Lắng nghe tiếng nói trẻ em

XUÂN HIỀN 17/09/2021 06:25

Diễn đàn Trẻ em tỉnh Quảng Nam năm 2021 diễn ra hôm qua 16.9, ghi nhận khá nhiều ý kiến của trẻ em xung quanh các vấn đề dạy và học trực tuyến, công tác bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh...

Diễn đàn Trẻ em Quảng Nam năm 2021 ghi nhận nhiều khuyến nghị của trẻ em.
Diễn đàn Trẻ em Quảng Nam năm 2021 ghi nhận nhiều khuyến nghị của trẻ em.

Hơn 50 ý kiến từ 18 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố thật sự làm “nóng” diễn đàn; những thắc mắc, vấn đề các em nêu được các cấp ngành có liên quan phản hồi ngay.

Những vấn đề bức thiết

Từ điểm cầu TP.Tam Kỳ, em Nguyễn Trần Bảo Trâm cho rằng, đuối nước là vấn đề được quan tâm hàng đầu, ở những vùng khó khăn không có điều kiện, các bạn nhỏ thường bơi ở ao hồ sông suối và xảy ra tai nạn thương tâm. “Vậy biện pháp gì để nâng cao và cải thiện kỹ năng bơi ở những vùng khó khăn?” - Bảo Trâm nêu. Đây cũng là vấn đề rất nhiều em ở các điểm cầu đưa ra.

“Ở Duy Xuyên hiện nay hồ bơi tại nhà trường rất ít. Địa phương của em năm nào cũng có hiện tượng ngập úng, lũ lụt. Kỹ năng bơi và vấn đề phòng chống đuối nước là điều cần thiết cho trẻ em hiện nay” - em Mỹ Ngọc, huyện Duy Xuyên phát biểu.

Cùng với đó, việc học trực tuyến là điều được trẻ ở các điểm cầu quan tâm. Em Phan Thị Hoài Dương ở huyện Phú Ninh nói, trong quá trình học trực tuyến, nhiều bạn không có trang thiết bị, vậy phương án nào để đảm bảo những bạn học sinh không có phương tiện học tập vẫn có thể tiếp thu được kiến thức.

“Nếu gia đình không đủ điều kiện để mua sắm thì cần có những giải pháp nào để các bạn vẫn theo kịp chương trình? Khi học trực tuyến, giải pháp nào để quản lý học sinh?” - một bạn tại huyện Nông Sơn chia sẻ...

 

Bạn Bùi Long Khánh, thiếu nhi TP.Tam Kỳ cho rằng, trong mùa bão, nhiều trường hợp tai nạn thương tâm đã xảy ra.

“Việc tiếp cận và cứu trợ cho trẻ em ở những vùng thiên tai, cùng với việc đảm bảo học tập trực tuyến trong mùa mưa bão sẽ được thực hiện ra sao? Việc phủ sóng trong điều kiện học trực tuyến ở các địa phương miền núi sẽ gặp nhiều khó khăn trong các tháng mưa bão sắp tới. Vậy cô chú sẽ đưa ra những giải pháp như thế nào để việc học tập được thông suốt” - Long Khánh phát biểu.

Tương tự, một bạn tại huyện Nam Trà My cho biết, giải pháp nào để học sinh yên tâm đến trường trong mùa mưa bão sắp tới, khi các bạn luôn nơm nớp về tình trạng sạt lở đất, lũ quét ở địa phương.

“Hứa” với trẻ em

Tại diễn đàn, 12 kiến nghị của các em đã được gửi tới các cấp ngành liên quan, từ việc bảo vệ trẻ em toàn diện trước những diễn biến khó lường của thiên tai, dịch bệnh; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình, kỹ năng phòng chống tai nạn, thương tích và đuối nước của trẻ em; kỹ năng sử dụng internet, mạng xã hội đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho trẻ em và giáo viên khi tham gia hoạt động dạy học trực tuyến; ngăn chặn ngay tình trạng ma túy và các chất gây nghiện tràn lan xâm nhập vào học đường; người lớn, gia đình và các cơ quan, tổ chức lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình bằng trách nhiệm, sự quan tâm và tôn trọng. Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm quyền trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em...

Tại diễn đàn, các vấn đề về tâm lý tuổi mới lớn, bạo lực học đường, cơ sở vật chất trường học, sân chơi cho trẻ em cũng như phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em cũng được các em nêu ra.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu các sở ngành có liên quan trả lời tất cả thắc mắc, kiến nghị của các em.

Ông Nguyễn Hoàng Nam - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, do tình hình dịch bệnh, có những tình huống khiến các em không được đến trường. Do vậy, việc học trực tuyến là giải pháp tối ưu.

“Mới đây, ở chương trình “Sóng và Máy tính cho em”, Thủ tướng Chính phủ đã huy động được hơn 1 triệu máy cho các em. Riêng Sở GD-ĐT đã có văn bản vận động các thầy cô giáo ủng hộ 1 ngày lương để đóng góp vào chương trình, hỗ trợ các em không có máy tính có điều kiện học tập.

Sở GD-ĐT cũng đã kêu gọi sự giúp sức của toàn xã hội để hỗ trợ thiết bị học tập. Ngoài ra, các nhà mạng cũng cam kết phủ sóng đến tất cả địa bàn để giúp các em có điều kiện học tập” - ông Nguyễn Hoàng Nam nói.

Ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, đối với nhóm vấn đề về trang bị kỹ năng bơi và phòng chống đuối nước, hằng năm sở đều triển khai phổ cập bơi cho trẻ em.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ quyết tâm phối hợp với phòng giáo dục các địa phương để triển khai diện rộng. Riêng yêu cầu xây dựng các hồ bơi, Tỉnh ủy cũng đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu 50% số huyện, thị xã, thành phố có bể bơi. Do đó, để hồ bơi đến được với cấp xã rất khó.

Chúng tôi đang tính toán chủ động phối hợp các cấp ngành và địa phương tham mưu lãnh đạo tỉnh định hướng xây dựng các cụm hồ bơi di động chở đi các trường để phổ cập bơi cho các em” - ông Tào Viết Hải chia sẻ.

Kiến nghị của các em được trao tận tay đại diện các sở ngành. Ảnh: X.H
Kiến nghị của các em được trao tận tay đại diện các sở ngành. Ảnh: X.H

Đối với vấn đề bạo lực học đường cũng như bảo vệ trẻ em trước tệ nạn xâm hại tình dục, đại diện Công an tỉnh cho biết đã có quy chế phối hợp cùng nhà trường để giám sát các vấn đề về bạo lực học đường. Đối với học sinh, chủ động nắm thông tin tình hình giữa các nhóm học sinh để báo cho giáo viên chủ nhiệm hoặc công an khu vực, tránh tình trạng cổ súy, quay hình ảnh đăng lên internet.

Ngoài ra, ông Lê Quang Quỳnh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, trường học ngoài kiến thức còn có trách nhiệm hình thành kỹ năng cho học sinh. “Thông qua Tổng phụ trách, Hội đồng đội xã, Huyện đoàn, Tỉnh đoàn… góp phần tạo môi trường trải nghiệm cho học sinh.

Tỉnh đoàn đang triển khai chương trình “Bạn không đơn độc” để chăm lo cho các em khó khăn. Tỉnh đoàn còn có thêm rất nhiều chương trình, hoạt động hướng đến trẻ em trên địa bàn, hỗ trợ các em trong quá trình học tập và phát triển” - ông Lê Quang Quỳnh cho hay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu đối với các chiến lược, chương trình, kế hoạch có liên quan đến trẻ em, cần tham vấn ý kiến trẻ em trước khi ban hành để phù hợp với nhu cầu thực chất của trẻ.

Ngoài ra, thực hiện các biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19; phòng chống xâm hại trẻ em ở gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, khu công nghiệp, khu cách ly và các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội...

Chưa tham vấn ý kiến trẻ em trước khi quyết định học trực tuyến

Đây là ý kiến của trẻ tại diễn đàn ở điểm cầu TP.Tam Kỳ khi cho rằng, các em chỉ được sự sắp xếp của nhà trường chứ chưa tạo diễn đàn để các em có đồng tình với việc học trực tuyến hay không.

“Trong khi các thầy cô hoặc cấp ngành khác được tham vấn ý kiến trước khi quyết định, còn học sinh của chúng em có thích học trực tuyến hay không, có đáp ứng được điều kiện học trực tuyến hay không thì không được hỏi đến?” - đại diện thiếu nhi TP.Tam Kỳ nêu ý kiến.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Nam thừa nhận đây là thiếu sót của Sở GD-ĐT. Ông Nam cho biết, từ bây giờ, các em học sinh có quyền có ý kiến về khâu tổ chức, khó khăn, các bất cập trong việc học trực tuyến qua các kênh của thầy cô giáo hoặc trực tiếp với Sở GD-ĐT.

Sở sẽ tiếp nhận và điều chỉnh theo hướng tốt nhất cho các em. Bên cạnh đó, việc dạy học trực tuyến không kiểm tra theo định kỳ và sở sẽ nghiên cứu, tổ chức kiểm tra đánh giá theo hình thức phù hợp nhất

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lắng nghe tiếng nói trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO