để có nước tưới khu vực Tam Kỳ, Thăng Bình… Ông Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ đã đề nghị Bộ Thủy lợi và Chính phủ cho khảo sát làm hồ Phú Ninh với quyết tâm phải giải quyết được vấn đề lương thực.

Lợi ích tổng hợp

Sau khi thống nhất, Bộ Thủy lợi đảm nhận thiết kế đầu mối và kênh chính còn địa phương thiết kế phần kênh cấp 1 trở xuống đến kênh nội đồng. Đặc biệt, thiết kế lần này cũng nâng sức chứa hồ Phú Ninh từ tưới cho khoảng 10 nghìn hecta lên 23 nghìn hecta nhằm không chỉ cung cấp nước cho vùng Tam Kỳ (gồm Núi Thành ngày nay), Thăng Bình, Quế Sơn mà kéo ra đến Duy Xuyên. Cùng với đó, dung tích hồ cũng được nâng lên 350 triệu mét khối, dung tích tối đa chống lũ là 370 triệu mét khối. “Xây dựng hồ Phú Ninh là phương án độc nhất được ghi vào trong quy hoạch lúc bấy giờ. Theo quy hoạch của tỉnh lúc này, phía bắc làm hệ thống trạm bơm, phía nam làm Phú Ninh, phía tây làm các hồ chứa và công trình nhỏ và vừa, nên khi đưa ra đã được thống nhất cao. Do đó, khi triển khai Phú Ninh cả tỉnh  chỉ có duy nhất câu khẩu hiệu: Cả tỉnh tập trung cho Phú Ninh, tất cả vì Phú Ninh” - ông Tập kể.

Với phương châm vừa quy hoạch vừa triển khai theo quy hoạch, vừa bổ sung hoàn chỉnh, vừa thiết kế vừa thi công và tranh thủ khai thác; hệ thống đầu mối kênh của các trạm bơm, máy móc điện nước là do tỉnh chủ trì thi công còn kênh mương ở dưới các địa phương là do huyện tổ chức thi công. Tính từ khi bắt tay nghiên cứu thiết kế công trình đầu năm 1976 đến lúc khởi công kênh mương 29.3.1977 và khởi công đầu mối ngày 14.7.1977, thời gian thiết kế và các thủ tục chỉ hơn 1 năm, tiến độ khá nhanh. Lực lượng thi công lúc này bên cạnh đơn vị thi công cơ giới mạnh nhất của Bộ Thủy lợi, mỗi huyện trong tỉnh cũng cử vào một ban chỉ huy công trường cho Phú Ninh.

Ngày 29.3.1979 chính thức chặn dòng sông Tam Kỳ, cụm đầu mối Phú Ninh đã qua 4 lần thử thách vượt lũ an toàn; các hạng mục đầu mối như đập chính, đập phụ, cống Bắc, cống Nam, tràn xả lũ lần lượt hoàn thành và bắt đầu phát huy tác dụng.     

Các tuyến kênh chính, cấp I, II khi thi công xong đến đâu, được bàn giao đưa vào vận hành khai thác đến đó. Vụ hè thu năm 1980, từ cửa cống nam của hồ Phú Ninh, dòng nước mát lành đã theo các kênh về tưới cho cánh đồng khô hạn của các huyện Tam Kỳ và Núi Thành; năm 1981 nước đã về đến kênh N14 tưới cho HTX Bình Trung (Thăng Bình) và cuối cùng nước hồ Phú Ninh đã vượt qua sông Ly Ly để về đến Quế Sơn (1983).

Ông Lê Trí Tập khẳng định, sự ra đời của công trình hồ Phú Ninh có ý nghĩa rất lớn, giúp thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn Quảng Nam sau giải phóng để cùng với hệ thống thủy lợi từ bắc vào nam góp phần giúp Quảng Nam - Đà Nẵng gần như hoàn chỉnh về phần tưới, chưa nói giải quyết tiêu và các vấn đề khác. Đặc biệt, nếu như trước giải phóng khu vực phía nam là các vùng khô cằn không có nước, mỗi năm chỉ làm một vụ lúa nhờ mưa tháng 8, nhưng khi hồ Phú Ninh hình thành, mỗi năm nông dân làm được 3 vụ, điều này giúp tạo thêm sản lượng lương thực trên một diện tích đất tốt hơn. Từ chỗ thiếu lương thực, đến năm 1985 - 1987 lúa gạo đã ổn định, có tích trữ và bắt đầu xuất ra các địa phương khác. “Hồ Phú Ninh có 6 chức năng và ưu điểm gồm: tưới nước cho sản xuất, cung cấp nước sản xuất nông nghiệp; cung cấp nước cho sinh hoạt; nước cho công nghiệp; nuôi trồng thủy sản; cải tạo môi trường, chống hoang hóa; cuối cùng là giao thông đường thủy và du lịch” - ông Lê Trí Tập phân tích.

Bốn mươi năm đã trôi qua, hồ Phú Ninh ngày càng khẳng định vai trò tổng hợp này cũng như gắn với những đổi thay của vùng đất. Còn với nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Tập thì hồ Phú Ninh là một câu chuyện đầy cảm xúc nhưng cũng nhiều trăn trở khi vẫn chưa thể phát huy hết những tiềm năng lợi thế vốn có, nhất là du lịch để đóng góp nhiều hơn vào quá trình phát triển kinh tế xã hội địa phương hiện nay và những năm đến.

VĨNH LỘC
 (Ghi theo lời kể của ông Lê Trí Tập)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức Phú Ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO